1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Belarus lo kịch bản bị phương Tây tấn công

Đức Hoàng

(Dân trí) - Bộ trưởng Quốc phòng Belarus Viktor Khrenin cảnh báo về kịch bản khối liên minh quân sự NATO có thể triển khai lực lượng nhắm vào nước này và Nga.

Belarus lo kịch bản bị phương Tây tấn công - 1

Một cuộc tập trận của Mỹ và NATO ở châu Âu (Ảnh: Quân đội Mỹ).

Tass đưa tin, Bộ trưởng Viktor Khrenin ngày 6/10 nghi ngờ rằng, lực lượng NATO đang triển khai cạnh các nước láng giềng của Belarus có thể là cơ sở để thiết lập các nhóm tấn công nhằm vào nước này và Nga.

"Hôm nay, chúng tôi có một nhận định rằng, các lực lượng NATO triển khai ở các nước láng giềng có thể trở thành cơ sở cho việc thành lập các nhóm tấn công chống lại Nga và đồng minh thân cận nhất Belarus", ông Khrenin nhận định.

Quan chức Belarus cho rằng, ngay cả khi hiện chưa có dấu hiệu cho thấy NATO đang chuẩn bị cho động thái trên thì "nguy cơ có thể xảy ra giao tranh giữa Belarus và lực lượng được triển khai gần biên giới của chúng tôi vẫn tồn tại".

Ông Khrenin cho biết, bằng chứng về nhận định trên là Mỹ và NATO đã và đang xây dựng lực lượng ở Đông Âu. Ví dụ, ông Khrenin cho biết, có hơn 60.000 binh sĩ Mỹ được trang bị vũ khí tấn công đang đồn trú dài hạn ở châu Âu.

Thêm vào đó, ông Khrenin nói rằng, 35.000 quân nhân Mỹ đang tham gia các chiến dịch ở Đông Âu, trong đó hơn 22.000 người ở Ba Lan và các nước Baltic.

Ông cảnh báo, nếu xung đột xảy ra, các máy bay và chiến hạm của NATO có thể nhằm mục tiêu vào "các cơ sở và binh sĩ trên khắp lãnh thổ Belarus".

Trong khi đó, Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko hôm 6/10 nói rằng, nước này đang đối mặt với nguy cơ bị đe dọa hạt nhân từ Ba Lan.

Nhận định của nhà lãnh đạo Belarus đến trong bối cảnh Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda tiết lộ, Warsaw đang thảo luận với Mỹ về khả năng tham gia chương trình chia sẻ vũ khí hạt nhân của NATO.

Chia sẻ vũ khí hạt nhân là một khái niệm trong chính sách răn đe của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Chương trình này cho phép các nước thành viên không có vũ khí hạt nhân của liên minh quân sự tham gia vào kế hoạch sử dụng vũ khí hạt nhân của NATO.

Theo ông Duda, nỗ lực đàm phán hiện tại của Ba Lan nhằm đối phó với mối đe dọa đang gia tăng từ Nga.

"Tổng thống Duda nói rằng họ muốn Mỹ đặt kho vũ khí hạt nhân ở Ba Lan. Điều đó có nghĩa là gì? Đó là chúng ta thực sự phải đối mặt với nguy cơ hạt nhân", ông Lukashenko cho biết.

Ông Lukashenko nói rằng, ông sẽ thảo luận vấn đề này với Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ông cho hay, vì Belarus không sở hữu vũ khí hạt nhân nên họ sẽ cần các biện pháp đáp trả phù hợp.

Sau thông báo của ông Duda, Nhà Trắng cho hay, họ chưa nắm được vấn đề mà Ba Lan nêu ra.

"Mỹ hiện không có kế hoạch triển khai vũ khí hạt nhân trên lãnh thổ nước thành viên NATO gia nhập liên minh sau năm 1997", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Vedant Patel cho biết.

Ba Lan gia nhập NATO năm 1999. Theo RT, hiện Mỹ đang đặt vũ khí hạt nhân ở Bỉ, Đức, Italy, Hà Lan và Thổ Nhĩ Kỳ. Cuối năm ngoái, trong đề xuất về an ninh, Nga đã đề nghị Mỹ rút về nước số khí tài này. Tuy nhiên, cả NATO và Washington đều đã từ chối.

Theo Tass, RT