1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Biến chủng Delta Plus đã lan tới gần 30 nước

Đức Hoàng

(Dân trí) - Biến chủng Delta Plus hiện đã lan ra gần 30 quốc gia nhưng các chuyên gia hiện vẫn còn nhiều điều chưa nắm rõ về nó.

Biến chủng Delta Plus đã lan tới gần 30 nước - 1

Biến chủng Delta đã gây ảnh hưởng tới thành quả chống dịch của nhiều quốc gia trên thế giới (Ảnh minh họa: AFP).

Theo Business Insider, biến chủng Delta Plus hiện đã xuất hiện ở ít nhất 29 quốc gia và 17 bang của Mỹ. Về mặt di truyền, Delta Plus và Delta có điểm tương đồng nhau. Tuy nhiên, Delta Plus có thêm một đột biến trong gai protein - phần giúp virus bám vào tế bào người. Chính vì điều này, các nhà khoa học trên thế giới vẫn đang theo dõi diễn biến của biến chủng này.

Bộ Y tế Ấn Độ tháng trước cho biết, Delta Plus có nguy cơ lây lan dễ hơn Delta và có thể dễ bám vào tế bào phổi hoặc chống lại các loại thuốc kháng thể. Nhưng gần đây, nghiên cứu của một tập đoàn công nghệ sinh học của Ấn Độ chỉ ra rằng các dòng phụ của Delta dường như không dễ lây lan như Delta. Tính đến ngày 23/7, Ấn Độ mới ghi nhận không chưa tới 70 ca Delta Plus.

Cả trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đều đếm gộp ca Delta Plus vào Delta do chúng cùng thuộc một dòng, đồng nghĩa với việc 2 chủng này không bóc tách riêng rẽ số lượng ca bệnh. Tuy nhiên, dữ liệu thống kê từ tổ chức Scripps Research (Mỹ) đăng trên Outbreak.info chỉ ra rằng, hiện mới có khoảng 430 ca Delta Plus ghi nhận trên toàn cầu.

"Nó (Delta Plus) thực sự không khiến tôi thêm sợ hãi so với Delta", Andrew Read, giáo sư đại học bang Pennsylvania, Mỹ, nhận định. Ông Read cho rằng, Delta Plus lây lan tới 29 nước chỉ thể hiện rằng nó đang mở rộng sự xuất hiện về mặt địa lý, và "không có nghĩa là nó lây nhiễm rộng rãi".

"Có thể sự xuất hiện của Delta Plus ở các nước là do một số sự kiện độc lập diễn ra ở các nơi đó", ông Read nhận định.

Cần theo dõi thêm

Tại Mỹ, số ca Delta Plus đạt đỉnh vào cuối tháng 6, với tỷ lệ ít hơn 5% trong số các ca bệnh được giải trình tự gen, theo Outbreak.info. Các chuyên gia ý rằng cho rằng đó có thể là một dấu hiệu Delta Plus đang không "cạnh tranh" với các biến chủng khác.

"Nếu nó bắt đầu tăng tần suất số ca so với biến chủng Delta, điều đó sẽ cho bạn biết rằng có lẽ nó đang trên đà vượt Delta. Tuy nhiên, chúng tôi không thực sự quan sát thấy điều đó vào lúc này", ông Read nói.

Để có thể xác định Delta Plus có là mối quan ngại nghiêm trọng hay không, các nhà khoa học cần bằng chứng rằng nó dễ lây lan hơn Delta, hay gây ra triệu chứng nặng hơn hoặc kháng lại vắc xin.

Hồi tháng 6, cơ quan y tế Anh nói với Business Insider rằng, chưa có bằng chứng cho thấy đột biến trên Delta Plus khiến virus trở nên nghiêm trọng hơn hoặc giảm hiệu quả của vắc xin nếu so với Delta.

Bác sĩ Daniel Rhoads tại bệnh viện Cleveland Clinic, bang Ohio, Mỹ cho rằng cách đặt tên Delta Plus tạo cảm giác biến chủng này sẽ giống bản nâng cấp nguy hiểm hơn của Delta, nhưng trên thực tế thì chưa có bằng chứng cụ thể cho nhận định này.

Nhà dịch tễ học William Hanage từ trường y khoa Harvard T.H. Chan cho rằng: "Nếu biến chủng nào đó có nhiều đột biến nhưng nó không có dấu hiệu phát triển lên mạnh mẽ, thì đó là định nghĩa của việc nó chưa phải là vấn đề (gây thêm lo ngại)".   

Mặc dù các chuyên gia chưa bày tỏ sự lo ngại về Delta Plus nhiều hơn là với Delta, nhưng họ cảnh báo rằng việc virus tiếp tục lây lan có thể tạo điều kiện để nó tiếp tục biến đổi thành chủng mới có khả năng nguy hiểm hơn. Vì vậy, việc tiêm vắc xin và đeo khẩu trang để ngăn mầm bệnh lây nhiễm được xem là vũ khí hữu hiệu để chặn đường phát triển của dịch bệnh.

Trên thực tế, các dữ liệu gần đây cho thấy, dù Delta dễ lây nhiễm hơn, nhưng việc tiêm chủng cũng làm giảm đi đáng kể khả năng mắc bệnh của người được tiêm, cũng như giảm rõ rệt việc họ đổ bệnh nặng phải nhập viện hoặc tử vong.