1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Ba tàu sân bay Mỹ phô diễn sức mạnh ở Thái Bình Dương, “nắn gân” Trung Quốc

(Dân trí) - Lần đầu tiên trong gần 3 năm qua, 3 tàu sân bay Mỹ cùng hiện diện ở Ấn Độ-Thái Bình Dương, một sự phô diễn lực lượng quy mô lớn hiếm thấy của Hải quân Mỹ, giữa lúc căng thẳng Mỹ - Trung leo thang.

Ba tàu sân bay Mỹ phô diễn sức mạnh ở Thái Bình Dương, “nắn gân” Trung Quốc - 1

Nhóm tàu sân bay Mỹ USS Theodore Roosevelt ở Biển Đông (Ảnh: AFP)

Theo hãng tin AP, đây là một dấu hiệu cho thấy Hải quân Mỹ đang trở lại mạnh mẽ sau những ngày bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19.

Sự hiện diện đồng loạt, khác thường của 3 tàu sân bay, được hộ tống bởi các tàu khu trục, tàu viễn dương, máy bay chiến đấu và các máy bay khác, diễn ra trong bối cảnh Mỹ gia tăng chỉ trích Bắc Kinh về phản ứng với đại dịch Covid-19, kế hoạch áp dự luật an ninh với Hong Kong và chiến dịch quân sự hóa các đảo nhân tạo phi pháp ở Biển Đông.

“Có một số dấu hiệu trên báo chí Trung Quốc nói rằng Mỹ đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi Covid-19, và sự sẵn sàng của quân đội Mỹ ở mức thấp, vì vậy có thể Mỹ muốn nhắc nhở Trung Quốc rằng nước này nên cẩn thận”, bà Bonnie Glaser, giám đốc Dự án sức mạnh Trung Quốc tại Trung tâm nghiên cứu quốc tế và chiến lược (CSIS - Mỹ), nhận định.

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã lên án Trung Quốc về điều mà ông xem là sự thất bại của nước này nhằm cảnh báo thế giới một cách kịp thời về mối đe dọa Covid-19. Chính quyền Mỹ cũng đang tính “cấm cửa” các sinh viên sau đại học và các nhà nghiên cứu Trung Quốc có liên hệ tới quân đội nước này hoặc các dịch vụ an ninh khác.

Đối phó với một Trung Quốc ngày càng bành trướng

AP nhận định, sự hiện diện của 3 nhóm tàu sân bay trong khu vực là điều hiếm thấy, vì số lượng hạn chế các tàu sân bay và một thực tế là chúng thường được luân chuyển để bảo dưỡng, thực hiện các chuyến thăm cảng, huấn luyện hoặc triển khai tới các khu vực khác trên thế giới. Tuy nhiên, tuần này, các chỉ huy Hải quân Mỹ cho biết họ có thể tận dụng lợi thế của thời điểm, đặc biệt trong giai đoạn cạnh tranh quyền lực nước lớn với Trung Quốc.

Chiến lược phòng thủ quốc gia của Mỹ xem Trung Quốc là mối đe dọa hàng đầu và các quan chức quân đội đã và đang chuyển nhiều nguồn lực và thiết bị quân sự hơn tới Thái Bình Dương nhằm đối phó với điều mà họ xem là sức mạnh quân sự và ảnh hưởng kinh tế ngày càng gia tăng đáng lo ngại của Bắc Kinh trong khu vực.

“Khả năng hiện diện một cách cách mạnh mẽ là một phần của cuộc cạnh tranh. Và như tôi luôn nói với các đồng nghiệp ở đây, bạn phải có mặt để giành chiến thắng khi bạn đang cạnh tranh”, Chuẩn đô đốc Stephen Koehler, giám đốc các hoạt động tại Bộ chỉ huy Ấn Độ - Thái Bình Dương của Mỹ, cho biết. “Các tàu sân bay và nhóm tàu sân bay tấn công xuất hiện quy mô lớn là các biểu tượng của sức mạnh hải quân Mỹ. Tôi thực sự phấn khởi khi chúng tôi có 3 chiếc trong số đó cùng lúc”.

Trả lời phỏng vấn hãng tin AP từ văn phòng tại Hawaii, ông Koehler cho rằng Trung Quốc đang âm thầm xây dựng các căn cứ quân sự tại Biển Đông, đưa các hệ thống tác chiến điện tử và tên lửa tới đó. Mỹ và các đồng minh, đối tác trong khu vực đã gia tăng các hoạt động gần các đảo nhân tạo để cố gắng ngăn chặn các hành động của Trung Quốc, nhưng dường như vô ích.

Ông Koehler cho biết, gần đây nhất Trung Quốc đã điều máy bay chiến đấu tới bãi Chữ thập thuộc quần đảo Trường Sa và đang vận hành chúng từ đó.

Ngày 11/6, các nhóm tàu sân bay của Mỹ đã di chuyển trên khắp Ấn Độ-Thái Bình Dương. USS Theodore Roosevelt và nhóm tàu tấn công của nó hoạt động trên biển Philippines gần đảo Guam, trong khi nhóm tác chiến USS Nimitz ở Thái Bình Dương ngoài khơi Bờ Tây nước Mỹ. Còn USS Ronald Reagan đã rời cảng tại Nhật Bản và đang hoạt động ở biển Philippines. Các chỉ huy Hải quân cho biết, hàng chục tàu hải quân khác đang hoạt động quanh Thái Bình Dương, nhưng việc đưa 3 nhóm tàu sân bay tới cùng một địa điểm đã chứng tỏ cam kết của Mỹ đối với khu vực và các đồng minh.

Trở lại mạnh mẽ sau Covid-19

Tàu sân bay Roosevelt vừa mới trở lại hoạt động sau 2 tháng tạm nghỉ tại Guam vì dịch Covid-19 bùng phát trong số các thủy thủ trên tàu. Và một số các thủy thủ trên các tàu Nimitz và Reagan đã dương tính với virus, dẫn tới các biện pháp cách ly và kiểm soát an toàn mới trước khi tàu được tái triển khai.

Ba tàu sân bay Mỹ phô diễn sức mạnh ở Thái Bình Dương, “nắn gân” Trung Quốc - 2

Máy bay chiến đấu cất cánh trên một tàu sân bay Mỹ (Ảnh: AP)

Trong khi được triển khai, cuộc sống hàng ngày của các thủy thủ trên các tàu và ở một mức độ nào đó hoạt động của họ trên biển đã được điều chỉnh do đại dịch, và các biện pháp đề phòng mới được thực hiện nhằm đảm bảo các thủy thủ không bị nhiễm virus và có thể tiếp tục hoạt động.

Trên tàu sân bay Nimitz, Chuẩn đô đốc Jim Kirk cho biết không có ca Covid-19 nào trên tàu kể từ khi nó khởi hành, và ông tin rằng tất cả các thay đổi đang được thực hiện sẽ giúp đảm bảo điều đó.

Trên Nimitz và các tàu khác ở Thái Bình Dương, các thủy thủ được kiểm tra hàng ngày, đeo khẩu trang khi cần, thời gian bữa ăn được kéo dài hơn để đảm bảo giãn cách xã hội và các lối đi cụ thể được thiết kế trên tàu để đề phòng các thủy thủ va phải nhau trong các lối đi và cầu thang hẹp.

“Khi chúng ta ra khơi để đề phòng, thông điệp mà tôi có là: Giờ là lúc lên đường để làm nhiệm vụ với các khả năng tốt nhất”, ông Kirk, chỉ huy nhóm tàu sân bay tấn công 11, nói.

Ông Koehler cho hay, các tàu sẽ tiếp tục hoạt động cùng các đối tác và đồng minh trong khu vực, tiến hành các cuộc diễn tập trên biển và tuần tra các khu vực tranh chấp. Tuy nhiên, một sự thay đổi đáng chú ý là khả năng ghé thăm các cảng ở nước ngoài.

Các chuyến thăm cảng phần lớn được cắt bớt, ngoại trừ việc cẩn thận nhận hàng tiếp tế khi cần thiết.

Guam được xem là cảng an toàn duy nhất cho các chuyến dừng cảng tại Thái Bình Dương cho tới nay và các thủy thủ chỉ được tự do đi lại ở bến tàu và không được phép di chuyển tự do vào thành phố. Các quan chức hải quân đang xem xét thiết lập các địa điểm an toàn khác cho các thủy thủ nhưng hiện chưa phê chuẩn chúng.

“Đây là điều bình thường mới”, ông Koehler nói. Và ông cho biết, mặc dù ít có khả năng 3 nhóm tàu sân bay hiện diện liên tục ở Thái Bình Dương trong thời gian dài nhưng “đây sẽ là điều chúng ta có thể làm khi cần thiết”.

An Bình

Theo AP