1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Biến chủng Delta lan ra 74 nước, Covid-19 lan nhanh "như cháy rừng"

Minh Phương

(Dân trí) - Biến chủng Delta của virus SARS-CoV-2 phát hiện lần đầu ở Ấn Độ đã xuất hiện ở 74 nước và còn tiếp tục lan rộng, làm dấy lên lo ngại biến chủng này sẽ nhanh chóng "phủ sóng" toàn cầu.

Biến chủng Delta lan ra 74 nước, Covid-19 lan nhanh như cháy rừng - 1

Biến chủng Delta đã khiến Ấn Độ rơi vào một cuộc khủng hoảng y tế nghiêm trọng (Ảnh minh họa: Getty).

Guardian dẫn số liệu thống kê cho thấy, biến chủng Delta đã xuất hiện ở 74 quốc gia, trong đó có Mỹ, Trung Quốc, các nước châu Phi, khu vực Thái Bình Dương và bán đảo Scandinavia.

Theo ông Scott Gottlieb, cựu quan chức Cơ quan Quản lý Thực và Dược phẩm Mỹ (FDA), số ca nhiễm biến chủng Delta ở Mỹ cứ sau hai tuần lại tăng gấp đôi và hiện chiếm 10% tổng số ca nhiễm mới, trong khi đó, tại Anh, tỷ lệ này lên tới hơn 90%. Ông Gottlieb cho rằng, sớm muộn biến chủng Delta cũng sẽ trở thành biến chủng phổ biến ở Mỹ.

"Biến chủng này đang tiếp tục lây lan và dường như lây lan mạnh hơn. Dường như những người nhiễm biến chủng này có tải lượng virus cao hơn và duy trì trong thời gian dài hơn. Hiện tại, biến chủng Delta chỉ chiếm 10% số ca nhiễm mới ở Mỹ, nhưng nó tăng gấp đôi sau hai tuần và có thể sẽ sớm trở thành biến chủng áp đảo ở Mỹ", chuyên gia Gottlieb nói.

Giới chức y tế trên khắp thế giới đang thu thập và chia sẻ dữ liệu về mức độ lây lan của biến chủng mới này. Nhiều người lo ngại, mức độ lây lan của biến chủng Delta ở các nước đang phát triển có thể khủng khiếp hơn báo cáo thực tế do hệ thống giám sát ở các nước này còn hạn chế.

Ashish Jha, hiệu trưởng trường y tế cộng đồng thuộc Đại học Brown ở Mỹ, tuần trước gọi Delta là "biến chủng dễ lây lan nhất mà chúng tôi từng biết từ trước đến nay".

Hồi tháng 4, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã xếp Delta vào nhóm "biến chủng đáng lo ngại" cùng với biến chủng từ Anh, từ Nam Phi và từ Brazil. Biến chủng này được cho là gây các triệu chứng nghiêm trọng hơn cho người bệnh như đau dạ dày, buồn nôn, chán ăn, giảm thính lực và đau khớp.

Ví dụ, tại Quảng Châu, tâm dịch Covid-19 hiện nay ở Trung Quốc, giới chức y tế địa phương cho biết, khoảng 12% bệnh nhân Covid-19 diễn biến nặng hoặc nguy kịch chỉ trong vòng 3 đến 4 ngày kể từ khi phát hiện triệu chứng, cao gấp 4 lần so với các đợt dịch trước. Một nghiên cứu ở Trung Quốc cũng chỉ ra, biến chủng Delta dường như dễ kháng vắc xin hơn, đặc biệt là vắc xin một liều. Một nghiên cứu của các nhà khoa học Anh mới đây chỉ ra, vắc xin hai liều có hiệu quả cao trong việc hạn chế nguy cơ nhập viện vì biến chủng Delta.

Những vấn đề này làm dấy lên tranh luận liệu các chính phủ nên có biện pháp ứng phó nào với biến chủng Delta để ngăn chặn hiệu quả đà lây lan của dịch. Biến chủng Delta gây lo ngại cho nhiều nước, nhưng đặc biệt là các quốc gia với hệ thống y tế nghèo nàn.

Dịch lan "như cháy rừng"

Biến chủng Delta lan ra 74 nước, Covid-19 lan nhanh như cháy rừng - 2

Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres (Ảnh: Reuters).

Phát biểu tại một cuộc họp trực tuyến ở London cuối tuần trước, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres nói rằng, dịch Covid-19 ở các nước đang phát triển đang lan nhanh "như cháy rừng" và virus có nguy cơ biến chủng nhanh và nguy hiểm hơn.

Người đứng đầu Liên Hợp Quốc cho rằng, cách duy nhất để đẩy lùi đại dịch là triển khai chương trình tiêm chủng và chia sẻ vắc xin toàn cầu. Theo ông, việc phân phối vắc xin hiện nay vẫn chưa "đồng đều và công bằng". Ông Guterres ca ngợi G7 cam kết chia sẻ 1 tỷ liều vắc xin với các nước nghèo, nhưng cho rằng con số này là chưa đủ để giúp thế giới vượt qua đại dịch.

Do vậy, ông kêu gọi "chia sẻ kiến thức" và công nghệ sản xuất vắc xin để tăng khẩn cấp nguồn cung vắc xin toàn cầu. "Rõ ràng chúng ta cần chia sẻ kiến thức, nhưng đồng thời cũng chia sẻ mọi phương diện cần thiết để cho phép sản xuất vắc xin. Điều này có nghĩa là huy động tất cả năng lực hiện có hoặc có thể có trong việc chuyển giao công nghệ. Xóa bỏ bản quyền vắc xin là một chuyện nhưng không phải là yếu tố duy nhất", ông Guterres nói.

"Chúng ta đang trong một cuộc chiến với virus, với đại dịch đã và đang gây tổn thất nặng nề cho cả thế giới, phá hủy kinh tế toàn cầu. Để đẩy lùi đại dịch, chúng ta cần tăng cường vũ khí", ông Guterres nhấn mạnh và kêu gọi đưa ra một kế hoạch tiêm chủng toàn cầu.

Theo ông, các nước sản xuất vắc xin nên phối hợp lại, lập ra một tổ chức ứng phó khẩn cấp với sự hỗ trợ của WHO, Liên minh vắc xin toàn cầu (GAVI) và các định chế tài chính toàn cầu để vạch ra và triển khai kế hoạch đó. "Cách hiệu quả duy nhất để đẩy lùi đại dịch là tất cả mọi người được tiêm chủng càng sớm càng tốt", ông Guterres nói.