1. Dòng sự kiện:
  2. Xung đột leo thang tại Trung Đông
  3. Ukraine tấn công tỉnh Kursk
  4. Xung đột leo thang ở Trung Đông

Indonesia “tố” Trung Quốc đe dọa các lợi ích ở Biển Đông

(Dân trí) - Các lợi ích kinh tế của Indonesia bị đe dọa bởi đòi hỏi chủ quyền phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông, Ngoại trưởng Indonesia tuyên bố, giải thích công hàm mà Jakarta gửi lên Liên hợp quốc gần đây.

Indonesia “tố” Trung Quốc đe dọa các lợi ích ở Biển Đông - 1

Tổng thống Indonesia Joko Widodo thăm một tàu hải quân nước này (Ảnh: Reuters)

“Các đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc có thể ảnh hưởng tới vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia”, Ngoại trưởng Retno Marsudi nói trong một cuộc họp báo trực tuyến ngày 4/6. “Chính phủ Indonesia luôn nhất quán trong lập trường của mình”.

Trước đó, Indonesia đã chính thức gửi công hàm lên Liên hợp quốc bác bỏ yêu sách của Trung Quốc tại Biển Đông.

Công hàm đề ngày 26/5 nói rằng cái gọi là “đường chín đoạn” của Trung Quốc trên biển không có cơ sở pháp lý quốc tế, viện dẫn một phán quyết năm 2016 của tòa trọng quốc tế tại La Hay, Hà Lan. Công hàm cũng bác bỏ các yêu sách chủ quyền lịch sử của Trung Quốc đối với khu vực.

Các tuyên bố chủ quyền của Indonesia ở Biển Đông không mâu thuẫn trực tiếp với các yêu sách của Trung Quốc. Nhưng vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia quanh quần đảo Natuna ở phía nam Biển Đông chồng lấn với đường chín đoạn. Các tàu cá của Trung Quốc đã nhiều lần bị cáo buộc đánh bắt trong khu vực.

Các động thái cứng rắn của Indonesia diễn ra sau những bước đi gần đây của Trung Quốc nhằm lợi dụng thế giới bận rộn đối phó với đại dịch Covid-19 để tăng cường sự ảnh hưởng trong khu vực. Bắc Kinh đã ngang nhiên thiết lập cái gọi là các quận hành chính mới ở Biển Đông hồi tháng 4 và hải quân Trung Quốc đã triển khai tàu sân bay Liêu Ninh và các tàu khác trong khu vực để diễn tập quân sự.

Thiện cảm của dư luận Indonesia đối với Trung Quốc được cho là ngày càng giảm đi. Hồi tháng trước, công chúng Indonesia đã phẫn nộ về vụ việc các thuyền viên nước này bị ném xác xuống biển sau khi tử vong trên các tàu cá Trung Quốc. Các thuyền viên được cho là đã chết vì làm việc quá sức.

An Bình

Theo Nikkei

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm