1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Những yếu tố bất ngờ có thể giúp ông Trump tái đắc cử

Cuộc bầu cử năm 2020 được cho là tiềm ẩn nhiều bất ngờ và khó đoán hơn bao giờ hết. Hiện phe Dân chủ đang nỗ lực xem xét những ẩn số có thể khiến ứng cử viên của họ bị đánh bại.

Phe Dân chủ chưa lường hết được những yếu tố bất ngờ

Còn chưa đầy 2 tuần nữa, cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ sẽ chính thức diễn ra. Các cử tri sẽ là người quyết định liệu Tổng thống Trump sẽ có thêm một nhiệm kỳ thứ 2 hay không.

Những yếu tố bất ngờ có thể giúp ông Trump tái đắc cử - 1

Ông Trump trong một cuộc vận động tái tranh cử Tổng thống Mỹ tại Florida. Ảnh: AFP

Nhiều cuộc thăm dò cho thấy ứng cử viên Joe Biden đang dẫn trước ông Trump về tỷ lệ ủng hộ trên toàn quốc và tại các bang chiến địa. Với số tiền gây qũy gia tăng mức kỷ lục, cựu Phó Tổng thống Joe Biden đang có lợi thế lớn về mặt tài chính, giúp ông phủ sóng rộng rãi thông điệp tranh cử khi chặng đua gần đến hồi kết.

Một số nhà phân tích dự đoán, ông Trump có khả năng thua cuộc và Biden sẽ thắng cử. Trang blog Fivethirtyeight.com đánh giá ông Biden có 87% cơ hội chiến thắng, còn Decision Desk HQ dự đoán con số này là 83,5%.

Tuy nhiên, những số liệu này đã quá quen thuộc với phe Dân chủ. Còn nhớ cách đây 4 năm, ứng cử viên Hillary Clinton được dự đoán có khả năng giành chiến thắng vang dội, thế nhưng kết quả cuối cùng lại khiến phe Dân chủ thất vọng. Đảng Dân chủ có lẽ vẫn còn nhớ đến sự đảo chiều đầy đau đớn này.

Cuộc bầu cử năm 2020 được cho là tiềm ẩn nhiều bất ngờ và khó đoán hơn bao giờ hết. Hiện tại, phe Dân chủ đang nỗ lực xem xét những ẩn số có thể khiến ứng cử viên của họ bị đánh bại.

“Vẫn có nhiều yếu tố không chắc chắn ở thời điểm hiện tại”, Tom Bonier, giám đốc điều hành công ty dữ liệu thuộc đảng Dân chủ TargetSmart cho biết. “Công cụ mà chúng tôi sử dụng để đánh giá cuộc cạnh tranh, cuộc bỏ phiếu, các mô hình dự đoán … đều được xây dựng dựa trên các yếu tố thông thường của cuộc bầu cử. Và đánh giá này có thể không chính xác nếu xảy ra bất cứ điều gì nằm ngoài dự đoán” .

Tom Bonier đã xây dựng một bối cảnh bầu cử đầy lạc quan đối với Joe Biden, song ông cũng cảnh báo ngay cả những thay đổi nhỏ trong dự đoán số lượng cử tri đi bỏ phiếu cũng có thể ảnh hưởng đáng kể đến kết quả. Vì lý do đó, phe Dân chủ đang đẩy mạnh nghiên cứu nhiều thông số khác nhau.

Ông Matt Bennett, đồng sáng lập tổ chức tư vấn chính trị Third Way nói: “Chúng tôi không biết Tổng thống Trump sẽ mang đến điều bất ngờ gì giữa sự hỗn loạn này. Mỗi ngày dài như một tuần và mỗi tuần dài như một tháng. Cảm tưởng rằng quãng thời gian từ bây giờ đến ngày 3/11 sẽ rất xa”.

Sự không chắc chắn về cử tri

Một trong những yếu tố mà đảng Dân chủ không chắc chắn chính là cử tri. Theo số liệu do Dự án bầu cử Mỹ công bố, tính đến cuối tuần qua, đã có hơn 27 triệu cử tri Mỹ đi bỏ phiếu. Đảng Dân chủ đang dẫn trước đáng kể so với đảng Cộng hòa về số phiếu được trả lại cho đến nay.

Tuy nhiên các chuyên gia bầu cử vẫn chưa đánh giá được đảng Dân chủ có thể tạo ra lợi thế lớn như thế nào trong cuộc bầu cử sớm và liệu lợi thế này có đủ để vượt qua số lượng phiếu bầu mà đảng Cộng hòa dự kiến đạt được khi cử tri tiến hành bỏ phiếu trực tiếp hay không.

Hiện đang có những dấu hiệu cảnh báo rõ ràng đối với ông Biden, một chiến lược gia của đảng Dân chủ cho biết khi trích dẫn sự gia tăng số lượng cử tri gia trắng và những cử tri không có bằng đại học – vốn là những nhóm nhân khẩu học nghiêng về ủng hộ Tổng thống Trump tại các bang Pennsylvania, Wisconsin và Michigan.

Đối với phe Dân chủ, điều đáng lo ngại không chỉ nằm ở việc họ chưa biết rõ những cử tri nào sẽ đi bỏ phiếu mà còn ở việc không biết có bao nhiêu phiếu bầu gửi qua thư được cử tri trả lại.

Đây không phải là vấn đề nhỏ. Sau khi Tòa án Tối cao Pennsylvania ra phán quyết vào tháng 9 vừa qua về việc sẽ không kiểm những lá phiếu trần – tức là những lá phiếu được gửi đi mà không được gói trong phong bì thích hợp, các quan chức bầu cử cảnh báo hơn 100.000 lá phiếu có thể bị vô hiệu. Con số này có thể cao gấp đôi so với số lá phiếu bị vô hiệu hóa trong cuộc bầu cử năm 2016. Bên cạnh đó, những cử tri trẻ tuổi thường có xu hướng trả lại phiếu bầu chậm hơn những cử tri cao tuổi.

Michael McDonald, chuyên gia tại Đại học Florida, người điều hành Dự án Bầu cử Mỹ cho biết: “Tôi lo ngại trong những tuần tới, câu chuyện của đảng Dân chủ sẽ chuyển từ sự phấn khích vì đạt được lợi thế dẫn đầu trong cuộc bầu cử sớm, sang mối lo ngại rằng một số lượng lớn cử tri trẻ tuổi vẫn chưa trả lại lá phiếu của họ”.

Kết quả thăm dò dư luận có thể sai lệch

Kể từ khi ông Joe Biden nhận đề cử ứng viên Tổng thống chính thức của đảng Dân chủ, các cuộc thăm dò dư luận trên toàn quốc cho thấy ông luôn dẫn trước Tổng thống đương nhiệm với một khoảng cách ổn định. Ngay cả tại các bang chiến địa, nơi cuộc cạnh tranh diễn ra sít sao hơn cả, Biden vẫn duy trì lợi thế.

Tuy nhiên, như những gì mà cuộc bầu cử năm 2016 đã chứng minh, các cuộc thăm dò dư luận có thể không phản ánh đúng thực tế. Việc dự đoán những cử tri nào sẽ tham gia bỏ phiếu là một thách thức trong các cuộc bầu cử. Vào năm 2016, một số cơ quan thăm dò đã mắc sai lầm khi đánh giá thấp số lượng cử tri da trắng, không có trình độ đại học đi bầu cho Tổng thống Trump.

BBC cho rằng, khác với cuộc bầu cử năm 2016, các tổ chức thăm dò dư luận sẽ gặp phải một số thách thức mới trong năm 2020.

Chẳng hạn, nhiều người Mỹ đang có kế hoạch bỏ phiếu qua thư lần đầu tiên. Nếu cử tri điền vào các biểu mẫu không chính xác hoặc không tuân theo quy trình bỏ phiếu, hay có sự chậm trễ hoặc gián đoạn trong việc gửi thư thì điều này có thể khiến lá phiếu của họ trở nên không hợp lệ. Phe Cộng hòa từng tuyên bố sẽ thách thức quá trình bỏ phiếu qua thư để ngăn chặn nguy cơ gian lận.

Cuộc tranh luận Tổng thống có thể đảo ngược tình hình

Theo kế hoạch, cuộc tranh luận Tổng thống tiếp theo giữa ông Trump và ông Biden sẽ diễn ra vào ngày 22/10.

Sau cuộc tranh luận Tổng thống lần thứ nhất, cách đây hơn hai tuần, các cuộc thăm dò cho biết, phong thái quyết liệt và việc hay ngăt lời đối thủ của Tổng thống Trump đã khiến ông bị mất điểm trước những phụ nữ sống ở vùng ngoại ô – vốn là một trong những nhóm cử tri quan trọng trong cuộc bầu cử năm nay. Trái lại, Biden với phong thái ôn hòa đã giúp xoa dịu những lo ngại của cử tri về tuổi tác của ông.

Tổng thống Trump đã bỏ lỡ cơ hội thay đổi hình ảnh mà ông đã tạo ra trong cuộc tranh luận đầu tiên khi ông từ chối tham gia cuộc tranh luận thứ hai dự kiến diễn ra vào ngày 15/10 do bất đồng với ứng cử viên Biden về hình thức tranh luận. Do đó, các nhà phân tích cho rằng ông Trump nên nắm bắt cuộc tranh luận sắp tới này để tạo ấn tượng tốt với cử tri.

Nếu ông Trump có thái độ bình tĩnh hơn và thể hiện rõ phong thái của một nhà lãnh đạo, còn ông Biden thể hiện sự thiếu hứng thú hoặc có những phát ngôn, hành động gây nhầm lẫn, thì cán cân cuộc đua có thể nghiêng về phía Tổng thống Trump.

Joe Biden để lộ sơ hở

Ứng cử viên Joe Biden đã tiến hành một chiến dịch vận động tranh cử bài bản và giữ kỷ luật rất tốt. Thời gian qua, ông Biden được cho là đã thành công trong việc chuyển hướng cuộc bầu cử thành cuộc trưng cầu ý dân đối với Tổng thống Trump, tránh xa những tình huống “vạ miệng” khiến ông có thể gặp rắc rối.

Hiện giờ trong giai đoạn nước rút, ông Biden đang tích cực vận động trực tiếp các cử tri. Càng tiếp xúc nhiều với cử tri, ông càng dễ bộc lộ những sơ hở đáng tiếc.

Mạng lưới cử tri ủng hộ ông Biden bao gồm rất nhiều thành phần, từ những nhân vật ôn hòa sống ở vùng ngoại ô, những thành viên bất mãn của đảng Cộng hòa, những thành viên của đảng Dân chủ thuộc tầng lớp lao động, các cộng đồng thiểu số… Họ có rất nhiều mối quan tâm và lợi ích khác nhau. Nếu ông Biden không thể dung hòa được các yếu tố này, ông sẽ dễ làm mất lòng các cử tri đã ủng hộ ông.

Tiếp đến, việc vận động tranh cử vốn là một quá trình dài và phức tạp, tất nhiên, Biden sẽ khó tránh được những thời điểm để lộ sự mệt mỏi do tuổi tác của ông. Điều đó có thể làm dấy lên lo ngại về việc ông khó đảm đương vai trò lãnh đạo nước Mỹ. Trong tình huống này, đội ngũ tranh cử của ông Trump sẽ chớp lấy thời cơ để hạ bệ đối thủ.