Biến chủng Delta Plus nguy hiểm hơn, đã xuất hiện ở 10 nước
(Dân trí) - Trong khi biến chủng Delta phát hiện lần đầu ở Ấn Độ tiếp tục đe dọa thậm chí những "thành trì" chống dịch, giới chuyên gia lo ngại đột biến mới Delta Plus có thể gây ra làn sóng bùng phát nguy hiểm.
Biến chủng Delta Plus
Biến chủng Delta hay B.1617.2 của virus SARS-CoV-2 được cho là đã gây ra thảm kịch nghiêm trọng chưa từng có ở Ấn Độ những tháng đầu năm nay và hiện tại tiếp tục đe dọa đến cả những quốc gia được tin là sắp cán đích trở lại cuộc sống bình thường trước đại dịch như Anh, Mỹ.
Tuy nhiên, mối đe dọa từ biến chủng Delta chưa dừng lại ở đó. Mới đây, các nhà khoa học đã phát hiện mối đe dọa từ Delta Plus, một đột biến mới của Delta. Đây là biến chủng có thêm đột biến K417N trên protein gai. Delta Plus được phân loại thành hai nhánh gồm Delta-AY.1 và Delta-AY.2.
Truyền thông Ấn Độ cho biết, các ca bệnh nhiễm biến chủng mới này được phát hiện và cách ly đầu tiên tại châu Âu và hầu hết là người đến từ hoặc đi qua Nepal. Bộ Y tế Ấn Độ cho biết, biến chủng Delta Plus đã được phát hiện ở 9 quốc gia khác gồm Mỹ, Anh, Bồ Đào Nha, Thụy Sĩ, Nhật Bản, Ba Lan, Nepal, Trung Quốc và Nga.
Ấn Độ cũng ghi nhận 20 ca nhiễm biến chủng Delta Plus. Anh ghi nhận 36 trường hợp nhiễm biến chủng này, trong đó ít nhất 18 trường hợp chưa tiêm chủng, 2 trường hợp đã tiêm chủng đủ 2 mũi, và đa số là người trẻ tuổi, chỉ có 2 người trên 60 tuổi.
Hiện chưa thể khẳng định biến chủng mới có nguồn gốc từ Nepal. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hôm 3/6 cho biết, các biến chủng gây lo ngại lây lan ở Nepal gồm có Alpha (B.1.1.7), Delta (B.1617.2) và Kappa (B.1617.1), trong đó Delta là biến chủng trội hơn cả.
Theo các nghiên cứu ban đầu, bệnh nhân nhiễm biến chủng Delta Plus có thể có những triệu chứng như ho khan, sốt, mệt mỏi, đau mỏi cơ, phát ban, đau họng, viêm kết mạc, mất vị giác hoặc khứu giác, tiêu chảy, đau đầu, tức ngực khó thở, mất tiếng, suy giảm thính lực.
Phân tích trình tự gen do các phòng thí nghiệm ở Ấn Độ tiến hành cho thấy biến chủng Delta Plus có khả năng lây nhiễm cao hơn, bám chặt vào các tế bào phổi hơn.
Các chuyên gia vẫn đang tìm hiểu thêm để xác định liệu biến chủng mới có độc lực cao hơn những chủng ban đầu không. Tuy nhiên, các phát hiện ban đầu cho thấy biến chủng này có thể kháng lại các phương pháp điều trị bằng kháng thể đơn dòng - liệu pháp mới được phê chuẩn gần đây ở Ấn Độ với sự kết hợp của hai loại thuốc gồm casirivimab và imdevimab. Một vấn đề đáng lo ngại khác nữa là biến chủng mới có thể né miễn dịch ở người đã tiêm chủng hoặc từng mắc Covid-19.
Vắc xin hiện thời có hiệu quả với Delta Plus?
Các nhà khoa học vẫn chưa thử nghiệm mức độ hiệu quả của các vắc xin với biến chủng Delta Plus, nhưng CNBC dẫn nhận định của Tiến sĩ Scott Gottlieb, cựu ủy viên Cục Quản lý Thực và Dược phẩm Mỹ (FDA), cho rằng các vắc xin hiện thời dường như vẫn có hiệu quả với biến chủng mới.
"Các vắc xin mRNA dường như vẫn có hiệu quả cao, khoảng 88%, chống lại biến chủng Delta. Trong khi các vắc xin véc-tơ của Johnson & Johnson và AstraZeneca có thể cho hiệu quả khoảng 60%", ông Gottlieb nói. Vắc xin của Moderna và Pfizer/BioNTech sử dụng công nghệ mRNA. Nghiên cứu chỉ ra, vắc xin Pfizer và AstraZeneca chỉ có hiệu quả 33% với biến chủng mới Delta sau 3 tuần kể từ khi tiêm mũi đầu tiên.
Tuy WHO chưa xếp Delta Plus vào nhóm biến chủng "đáng lo ngại", nhưng một số chuyên gia lo ngại nó có thể gây ra một đợt bùng phát mới ở nhiều nơi trên thế giới.
Chính phủ Ấn Độ ngày 22/6 xác nhận Delta Plus dễ lây lan hơn so với chủng cũ đồng thời nâng mức cảnh báo với Delta Plus lên thành "biến chủng đáng lo ngại". Ấn Độ yêu cầu các chính quyền địa phương cần thực hiện các biện pháp ngăn chặn ngay lập tức, tăng cường xét nghiệm, truy vết và tiêm chủng.
Biến chủng "nhanh nhất, mạnh nhất"
Trong khi vẫn cần nghiên cứu thêm về Delta Plus, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 21/6 cho biết, Delta đang là biến chủng lan nhanh nhất và khỏe nhất và sẽ tấn công những người dễ tổn thương nhất.
"Biến chủng Delta lây lan nhanh hơn, mạnh hơn và sẽ tấn công những người dễ tổn thương nhất trong số các biến chủng của SARS-CoV-2. Do vậy, người nào chưa tiêm chủng sẽ phải đối mặt với nguy cơ cao hơn nữa", CNBC dẫn lời Giám đốc chương trình khẩn cấp của WHO Mike Ryan cảnh báo.
Quan chức này cũng cảnh báo, biến chủng Delta có thể gây nguy cơ tử vong cao hơn bởi nó lây truyền nhanh hơn giữa người với người và "cuối cùng nó sẽ tìm đến những người dễ bị tổn thương khiến bệnh tình của họ diễn biến nặng, phải nhập viện và có khả năng tử vong".
Theo WHO, Delta đang dần trở thành biến chủng trội toàn cầu, thay thế cho biến chủng Alpha phát hiện lần đầu ở Anh do khả năng lây nhiễm cao. Sau khi gây ra thảm kịch ở Ấn Độ, Nepal biến chủng Delta tiếp tục khiến dịch bùng phát mạnh trở lại ở Anh, Nga và nhiều nơi khác trên thế giới. Anh, một trong những quốc gia triển khai sớm và nhanh chóng chương trình tiêm chủng, buộc phải hoãn mở cửa vì đợt bùng phát mới. Trong khi đó, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ Rochelle Walensky cho rằng biến thể Delta có thể trở thành chủng trội ở Mỹ trong hai hoặc 3 tháng tới.
WHO đã đề nghị các nước giàu hỗ trợ đà lây lan của Delta bằng cách chia sẻ vắc xin với những quốc gia có thu nhập thấp và trung bình.