1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Những điểm đáng lưu ý trong công thư về Biển Đông mà Mỹ gửi lên LHQ

PGS.TS Nguyễn Hồng Thao chỉ ra một số điểm đáng lưu ý trong công thư Mỹ gửi lên Liên Hợp Quốc phản đối yêu sách phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông.

Câu chuyện pháp lý lại Biển Đông có dấu hiệu "nóng" hơn bao giờ hết, sau khi Mỹ chính thức gửi công thư lên Liên Hợp Quốc, phản đối các yêu sách biển quá đáng, trái với luật biển quốc tế của Trung Quốc vào ngày 1/6.

Những điểm đáng lưu ý trong công thư về Biển Đông mà Mỹ gửi lên LHQ - 1

Dòng tweet của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo phản đối các yêu sách phi pháp và nguy hiểm của Trung Quốc ở Biển Đông. Ảnh chụp màn hình.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo ngày 2/6 trong một thông báo trên Twitter cho biết, Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Kelly Craft đã gửi Tổng thư ký Antonio Guterres một lá thư, nhằm phản đối các yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông.

“Hôm nay, Mỹ phản đối yêu sách hàng hải phi pháp của Cộng hòa nhân dân Trung Hoa ở Biển Đông tại Liên Hợp Quốc. Chúng tôi bác bỏ những yêu sách phi pháp và nguy hiểm này. Các nước thành viên phải đoàn kết tuân thủ luật pháp quốc tế và tự do trên biển”.

Đánh giá về Công thư ngày 1/6/2020 của Mỹ, Đại sứ - PGS.TS Nguyễn Hồng Thao - chuyên gia về công pháp quốc tế chỉ ra một số điểm đáng lưu ý trong công thư này.

Những điểm đáng lưu ý trong công thư về Biển Đông mà Mỹ gửi lên LHQ - 2

Đại sứ - PGS.TS Nguyễn Hồng Thao - chuyên gia về công pháp quốc tế. Ảnh: TTXVN.

7 điểm đáng lưu ý

Thứ nhất, Công thư thể hiện rõ sự ủng hộ và khẳng định tầm quan trọng của Phán quyết của Tòa trọng tài Quốc tế trong vụ kiện Biển Đông hồi năm 2016. Mỹ khẳng định các lập trường của mình hoàn toàn nhất quán với các quyết định của Tòa trọng tài và nhấn mạnh theo điều 296 của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982), phán quyết là chung thẩm và bắt buộc với cả Philippines và Trung Quốc. Yêu sách quyền lịch sử của Trung Quốc là không phù hợp với Công ước vì đã vượt quá ranh giới của các vùng biển Trung Quốc có thể có theo đúng quy định của Công ước. 

Thứ hai, Mỹ yêu cầu mạnh mẽ Trung Quốc đưa ra các yêu sách biển phải phù hợp với luật quốc tế như đã được quy định trong UNCLOS 1982, phải tuân thủ Phán quyết và chấm dứt các hành động khiêu khích ở Biển Đông.

Thứ ba, Mỹ nêu rõ các yêu sách của Trung Quốc can thiệp một cách bất hợp pháp các quyền tự do biển cả mà Mỹ và các nước khác được hưởng vì vậy Mỹ phải có trách nhiệm lên tiếng phản đối chính thức. 

Thứ tư, Công thư nhấn mạnh chỉ điều 5 của UNCLOS 1982 mới được áp dụng cho các thực thể nổi ở Trường Sa tức chỉ đường cơ sở thông thường mới được áp dụng. Điều này có được là do kết luận của Phán quyết: các thực thể tại Trường Sa chỉ là đá và không phải là đảo. Đường cơ sở thẳng chỉ được áp dụng khi bờ biển đất liền (đảo) quanh co và khúc khủyu, hoặc khi có một chuỗi đảo chạy qua không cách xa bờ biển, hoặc khi có một đồng bằng châu thổ cực kỳ không ổn định. Cả ba trường hợp này đều không hiện diện đối với các đá của Trường Sa.

Thứ năm, ngoài Macclefield (Trung Sa), Mỹ còn kể thêm bãi ngầm James Shoal, Đá Vành Khăn (Mischief Reef) và Bãi Cỏ Mây (Second Thomas Shoal) như các thực thể chìm không nổi, không phải là đối tượng yêu sách chủ quyền và không thể tạo ra bất kỳ một vùng biển yêu sách nào. Đây đều là các bãi ngầm mà Trung Quốc đã và đang định thực hiện việc cải tạo đất, xây dựng các công trình quân sự kiên cố.

Thứ sáu, Mỹ đồng thời nhắc lại các công hàm của Philippines, Việt Nam và Indonesia trước đó đều thể hiện cùng một quan điểm đối với các yêu sách không phù hợp luật quốc tế của Trung Quốc.

Cuối cùng, Mỹ đã sử dụng hình thức công thư chứ không phải công hàm (note verbale) để yêu cầu Tổng thư ký Liên Hợp Quốc lưu chuyển công thư này không chỉ tới các nước thành viên Đại Hội đồng mà cả tới Hội đồng Bảo an. Bước đi này cho thấy Mỹ bắt đầu coi các yêu sách quá đáng, không phù hợp luật quốc tế, bao gồm UNCLOS 1982 có thể tạo ra các tình thế đe dọa hòa bình và an ninh quốc tế và Mỹ với tư cách một thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an có trách nhiệm đưa vấn đề vào chương trình nghị sự của Hội đồng Bảo an khi cần thiết.

Thời điểm gửi công thư và thông điệp của Mỹ

Nhiều người có lẽ đã đặt câu hỏi tại sao Mỹ lại chọn thời điểm này để gửi công thư lên Liên Hợp Quốc để phản đối các yêu sách phi pháp của Trung Quốc. Trên thực tế, Công thư của Mỹ được đưa ra vào đúng thời điểm Trung Quốc có những bước đi quá khích làm nóng tình hình Biển Đông như ngang ngược thiết lập cái gọi là “khu Tây Sa và khu Nam Sa” để quản lý hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam; tự ý thông báo về cái gọi là “danh xưng tiêu chuẩn” và công bố kinh độ, vĩ độ của 25 đảo, đá và 55 thực thể ở Biển Đông; cho tàu công vụ đâm chìm tàu cá của nước khác; cản trở hoạt động tàu khảo sát địa chấn Malaysia…

Đặt trong bối cảnh sự cạnh tranh quyết liệt giữa Hoa Kỳ với Trung Quốc và quan hệ đôi bên ngày càng xấu đi cùng với việc Trung Quốc gia tăng các hành động hung hăng, ức hiếp các quốc gia như đã nêu ở trên, có thể hiểu thông điệp của Mỹ ở đây là nước này sẵn sàng đứng về phía các nước liên quan chống lại yêu sách phi lý cùng các hành động gây hấn từ Trung Quốc.

Theo PGS.TS Nguyễn Hồng Thao, công thư của Mỹ cũng có thể sẽ kéo theo phản ứng tương tự của các nước khác để bảo vệ quyền tự do biển cả của mình khi phán quyết cho thấy khả năng Biển Đông có biển cả và Vùng đáy biển di sản chung của loài người.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Hồng Thao lưu ý, căng thẳng sẽ ảnh hưởng đến tiến trình đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) và càng làm nổi bật nhu cầu cần có một COC thực chất và hiệu quả, có tính ràng buộc pháp lý. Đàm phán COC vì vậy khó có thể đúng hạn khi các yêu cầu cơ bản của các nước nhỏ không được bảo đảm. Tình hình Biển Đông chỉ có thể được kiểm soát khi các nước kiềm chế, hợp tác giải quyết các bất đồng trên cơ sở thiện chí, tuân thủ luật quốc tế, bao gồm UNCLOS 1982.

Theo Hùng Cường

VOV