1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

"Bẫy tử thần" có thể giúp Ukraine ngăn đà tiến dồn dập của Nga

Đức Hoàng

(Dân trí) - Giới chuyên gia nhận xét, hàng nghìn quả mìn rải từ xa do phương Tây cấp cho Ukraine có thể tạo ra những cái bẫy chết người ngăn lực lượng Nga tiến lên phía trước.

Bẫy tử thần có thể giúp Ukraine ngăn đà tiến dồn dập của Nga - 1

Pháo thủ Ukraine khai hỏa (Ảnh: AFP).

Trong khi máy bay không người lái, tác chiến điện tử và pháo binh đóng những vai trò quan trọng trong suốt cuộc chiến Nga - Ukraine, có một loại vũ khí cũng quan trọng không kém trong việc hỗ trợ phòng thủ, ngăn đà tiến đối phương: Mìn.

Khi đạn dược do phương Tây cung cấp bắt đầu đến tiền tuyến Ukraine, 10.000 đạn pháo chứa mìn chống thiết giáp từ xa (RAAM) nằm trong gói viện trợ gần đây của Mỹ có thể giúp Kiev gia tăng năng lực tạo ra "bẫy tử thần" với xe tăng Nga, làm chậm đà tiến nhanh chóng của Moscow thời gian qua.

Hệ thống mìn chống giáp từ xa (RAAM) do Mỹ viện trợ bản chất là đạn pháo 155mm chứa 9 quả mìn chống tăng M718 hoặc M741. Khi quả đạn được bắn trên một khu vực trống, những quả mìn nhỏ sẽ bay ra nằm rải rác trên mặt đất. Điều này có nghĩa là các lực lượng Ukraine có thể đặt mìn từ xa thay vì bằng tay như các loại truyền thống.

Phạm vi rải mìn RAAM có thể kéo dài từ 4-17km, cho phép Ukraine nhanh chóng tạo trận địa mìn, ít gây rủi ro cho nhân lực.

Khi chạm đất, mìn sẽ kích hoạt nhằm vô hiệu hóa các phương tiện bọc thép bằng cách nhắm vào phần gầm dễ bị tổn thương của chúng. Mìn M718 và M741 được trang bị cảm biến từ tính, có thể phát nổ khi xe bọc thép tiến lại gần, mà không cần phải cán lên mìn.

Bẫy tử thần có thể giúp Ukraine ngăn đà tiến dồn dập của Nga - 2

Cấu tạo của mìn RAAM như một viên đạn lựu pháo lớn, có chứa 9 quả mìn nhỏ phía trong (Ảnh: Kyiv Post).

Loại mìn này có khả năng tự nổ. Mìn M718 tự phát nổ sau khoảng 4 giờ, trong khi mìn M741 có thể tự nổ sau 48 giờ. Cơ chế tự kích nổ này có một số mục đích. Đầu tiên, nó giảm thiểu rủi ro gây ra mối đe dọa kéo dài nếu mìn bị bắn vào sai khu vực. Mìn đặt từ xa thường kém chính xác hơn so với mìn đặt bằng tay.

Thứ hai, nó cho phép các đơn vị quân đội chuyển đổi nhanh chóng từ phòng thủ sang tấn công. Sau khi các quả mìn tự phát nổ, lực lượng phòng thủ có thể nhanh chóng tiến công mà không gặp phải nguy cơ bị cán vào mìn do quân mình đặt.

Lợi ích kép này giúp tăng cường cả sự an toàn và tính linh hoạt trong hoạt động tác chiến của lực lượng Ukraine, Forbes nhận định.

Mỗi quả mìn nhỏ có thể phát nổ trong phạm vi 200m2, nên một quả đạn RAAM có thể bao phủ diện tích 1.800m2. Nếu một bãi mìn sâu 100m, 55 quả đạn RAAM có thể tạo ra một bãi mìn dài 1km.

Theo Forbes, RAAM sẽ tạo ra tác động trực tiếp lên chiến trường khi Ukraine được bàn giao. Trước đó, Ukraine từng nhận 40.000 quả RAAM để sử dụng trong 2 năm chiến sự.

RAAM đặc biệt hữu ích cho các cuộc phản công, vì chúng cho phép quân đội Ukraine nhanh chóng thiết lập các vành đai chướng ngại vật tạm thời để bảo đảm các khu vực tái kiểm soát.

Ngoài ra, với việc Nga đang chuẩn bị cho một cuộc tấn công mới nhằm vào hệ thống phòng thủ của Ukraine, Kiev có thể nhanh chóng thiết lập các bãi mìn RAAM để làm gián đoạn kế hoạch của Nga. Bằng cách đó, họ có thể buộc các lực lượng Nga phải đi theo những tuyến đường khiến phía Moscow dễ bị pháo binh Ukraine tấn công hơn.

Theo Forbes
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine