1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Bầu cử Mỹ 2020: Nhân tố Trung Quốc trong cuộc đối đầu Trump - Biden

Thành Đạt

(Dân trí) - Tổng thống Donald Trump có thể khiến Trung Quốc thất vọng và giận dữ trong nhiệm kỳ đầu tiên, nhưng Bắc Kinh có thể vẫn muốn ông tái đắc cử trong cuộc đua vào Nhà Trắng năm nay.

Bầu cử Mỹ 2020: Nhân tố Trung Quốc trong cuộc đối đầu Trump - Biden - 1

Tổng thống Donald Trump (trái) và ứng viên đảng Dân chủ Joe Biden (Ảnh: AFP)

Quan hệ Mỹ - Trung được cho là đang ở mức thấp nhất kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức cách đây 4 thập niên. Bắc Kinh cảnh báo họ không muốn bị lôi kéo vào một cuộc “chiến tranh Lạnh mới” với Washington.

Với khẩu hiệu “Nước Mỹ là trên hết”, ông Trump mô tả Trung Quốc là mối đe dọa lớn nhất với Mỹ và nền dân chủ toàn cầu.

Tổng thống Trump đã phát động cuộc chiến thương mại quyết liệt khiến Trung Quốc tiêu tốn hàng tỷ USD, giáng đòn vào các công ty công nghệ Trung Quốc và đổ toàn bộ trách nhiệm cho Bắc Kinh vì sự bùng phát của dịch Covid-19.

Theo AFP, giới phân tích cho rằng chiến thắng vào tháng 11 tới của ông Trump có thể mang lại lợi thế cho Trung Quốc khi Chủ tịch Tập Cận Bình đang tìm cách củng cố sự trỗi dậy của Bắc Kinh như một siêu cường toàn cầu.

Theo Zhu Zhiqun, giáo sư về quan hệ quốc tế và chính trị tại Đại học Bucknell, Trung Quốc có thể được trao “cơ hội để nâng cao vị thế toàn cầu như một nước đi đầu về toàn cầu hóa, chủ nghĩa đa phương và hợp tác quốc tế".

Tổng thống Trump đã rút Mỹ khỏi một thỏa thuận thương mại châu Á - Thái Bình Dương, hiệp định về khí hậu và Tổ chức Y tế Thế giới khi đại dịch Covid-19 lên đến đỉnh điểm.

Khi Mỹ rút lui, Trung Quốc đã tìm cách thế chân. Ông Tập Cận Bình đã xây dựng hình ảnh Trung Quốc như một nước đi đầu về tự do thương mại, và là nhà lãnh đạo trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Ông Tập cũng cam kết chia sẻ bất kỳ loại vắc xin Covid-19 tiềm năng nào với những nước nghèo hơn.

"Nhiệm kỳ thứ hai của ông Trump có thể giúp Trung Quốc có thêm thời gian để trỗi dậy như một siêu cường trên thế giới", chuyên gia Zhu nhận định.

Philippe Le Corre, chuyên gia về Trung Quốc tại Trường Harvard Kennedy ở Mỹ, đồng tình rằng việc Tổng thống Trump tiếp tục mở rộng chính sách "Nước Mỹ là trên hết" sẽ mang lại lợi ích lâu dài cho Bắc Kinh. 

"Chính sách đó phần nào tách Washington khỏi các đồng minh truyền thống", ông Philippe nói, đồng thời cho rằng điều này khiến Mỹ “nhường sân” cho Trung Quốc. 

Những người theo chủ nghĩa dân tộc tại Trung Quốc công khai hoan nghênh Tổng thống Trump.

Hu Xijin, tổng biên tập Global Times - báo nhà nước Trung Quốc, cho rằng ông Trump đang biến nước Mỹ trở nên "lập dị" và "gây thù hận cho thế giới”, đồng thời thúc đẩy “sự đoàn kết” tại Trung Quốc.

Trong nhiệm kỳ đầu, Tổng thống Trump chắc chắn đã gây ra thiệt hại về kinh tế và chính trị cho Trung Quốc. Nhà phân tích chính trị Hua Po ở Bắc Kinh cho rằng Trung Quốc đã thiệt hại đáng kể về thương mại và công nghệ.

Theo SCMP, các chính sách của ông Trump khiến các sinh viên, nhà báo và doanh nhân Trung Quốc không còn cảm thấy được chào đón ở Mỹ. Thuế quan của Tổng thống Trump cũng giáng đòn nặng nề vào nền kinh tế vốn trông cậy vào xuất khẩu của Trung Quốc.

Hồi tháng 1, Mỹ và Trung Quốc đã ký thỏa thuận cho phép đình chiến một phần cuộc chiến thương mại, buộc Bắc Kinh phải nhập khẩu thêm 200 tỷ USD hàng hóa Mỹ trong 2 năm, từ ô tô cho tới máy móc và nông sản.

Mỹ cũng “tấn công” các công ty công nghệ của Trung Quốc mà Washington cho là gây ra mối đe dọa về an ninh. Chính quyền Tổng thống Donald Trump đã siết chặt hoạt động tại Mỹ của hàng loạt ứng dụng do các công ty Trung Quốc phát triển như TikTok, WeChat.

Các tập đoàn viễn thông lớn như Huawei cũng nằm trong tầm ngắm của Mỹ. Washington thậm chí kêu gọi các đồng minh “tẩy chay” các sản phẩm của Huawei và loại các thiết bị này khỏi hạ tầng 5G.

Ngoài ra, Mỹ cũng gây sức ép với Trung Quốc trong hàng loạt vấn đề như gián điệp thương mại, Biển Đông, Đài Loan. Hai nước “ăn miếng trả miếng” bằng các đòn trừng phạt và đáp trả lẫn nhau, trong đó có lệnh đóng cửa lãnh sự quán và trục xuất các nhà báo.

Tuy nhiên, Trung Quốc chưa chắc đã được “nhẹ tay” hơn nếu ông Trump thua trong cuộc đua vào Nhà Trắng năm nay và người thay thế ông là ứng viên đảng Dân chủ Joe Biden.

Bắc Kinh lo ngại ông Biden có khả năng sẽ gây sức ép mới với Trung Quốc về các vấn đề liên quan tới người Duy Ngô Nhĩ, Tây Tạng và tự do ở Hong Kong. 

"Biden có thể sẽ cứng rắn hơn Trump về các vấn đề ở Tân Cương và Tây Tạng", chuyên gia Zhu dự đoán.

Về công nghệ và thương mại, hai “điểm nóng” trong căng thẳng Mỹ - Trung, hiện chưa rõ ông Biden sẽ xử lý như thế nào nếu trở thành chủ nhân Nhà Trắng. 

"Biden sẽ "thừa hưởng" cuộc chiến thuế quan, và tôi nghi ngờ ông ấy sẽ đơn phương dỡ bỏ chúng. Bắc Kinh có thể sẽ phải nhượng bộ các yêu cầu khác của Mỹ nếu muốn thuế quan được dỡ bỏ", Bonnie S. Glaser, Giám đốc Dự án Sức mạnh Trung Quốc tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược quốc tế (CSIS), nhận định. 

Trung Quốc sẽ phải đưa ra những lập trường thuyết phục về an ninh dữ liệu nếu muốn tránh các lệnh cấm tiếp theo nhằm vào các công ty công nghệ của nước này. Mỹ cho đến nay vẫn coi Huawei, tập đoàn viễn thông lớn nhất của Trung Quốc, là mối đe dọa an ninh nghiêm trọng dù Huawei hiện dẫn đầu thế giới về hạ tầng 5G.

“Về mặt chính trị, Biden gần như không thể đảo ngược các chính sách này. Huawei vẫn nằm trong tầm ngắm của Mỹ như một mối đe dọa về an ninh từ trước khi ông Trump đắc cử tổng thống”, chuyên gia Fallon cho biết.

Theo cây bút Jiang Xueqin của CNN, chính quyền và người dân Trung Quốc phần lớn không quan tâm tới việc ai sẽ giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Mỹ năm nay.

Nhiều người Trung Quốc vẫn tin rằng, Mỹ và Trung Quốc đang bước vào cuộc cạnh tranh dài hạn để định hình trật tự quốc tế, trong đó Tổng thống Trump đã phát động cuộc chiến tranh Lạnh mới giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới và ông Biden có thể sẽ là người hiện thực hóa cuộc chiến đó nếu ông lên nắm quyền.'