1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Biến chủng Delta Plus nguy hiểm thế nào?

Thành Đạt

(Dân trí) - Các chuyên gia hiện vẫn tranh cãi về việc liệu có thể coi Delta Plus là biến chủng "đáng lo ngại" không khi ngày càng nhiều nước ghi nhận các ca nhiễm mới liên quan tới biến chủng này.

Biến chủng Delta Plus nguy hiểm thế nào? - 1

Bệnh nhân Covid-19 điều trị tại Ấn Độ (Ảnh: Reuters).

Ấn Độ hồi tháng 6 đã liệt Delta Plus vào nhóm "biến chủng đáng lo ngại", sau khi biến chủng này được phát hiện trong 22 mẫu bệnh ở 3 bang Maharashtra, Kerala và Madhya Pradesh. Vào thời điểm đó, Maharashtra, một trong những bang bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch Covid-19 ở Ấn Độ, ghi nhận 16 ca nhiễm Delta Plus.

Biến chủng mới có liên quan tới Delta - biến chủng lần đầu tiên xuất hiện ở Ấn Độ và gây ra đợt bùng phát dịch mạnh nhất ở quốc gia này hồi tháng 5, đồng thời đe dọa đến cả những quốc gia được tin là sắp cán đích trở lại cuộc sống bình thường trước đại dịch như Anh, Mỹ. Delta Plus xuất hiện buộc Ấn Độ phải triển khai các biện pháp kiểm soát để ngăn dịch lây lan.

Bộ Y tế Ấn Độ dẫn các kết quả nghiên cứu cho thấy, biến chủng Delta Plus, hay còn được gọi là AY.1, lây lan dễ dàng hơn, liên kết dễ dàng hơn với các tế bào phổi và có khả năng chống lại liệu pháp điều trị kháng thể đơn dòng. Theo các nghiên cứu ban đầu, bệnh nhân nhiễm biến chủng Delta Plus có thể có những triệu chứng như ho khan, sốt, mệt mỏi, đau mỏi cơ, phát ban, đau họng, viêm kết mạc, mất vị giác hoặc khứu giác, tiêu chảy, đau đầu, tức ngực khó thở, mất tiếng, suy giảm thính lực.

Biến chủng Delta cho đến nay đã lan ra hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ trên khắp thế giới, còn Delta Plus đã được phát hiện ở khoảng 20 quốc gia, sau khi được ghi nhận lần đầu tiên ở châu Âu. Mỹ, Anh, Bồ Đào Nha, Thụy Sĩ, Nhật Bản, Ba Lan, Nepal, Nga, Trung Quốc nằm trong số những nước đã ghi nhận ca nhiễm Delta Plus.

Một trong những nước mới nhất xác nhận ca nhiễm Delta Plus đầu tiên là Hàn Quốc. Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) cho biết 2 trường hợp nhiễm Delta Plus tại nước này là những người đã được tiêm chủng vắc xin đầy đủ.  

Hiện chưa có nhiều thông tin về Delta Plus, tuy nhiên biến chủng mới này được cho là có khả năng lây nhiễm tương đương Delta và lây nhiễm với cả những người đã tiêm vắc xin, theo Korean Times.

Delta Plus có chứa thêm một đột biến bổ sung được gọi là K417N, giống như trên các biến chủng Beta và Gamma, lần đầu tiên được tìm thấy ở Nam Phi và Brazil. Biến chủng Beta có liên quan đến tỷ lệ nhập viện và tử vong tăng cao trong đợt bùng phát dịch đầu tiên ở Nam Phi , trong khi Gamma được đánh giá là có nguy cơ lây nhiễm cao.

Biến chủng "đáng lo ngại"?

Các chuyên gia cho biết virus SARS-CoV-2 đột biến liên tục, nhưng phần lớn những thay đổi này không quá nguy hiểm. Một số thay đổi có thể gây hại cho chính virus. Nhưng cũng có những thay đổi khiến virus trở nên dễ lây nhiễm hơn, nguy hiểm hơn, và những đột biến này có xu hướng chiếm ưu thế.

Các nhà virus học hàng đầu đã đặt nghi vấn về việc dán nhãn Delta Plus là "biến chủng đáng lo ngại" như cách Ấn Độ đã làm. Họ cho rằng chưa có đủ dữ liệu để chứng minh biến chủng mới có khả năng lây nhiễm cao hơn, hoặc có thể gây bệnh nặng hơn so với các biến chủng khác.

"Vẫn chưa có dữ liệu nào ủng hộ quan điểm cho rằng biến chủng này đáng lo ngại. Cần thêm dữ liệu sinh học và lâm sàng để xem xét liệu biến chủng này có thực sự là một biến chủng đáng lo ngại hay không", BBC dẫn lời nhà virus học Ấn Độ Gagandeep Kang hồi tháng 6 cho biết.

Tiến sĩ Kang cho rằng "cần nghiên cứu vài trăm người bị nhiễm biến chủng mới này và tìm hiểu xem họ có nguy cơ mắc bệnh nặng hơn so với những người nhiễm biến chủng gốc hay không".

Theo tiến sĩ Jeremy Kamil, nhà virus học tại Đại học Bang Louisiana, ngay cả với 166 mẫu Delta Plus được chia sẻ trên cơ sở dữ liệu chia sẻ mở toàn cầu GISAID, cũng "không thấy nhiều lý do để tin rằng biến chủng này nguy hiểm hơn biến chủng Delta ban đầu".

"Delta Plus có thể lây nhiễm dễ hơn một chút giữa những người từng bị nhiễm virus hay những người có hệ thống miễn dịch yếu hoặc chưa hoàn thiện dù đã tiêm vắc xin. Tôi vẫn sẽ bình tĩnh. Tôi không nghĩ rằng Ấn Độ hoặc bất kỳ quốc gia nào khác trên thế giới đã đưa ra hoặc thu thập đủ dữ liệu để chứng minh Delta Plus nguy hiểm hơn hay đáng lo ngại hơn so với biến chủng Delta ban đầu", tiến sĩ Kamil nói.

Tiến sĩ Anurag Agarwal, giám đốc Viện Gene và Sinh học Tích hợp (IGIB) có trụ sở tại Delhi - một trong 28 phòng thí nghiệm của Ấn Độ thực hiện việc giải trình gene, cho biết "tất cả các dòng của biến chủng Delta đều đáng lo ngại", do vậy không có gì bất thường khi gắn nhãn Delta Plus như vậy.

"Chúng tôi không có bất kỳ chỉ dấu nào tính thời điểm hiện tại cho thấy rằng, Delta Plus có thể gây ra bất kỳ lo lắng hoặc hoảng loạn nào về sức khỏe cộng đồng. Nhưng chúng tôi vẫn đang theo dõi biến chủng này cẩn thận và tăng cường các biện pháp y tế cộng đồng", ông Agarwal cho biết.

Tiến sĩ Kamil cho rằng chính phủ ở Ấn Độ "thà phản ứng thái quá từ ngay bây giờ, còn hơn là không kịp ứng phó sau này, như trường hợp của biến chủng Delta".

Hầu hết các nhà khoa học đều nhận định rằng, việc Ấn Độ bỏ qua bước giải trình tự gene của biến chủng Delta đã thúc đẩy sự gia tăng đột biến số ca mắc Covid-19 tại nước này vào tháng 4 và tháng 5.

"Tôi không quá lo lắng. Nhưng vẫn cần theo dõi biến chủng này", tiến sĩ Agarwal nhấn mạnh.