1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Biển Đông trở thành vấn đề nóng với cử tri gốc Á trong bầu cử tổng thống Mỹ

(Dân trí) - “Liệu những người Mỹ gốc Việt như chúng tôi có lo ngại về tranh chấp Biển Đông hay không? Có chứ”, ông Philip Nguyen nói. “Tôi có thể khẳng định rằng gần 100% người Mỹ gốc Việt ở đây lo ngại về điều đó. Đó là chủ đề quan tâm nhất trong cộng đồng của tôi lúc này”.


Người Mỹ gốc Á tại Santa Ana, bang California (Ảnh: LATimes)

Người Mỹ gốc Á tại Santa Ana, bang California (Ảnh: LATimes)

Tại văn phòng của Trung tâm cộng đồng Đông Nam Á ở San Francisco, ông Philip Nguyen liệt kê một loạt các vấn đề mà ông nói là những người Mỹ gốc Việt gốc giống mình quan tâm. Thiếu việc làm tốt, chi phí chăm sóc y tế tăng, giá nhà tăng chóng mặt. Nói cách khác, đó là những điều mà bất kỳ người Mỹ nào cũng quan tâm trong thời điểm bầu cử.

Nhưng khi nhắc tới Trung Quốc, mắt ông Nguyen sáng lên. “Đó là chủ đề yêu thích của tôi”, người đàn ông 70 tuổi nói với VOA.

Ông Nguyen vẫn luôn đau đáu về quê hương và cảm giác đó dâng trào khi ông nói về sự bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông, nơi Bắc Kinh có tranh chấp lãnh thổ với vài quốc gia Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.

““Liệu những người Mỹ gốc Việt như chúng tôi có lo ngại về tranh chấp Biển Đông hay không? Có chứ”, ông khẳng định. “Tôi có thể khẳng định rằng gần 100% người Mỹ gốc Việt ở đây lo ngại về điều đó. Đó là chủ đề quan tâm nhất trong cộng đồng của tôi lúc này”.

Biển Đông đã nổi lên là một vấn đề bầu cử lớn, không chỉ đối với nhiều người trong cộng đồng người Mỹ gốc Việt gồm 1,6 triệu dân, mà còn cả với cộng đồng 2,6 triệu người Mỹ gốc Philippines, quốc gia cũng có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc.

Các cách tiếp cận khác nhau

Các ứng viên tổng thống hàng đầu, Hillary Clinton và Donald Trump, đều cam kết cứng rắn với Trung Quốc.

Trên cương vị Ngoại trưởng Mỹ từ 2009-2013, bà Clinton đã lên tiếng mạnh mẽ trước các hành động của Trung Quốc tại các khu vực tranh chấp ở Biển Đông. Bà cũng là một trong những kiến trúc sư chính cho chính sách của Nhà Trắng nhằm tái cân bằng sang châu Á, vốn được xem là một cách nhằm kiềm chế Trung Quốc.

“Bà Clinton rõ ràng đã có tiếng diều hâu tại châu Á, đặc biệt là Trung Quốc”, Steven Lewis, một chuyên gia về châu Á tại Đại học Rice, nhận định. “Tôi nghĩ chúng ta có thể kỳ vọng nhiều hơn từ bà ấy về điều tương tự trong tương lai”.

Mối quan hệ của ông Trump với châu Á phức tạp hơn. Mặc dù ông lấy sự chỉ trích Trung Quốc là một trọng tâm của chiến dịch tranh cử nhưng ông chủ yếu tập trung vào thương mại. Ông cũng đe dọa rút các binh sĩ Mỹ khỏi châu Á, làm nảy sinh các câu hỏi rằng liệu ông có nhượng bộ sự ảnh hưởng của Mỹ đối với khu vực cho Bắc Kinh hay không.

Bất chấp những tuyên bố cứng rắn của các chính trị gia Mỹ, Trung Quốc vẫn bành trướng ở Biển Đông, biến các bãi cạn và bãi đá thành các đảo nhân tạo để có thể chứa chấp các sân bay và căn cứ quân sự.

Người Mỹ gốc Việt đặc biệt thường lên tiếng về Biển Đông, và nhiều lần phản đối các hành động của Trung Quốc bên ngoài đại sứ quán Trung Quốc ở Washington hay các lãnh sự quán khác.

California có số lượng người Mỹ gốc Việt đông nhất. Nhiều người sống tại khu vực vịnh San Francisco, bao gồm thành phố San Francisco, nơi họ sống đông nhất tại quận Tenderloin.

Một dãy phố của quận này đã chính thức được đặt tên là Little Saigon vào năm 2004. Khu này có nhiều nhà hàng của người Việt, các quán cà phê và cửa hàng tạp phẩm. Hai bức tượng sư sử được đặt ở lối vào khu Little Saigon.

“Chúng tôi giờ đã thành công dân Mỹ, nhưng nhiều người vẫn hướng về Việt Nam”, ông Nguyễn nói, giải thích mối lo ngại của cộng đồng về Trung Quốc. “Chúng tôi biết lý do Trung Quốc phải mở rộng. Nhưng nếu họ mở rộng gây ảnh hưởng chúng tôi thì chúng tôi phải lo ngại về điều đó”.

Những lá phiếu có ảnh hưởng

Các chiến dịch tranh cử tổng thống thường không nỗ lực tiếp cận các nhóm di dân tại những bang như California, bang đã bỏ phiếu cho các ứng viên tổng thống Dân chủ trong tất cả các cuộc bầu cử kể từ năm 1992.

Nhưng lá phiếu của cử tri gốc Đông Nam Á có thể đóng vai trò quan trọng ở các nơi khác, trong đó có Florida, Nevada, Virginia, tất cả những bang có thể bỏ phiếu cho ứng viên Dân chủ hoặc Cộng hòa vào ngày bầu cử tổng thống 8/11 tới.

Nhâm nhi tách cà phê tại một quán cafe do người Việt làm chủ ở Falls Church, Virginia, Lam Nguyen thẳng thắn về suy nghĩ của anh đối với vấn đề tranh chấp Biển Đông.

“Tôi không thích Trung Quốc”, Nguyen, người làm tài xế, cho biết. “Tôi muốn quân đội Mỹ ngăn chặn Trung Quốc ở Biển Đông”.

Ngồi gần đó là Keith Lee, một nhà tổ chức liên đoàn địa phương. Ông cũng nói không thích Trung Quốc gây hấn đối với Việt Nam, nhưng hoài nghi rằng ai đó có thể làm gì để ngăn chặn điều đó.

“Ông lớn luôn cố gắng tìm cách giành một phần miếng bánh. Đây là thế giới thực”, Lee nói.

Hiện có khoảng 150.000 người Mỹ gốc Việt và người Mỹ gốc Philippines sống tại Virginia. Mặc dù đó là một con số trong dân số 8,3 triệu người của bang nhưng cũng đủ làm ảnh hưởng tới một cuộc bầu cử ở một số năm.

Hãy lấy ví dụ trường hợp của Thượng nghị sĩ Mark Warner từ bang Virginia, người giành ghế vào năm 2014 với 17.000 lá phiếu. Ông Warner, một thành viên đảng Dân chủ, đã tìm kiếm sự ủng hộ của người Mỹ gốc Á và giành được lá phiếu của họ.

Một thập niên trước đó, một nghị sĩ Dân chủ khác từ Virginia, ông Jim Webb, đã giành ghế bằng 9.000 lá phiếu, cũng một phần bởi tiếp cận người Mỹ gốc Á.

“Tôi cho rằng Trump sẽ cứng rắn hơn với Trung Quốc, nhưng thực sự tôi không biết”, Binh Tran, người sở hữu và quản lý một cửa hàng bánh tại trung tâm Falls Church’s Eden, một trung tâm có các cửa hàng do người Việt làm chủ.

Theo một cuộc thăm dò hồi tháng 5 do một nhóm các nhóm ủng hộ người Mỹ gốc Á thực hiện cho thấy về cơ bản người Mỹ gốc Á ngày càng có khuynh hướng tự do và cơ bản không thích Trump.

Nhưng người Mỹ gốc Á không bỏ phiếu giống nhau. Ví dụ, người Mỹ gốc Việt có truyền thống nghiêng ứng viên Cộng hòa.

Nhưng sự ủng hộ đối với ông Trump trong nhóm người Mỹ gốc Philippines có thể bị ảnh hưởng do việc ông này đặt Philippines vào danh sách các quốc gia khủng bố mà ông có thể cấm nhập cư.

Tình hình càng trở nên phức tạp do sự chỉ trích gần đây của Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đối với quan hệ quân sự Manila-Washington. Ông Duterte cũng được xem là có khuynh hướng xích lại gần Trung Quốc.

Cả Clinton và Trump đều có các nỗ lực nhằm tiếp cận người Mỹ gốc Á.

Hồi tháng 1, chiến dịch tranh cử của bà Clinton đã lập nhóm các cử tri người Mỹ gốc Á và châu Thái Bình Dương ủng hộ Hillary. Hồi đầu tuần này, ông Trump đã công bố thành lập một Ủy ban cố vấn người Mỹ gốc Á và Thái Bình Dương để “hỗ trợ và tăng cường quan hệ” với cộng đồng.

Nhưng không rõ các ứng viên có sử dụng vấn đề Biển Đông để cố gắng giành các lá phiếu hay không. Steven Lewis, giáo sư Đại học Rice, nói đó có thể là một chiến lược mạo hiểm.

“Clinton đủ khôn ngoan để thận trọng trong việc tiếp cận mối quan hệ quân sự ngày càng tăng cường với cả Việt Nam và Philippines, do lịch sử khó khăn với cả hai nước”, ông Lewis nói.

An Bình