WHO: Biến chủng từ Ấn Độ lan ra hơn 80 nước, tiếp tục đột biến
(Dân trí) - Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết, biến chủng Delta của virus SARS-CoV-2 phát hiện lần đầu ở Ấn Độ đã lan ra hơn 80 nước và tiếp tục đột biến.
Biến chủng Delta - một nhánh của biến chủng B.1617 - được phát hiện lần đầu tại Ấn Độ. Các nghiên cứu chỉ ra, biến chủng này có khả năng lây lan cao hơn so với các biến chủng khác. Thậm chí một số báo cáo chỉ ra, biến chủng Delta gây ra các triệu chứng nghiêm trọng hơn ở bệnh nhân Covid-19, song vẫn cần nghiên cứu thêm để xác định.
WHO gần đây cũng theo dõi biến chủng mới tạm gọi là "Delta cộng". "Tôi cho rằng, điều này có nghĩa là thêm một đột biến nữa của biến chủng được phát hiện. Tuy nhiên, ở một số biến chủng Delta, chúng tôi phát hiện thiếu một đột biến thay vì thêm vào, do vậy chúng tôi đang xem xét toàn diện", bà Maria Van Kerkhove, người đứng đầu bộ phận kỹ thuật về Covid-19 của WHO, cho biết.
Theo số liệu của WHO, biến chủng Delta hiện chiếm khoảng 10% số ca nhiễm mới ở Mỹ, tăng so với 6% tuần trước. Biến chủng Delta gần đây cũng bắt đầu trở thành biến chủng chủ đạo ở Anh, vượt qua biến chủng Alpha (hay B.1.1.7). Hiện số ca nhiễm biến chủng Delta chiếm hơn 60% ca số ca mắc mới ở Anh.
Giới chuyên gia cảnh báo, việc chậm trễ tiêm chủng vắc xin để đạt miễn dịch cộng đồng trong khi vội vàng nới lỏng các biện pháp hạn chế phòng dịch là điều kiện để virus đột biến, trong đó có các đột biến nguy hiểm hơn.
WHO hôm 15/6 đã đưa thêm một biến chủng nữa (gọi là Lambda) vào danh sách biến chủng "đáng lo ngại" cùng với biến chủng từ Ấn Độ, từ Anh, từ Nam Phi và từ Brazil. WHO đang theo dõi hơn 50 biến chủng của virus SARS-CoV-2 nhưng không phải tất cả đều đáng lo ngại. Biến chủng Lambda có nhiều đột biến ở protein gai có thể ảnh hưởng đến khả năng lây lan của virus và vẫn cần tìm hiểu thêm, bà Van Kerkhove nói. Biến chủng này được các nhà khoa học Nam Mỹ trong đó có Chile, Peru, Argentina phát hiện ra.