1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Báo Mỹ: Ukraine muốn đàm phán chấm dứt xung đột với Nga

An Hoàng

(Dân trí) - Ukraine được cho là đang theo đuổi kế hoạch chấm dứt xung đột với Nga trên bàn đàm phán, thông qua hội nghị hòa bình quốc tế, New York Times đưa tin.

Báo Mỹ: Ukraine muốn đàm phán chấm dứt xung đột với Nga - 1

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky (Ảnh: Reuters).

Theo New York Times, chính quyền của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đang theo đuổi kế hoạch chấm dứt cuộc xung đột kéo dài hơn 2 năm qua với Nga thông qua đàm phán.

Hôm 15/7, Tổng thống Zelensky cho biết ông kỳ vọng Nga sẽ tham dự hội nghị thượng đỉnh hòa bình Ukraine lần thứ hai, dự kiến được tổ chức vào tháng 11.

"Tôi đặt ra nhiệm vụ là vào tháng 11, sẽ có một kế hoạch được vạch ra. Mọi thứ sẽ sẵn sàng cho hội nghị thượng đỉnh mới. Chúng tôi sẽ sẵn sàng tổ chức hội nghị thượng đỉnh thứ hai sớm nhất có thể và tôi tin rằng các đại diện của Nga nên có mặt tại hội nghị thượng đỉnh này", ông Zelensky nói.

Ông lưu ý rằng sẽ có 3 cuộc họp riêng biệt, tập trung vào an ninh năng lượng, tự do hàng hải và trao đổi tù nhân, để mở đường cho một hội nghị cấp cao khác.

Đầu tháng này, Bloomberg cho rằng kế hoạch của Ukraine tổ chức một hội nghị hòa bình mới ngay trước thềm cuộc bầu cử tổng thống Mỹ báo hiệu "cảm giác cấp bách từ phía Kiev".

Ukraine đang phải đối mặt với viễn cảnh ứng cử viên đảng Cộng hòa Donald Trump tái đắc cử. Ông Trump nhiều lần tuyên bố sẽ giải quyết xung đột Ukraine chỉ trong vòng 24 giờ, đồng thời chỉ trích việc Washington viện trợ quân sự cho Kiev.

Phản hồi về đề nghị mới của nhà lãnh đạo Ukraine, phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết Moscow cần phải hiểu rõ ý tưởng của nhà lãnh đạo Ukraine. Ông Peskov nhấn mạnh, Moscow cần phải hiểu rõ ý tưởng của nhà lãnh đạo Ukraine khi gửi đi lời mời này.

Ông cho biết, Moscow hiện chưa nắm được mục tiêu và chương trình nghị sự của hội nghị, đồng thời lưu ý rằng sự kiện tương tự do phương Tây hậu thuẫn diễn ra ở Thụy Sĩ trước đó không đạt được tiến triển nào trong việc giải quyết xung đột Ukraine.

Tuần trước, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Mikhail Galuzin cho biết Moscow không có kế hoạch tham dự bất kỳ hội nghị thượng đỉnh mới nào khi Ukraine vẫn còn hướng đến "công thức hòa bình bế tắc, giống tối hậu thư".

Hội nghị tổ chức ở Thụy Sĩ diễn ra hồi tháng 6 tập trung vào 3 điểm trong "công thức hòa bình" mà ông Zelensky đưa ra, bao gồm trao đổi tù nhân, an ninh hạt nhân và nguồn cung lương thực. Kế hoạch này lần đầu tiên được Kiev đưa ra vào cuối năm 2022, kêu gọi Moscow rút quân khỏi các vùng lãnh thổ mà Ukraine tuyên bố chủ quyền. Ý tưởng này sau đó đã bị Nga bác bỏ vì "phi thực tế".

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova gọi hội nghị hòa bình Ukraine do Thụy Sĩ tổ chức là một "thất bại". Bà Zakharova chỉ ra gần một nửa các phái đoàn được mời, bao gồm cả Trung Quốc, đã không xuất hiện tại hội nghị, đồng thời hội nghị không thiết lập được bối cảnh cho các cuộc đàm phán về một nền hòa bình bền vững.

Xung đột Nga - Ukraine đã bước sang năm thứ ba, nhưng chưa có dấu hiệu hạ nhiệt trong khi các cuộc đàm phán đình trệ.

Một cuộc thăm dò do Trung tâm nghiên cứu chính trị và kinh tế Razumkov thực hiện từ ngày 20/6 đến 28/6 cho thấy, gần 44% số người Ukraine trả lời khảo sát tin rằng thời điểm đàm phán với Nga đã đến. Tuy nhiên, phần lớn vẫn chưa sẵn sàng nhượng bộ Moscow và tin rằng Kiev có thể thắng thế trong cuộc xung đột. Ý tưởng này bị 35% người trả lời phản đối, trong khi 21% vẫn chưa đưa ra quyết định.

Khi được hỏi về khả năng nhượng bộ mà Kiev có thể đáp ứng trong các cuộc đàm phán, đặc biệt là những nhượng bộ do Nga đề xuất, những người tham gia khảo sát có vẻ không muốn cân nhắc bất kỳ sự thỏa hiệp nào.

Moscow nhiều lần tuyên bố rằng sẵn sàng đàm phán nếu điều này giúp giải quyết một số vấn đề nhất định. Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nêu ra các điều kiện ngừng bắn, trong đó có việc quân đội Ukraine rút hết lực lượng khỏi tất cả các vùng lãnh thổ do Nga kiểm soát, bao gồm Donetsk, Lugansk, Kherson và Zaporizhia, và Kiev phải cam kết không bao giờ gia nhập NATO.

Hơn 80% số người được hỏi không đồng ý rút quân khỏi các vùng lãnh thổ cũ của Ukraine, 84% phản đối việc công nhận các vùng đất này là một phần của Nga, 77% cũng phản đối việc dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt áp đặt đối với Nga.

Hầu hết người tham gia khảo sát tin rằng Kiev sẽ giành được ưu thế trong cuộc xung đột nếu những người ủng hộ phương Tây cung cấp đủ khí tài (82%) hoặc cử lực lượng của họ đến chiến đấu với Nga (69,1%).

Trong khi đó, Moscow cảnh báo các lô vũ khí của phương Tây sẽ chỉ kéo dài cuộc xung đột và có thể kéo theo cuộc đối đầu trực tiếp giữa Nga và NATO.

Theo RT, TASS
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine