1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Báo Nga: Sự hung hăng của Trung Quốc tại Biển Đông, đối đầu Mỹ-Trung và ứng phó của Moscow

Bài viết "Biển Đông dậy sóng vì Covid-19” trên trang mạng Infox.ru nhấn mạnh Bắc Kinh đã sử dụng cả hành động quân sự lẫn chính trị để tiếp tục gây sức ép lên các quốc gia láng giềng trong bối cảnh cả thế giới đang đối phó với đại dịch Covid-19.

Báo Nga: Sự hung hăng của Trung Quốc tại Biển Đông, đối đầu Mỹ-Trung và ứng phó của Moscow - 1

Các tàu bảo vệ bờ biển Trung Quốc "đi lạc" cách xa bờ biển Trung Quốc hàng ngàn km. (Nguồn: AP)

Trong khi cả thế giới đang chống chọi với đại dịch thì Trung Quốc lại gia tăng các hành động ở Biển Đông. Ở đây, Bắc Kinh đang kết hợp giữa hành động quân sự, chính trị và việc gây sức ép lên các nước láng giềng. Nếu đạt được mục đích thì trong tương lai không xa, Trung Quốc có thể làm thay đổi toàn bộ môi trường địa chính trị ở khu vực Đông Nam Á.

Sự ngang ngược phi lý của Trung Quốc

Bắc Kinh đòi hỏi chủ quyền đối với 80% diện tích Biển Đông, tương đương hơn 2,2 triệu km2, hoàn toàn phớt lờ lợi ích của các quốc gia láng giềng trong khu vực. Không chỉ giàu tài nguyên thiên nhiên, Biển Đông còn là một trong những tuyến hàng hải nhộn nhịp nhất thế giới; hàng năm, giá trị hàng hóa được vận chuyển qua vùng biển này lên tới 3.400 tỷ USD.

Ngoài việc nhắm tới các mục tiêu chiến lược quân sự thuần túy, Trung Quốc còn có tham vọng kiểm soát tuyến hàng hải với các dòng chảy thương mại phục vụ cho không chỉ chính Trung Quốc mà còn các quốc gia Đông Á khác như Nhật Bản và Hàn Quốc, cũng như khai thác các nguồn tài nguyên thiên nhiên.

Những yêu sách của Bắc Kinh đối với Biển Đông không phù hợp với các chuẩn mực của luật pháp quốc tế, trước hết là Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 được chính Trung Quốc phê chuẩn năm 1996, cũng như phán quyết của Tòa trọng tài khẳng định rằng Trung Quốc không có bất kỳ cơ sở pháp lý nào đối với những tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông. Tuy nhiên, trong mùa Xuân năm 2020, Bắc Kinh đã tiếp tục gây sức ép đối với các quốc gia láng giềng cũng có tuyên bố chủ quyền ở vùng biển này, trong đó có Việt Nam, Philippines, Malaysia và Indonesia.

Giữa tháng 4/2020, Trung Quốc đã tuyên bố thành lập hai đơn vị hành chính trên vùng biển Nam Trung Hoa, một trên quần đảo Trường Sa và một trên quần đảo Hoàng Sa. Trung Quốc cũng đặt tên cho 25 đảo, rạn san hô và đá ngầm, gồm cả đảo nhân tạo mà họ xây dựng, và 55 cấu trúc địa hình khác dưới mặt biển.

Những việc này liên tiếp diễn ra trong bối cảnh Mỹ - quốc gia ủng hộ các nước nhỏ ở Đông Nam Á có mâu thuẫn với Trung Quốc trong vấn đề tranh chấp ở Biển Đông – rút tàu sân bay Theodore Roosevelt lớn nhất của họ khỏi khu vực sau khi phát hiện có virus SARS-CoV-2 lây lan trên con tàu này.

Cũng trong thời gian này, Trung Quốc tiếp tục sử dụng các tàu chiến của Quân giải phóng nhân dân cũng như lực lượng Cảnh sát biển để gây sức ép đối với các quốc gia trong khu vực. Họ công khai treo cờ Trung Quốc ở các vùng biển mà Việt Nam, Philippines, Malaysia và Indonesia tuyên bố chủ quyền.

 

Chẳng hạn, đầu tháng 4/2020, một tàu cảnh sát biển Trung Quốc đã đâm chìm tàu cá Việt Nam và bắt giữ 8 người trên tàu. Tuy nhiên, Bắc Kinh không dừng lại ở việc sử dụng các biện pháp quân sự. Chẳng hạn, tàu cá Trung Quốc còn tiến hành đánh bắt cá trái phép gần quần đảo Natuna ở cực Nam Biển Đông, vốn thuộc về Indonesia và cách lãnh thổ Trung Quốc hàng nghìn kilomet.

Ngoài ra, Trung Quốc còn sử dụng mọi phương thức để ngăn chặn việc thăm dò và khai thác tài nguyên thiên nhiên ở vùng đặc quyền kinh tế của nước khác. Chẳng hạn, vào trung tuần tháng 5/2020, dưới sức ép của các tàu Trung Quốc, một tàu nghiên cứu hoạt động theo hợp đồng ký kết với tập đoàn dầu khí Petronas của Malaysia đã buộc phải rời khỏi khu vực thăm dò dầu khí ở Biển Đông.

Bằng những hành động của mình, Bắc Kinh đang thách thức Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) - tổ chức gồm 10 quốc gia Đông Nam Á, trong đó nhiều nước không hài lòng với cách hành xử của Trung Quốc ở Biển Đông. Tổ chức này có thể trở thành nền tảng để chống lại những đòi hỏi không phù hợp với luật pháp quốc tế của quốc gia láng giềng phía Bắc.

Trên cương vị Chủ tịch ASEAN năm 2020, Việt Nam đóng vai trò đặc biệt trong xu thế này. Việt Nam đã có phản ứng công khai đối với mỗi hành động đơn phương và hung hăng gần đây của Trung Quốc ở Biển Đông. Việt Nam cũng nhận được sự ủng hộ tích cực từ phía Philippines và Indonesia. Đầu tháng 4/2020, Manila bày tỏ sự đoàn kết với nước láng giềng của mình ở Biển Đông sau khi lực lượng Cảnh sát biển Trung Quốc đâm chìm tàu cá của Việt Nam.

Đầu tháng 5/2020, Indonesia bày tỏ quan ngại về những hành động gần đây ở Biển Đông. Bộ trưởng Ngoại giao Retno Marsudi tuyên bố: “Indonesia quan ngại trước những hành động ở Biển Đông mà có thể thúc đẩy thêm căng thẳng trong bối cảnh thế giới đang chống chọi với đại dịch Covid-19”.

Những kịch bản xấu và tiền đề cho sự leo thang của đối đầu Mỹ-Trung

Có thể nói cuộc khủng hoảng Covid-19 là phản ứng hỗn loạn của thế giới trước một đại dịch toàn cầu, và để thoát khỏi nó, thế giới còn phải vượt qua một chặng đường dài đầy khó khăn. Nhưng còn một thực tế khác đã và đang diễn ra, đó là một nửa dân số thế giới rơi vào tình trạng phong tỏa, trong khi các nền kinh tế hàng đầu thế giới bắt đầu suy sụp.

Không có đầu tàu dẫn dắt thế giới thoát khỏi cuộc khủng hoảng mới, mỗi quốc gia chọn cho mình cách hành động riêng để thoát khỏi tình cảnh này và trong tương lai, cách ứng xử của một số quốc gia có thể trở thành nỗi ám ảnh đối với tất cả các quốc gia khác.

Trung Quốc đang thoát khỏi khủng hoảng. Có thể cần thêm thời gian và tham số để chứng minh cho điều này, nhưng một trong những bằng chứng thuyết phục nhất là chỉ số hoạt động kinh doanh (PMI), vốn phản ánh toàn bộ đường hướng phát triển kinh tế nói chung. Nếu chỉ số này trên 50 điểm thì nền kinh tế đang đi lên, thấp hơn mức đó có nghĩa là kinh tế đang đi xuống.

Trong tháng 2 vừa qua, do ảnh hưởng của Covid-19, PMI của Trung Quốc đã giảm xuống mức 35,7 điểm (từ mốc 50 điểm vào tháng 1/2020), nhưng sang tháng 3, chỉ số này đã tăng lên 52 điểm, cho thấy sự khởi sắc trở lại của ngành sản xuất Trung Quốc.

Nhưng dư âm của chiến thắng này còn chưa dứt thì một lưu ý đáng báo động đã được đưa ra: Trong bối cảnh thị trường bán hàng đa quốc gia và mạng lưới logistics toàn cầu sụp đổ, tăng trưởng sản xuất có thể đồng nghĩa với sự phát triển quá nóng của nền kinh tế, dẫn tới một cuộc khủng hoảng dư thừa năng lực sản xuất.

Ngay cả sự phát triển mạnh mẽ của thị trường nội địa Trung Quốc cũng không thể bù đắp cho sự phát triển quá nóng này. Xét cho cùng, Trung Quốc vẫn là một quốc gia định hướng xuất khẩu.

Trái lại, Mỹ đang chuẩn bị cho kịch bản xấu hơn. Chỉ số PMI của Mỹ tụt giảm từ mốc 50,9 điểm vào tháng 1/2020 xuống mức 49,1 điểm vào tháng 3/2020 (nhưng vẫn cao hơn so với mốc dự báo là 45 điểm). Trong một cuộc phỏng vấn với kênh truyền hình CNN, nhà kinh tế học Kevin Hassett thừa nhận rằng GDP của Mỹ có thể sụt giảm chưa từng có trong quý II/2020 và tỷ lệ thất nghiệp có thể tăng lên đến mức 16%-20% trong tháng 6 tới.

Xu hướng của Trung Quốc và Mỹ dù đối lập nhau nhưng đều dẫn đến cùng một hệ quả trong nước, đó là làm nảy sinh một cuộc khủng hoảng xã hội. Cách đơn giản nhất để ngăn chặn cuộc khủng hoảng này là gây ra một cuộc xung đột quân sự ở bên ngoài - bài học mà bất kỳ nhà sử học nào cũng thuộc lòng. Tiền đề đã được đặt ra để cả hai quốc gia vận dụng sức mạnh vũ lực.

 

Trung Quốc là quốc gia của những ký ức lịch sử, mà trong số đó họ không bao giờ quên “mối nhục trăm năm” từ hai cuộc Chiến tranh Nha phiến hồi thế kỷ XIX. Khi đó, Trung Quốc bị tước đoạt hoàn toàn vùng ảnh hưởng địa chính trị ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Nhưng ngay từ đầu những năm 2000, truyền thông Trung Quốc đã dự báo về 6 cuộc chiến tranh phục hồi lãnh thổ (nội hàm của chủ nghĩa phục quốc lãnh thổ) nhằm lấy lại những gì mà người Trung Quốc gọi là vùng đất đã mất trong thế kỷ XIX. Đó là cuộc chiến giành lại Đài Loan, các đảo ở Biển Đông, Nam Tây Tạng, đảo Điếu Ngư, đòi lại vùng ngoại Mông và khu vực Amur ngày nay của Nga.

Về lâu dài, điều này đồng nghĩa với việc Trung Quốc chuẩn bị cho các cuộc chiến tranh với Việt Nam, Philippines, Ấn Độ, Nhật Bản, Mông Cổ và Nga.

Ngay từ năm 2010, Trung Quốc đã tuyên bố chuyển từ phòng thủ ven bờ sang phòng thủ trên vùng biển mở. Và 10 năm trở lại đây, bất chấp sự phản đối của Việt Nam, Philippines, Malaysia và Indonesia, Trung Quốc đã xây dựng căn cứ trên quần đảo Trường Sa, từng bước kiểm soát Biển Đông trên thực tế và tự tin tiến về phía Tây, hướng đến Singapore, biển Andaman và Ấn Độ Dương.

Trong tương lai sẽ xảy ra không chỉ một cuộc xung đột khu vực, mà còn nổ ra một cuộc chiến địa kinh tế giành quyền kiểm soát eo biển Malacca, nơi 1/4 lượng trao đổi hàng hóa toàn thế giới đi qua.

Báo Nga: Sự hung hăng của Trung Quốc tại Biển Đông, đối đầu Mỹ-Trung và ứng phó của Moscow - 2

Việc Mỹ cùng các đồng minh tiến hành các cuộc tập trận quân sự ở Biển Đông cho thấy khu vực này mặc nhiên được xác định là hướng hoạt động chính của các lực lượng vũ trang Mỹ.

 

Tiềm ẩn nguy cơ xung đột quân sự và lựa chọn của Nga

Khả năng xảy ra xung đột quân sự giữa hai cường quốc Mỹ-Trung sẽ gia tăng dựa trên giả định rằng quan hệ giữa hai nước xấu đi do xung đột thương mại đang diễn ra và các cáo buộc lẫn nhau liên quan đến đại dịch Covid-19.

Mỹ quan tâm sâu sắc tới việc ngăn chặn sự gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực. Việc đảm bảo quyền tự do đi lại trên các tuyến hàng hải ở Biển Đông không chỉ có ý nghĩa quan trọng về mặt kinh tế, mà còn cần thiết cho việc duy trì quy tắc tự do hàng hải toàn cầu.

Việc Trung Quốc kiểm soát tuyến đường biển này sẽ là bước đi quan trọng nhằm đẩy Mỹ ra khỏi khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, xây dựng ảnh hưởng kinh tế của Trung Quốc và tái cơ cấu toàn bộ khu vực theo hướng có lợi cho họ.

Trong khi đó, mục tiêu chính của chiến lược An ninh quốc gia Mỹ cũng như chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương là ngăn chặn sự phát triển của các sự kiện theo chiều hướng như vậy. Việc Mỹ cùng các đồng minh tiến hành các cuộc tập trận quân sự ở khu vực này cho thấy Biển Đông mặc nhiên được xác định là hướng hoạt động chính của các lực lượng vũ trang Mỹ.

Tuy nhiên, việc thảo luận về một cuộc chiến thực sự giữa Mỹ và Trung Quốc vẫn là quá sớm, bất luận giữa họ có xảy ra chiến tranh thương mại hay cuộc chiến thông tin hay không, khi Mỹ cáo buộc rằng Trung Quốc đã tạo ra một loại virus nhân tạo hay cung cấp thông tin sai lệch về diễn tiến của dịch bệnh ở nước này.

Dẫu sao cũng cần phải lưu ý rằng Mỹ và Trung Quốc đang sở hữu “bộ ba hạt nhân”. Và Mỹ hoàn toàn có đủ kinh nghiệm, khả năng ngoại giao và nguồn lực tài chính để biến Biển Đông thành một chiến trường thực sự giữa Bắc Kinh với Manila, Hà Nội, Kuala Lumpur hoặc Jakarta. Vì vậy, giới chuyên gia kiến nghị rằng các sự kiện ở Biển Đông cần được theo dõi sát sao.

 

Về phần Nga, mặc dù đứng cuối trong danh sách 6 cuộc chiến tranh phục hồi lãnh thổ của Trung Quốc như đã nói ở trên, nhưng trước mắt, Nga cần phải hiểu rằng trong cuộc đụng độ quân sự Mỹ-Trung, bất luận dưới hình thức nào, thì lựa chọn tốt nhất của Moscow là đóng vai trò chỗ dựa tài nguyên cho Bắc Kinh, đồng thời bình tĩnh theo dõi trận chiến của hai “con hổ” này.

Nga duy trì quan hệ hữu nghị với cả Trung Quốc lẫn các nước ASEAN, đặc biệt là với Việt Nam. Do đó, Moscow quan tâm đến việc giải quyết các tranh chấp ở khu vực Biển Đông trên cơ sở nguyên tắc không đe dọa hoặc sử dụng vũ lực, thỏa hiệp giữa Trung Quốc và các nước Đông Nam Á, và sự tôn trọng lẫn nhau của tất cả các bên liên quan đến tranh chấp ở Biển Đông.

Khác với quan điểm của Washington, Moscow không muốn căng thẳng leo thang giữa các đồng minh của họ ở khu vực. Do đó, Moscow có thể đóng vai trò trung gian nhằm tìm kiếm sự đồng thuận trong việc giải quyết xung đột.

Theo Hồng Phúc

Thế giới & Việt Nam