1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Báo Australia: Việt Nam khống chế Covid-19 hiệu quả, ít tốn kém

Đức Hoàng

(Dân trí) - Hãng tin ABC của Australia đã đăng tải bài viết phân tích nguyên nhân Việt Nam kiểm soát thành công làn sóng lây nhiễm thứ 2 của dịch Covid-19 một cách nhanh chóng, hiệu quả, ít tốn kém.

Báo Australia: Việt Nam khống chế Covid-19 hiệu quả, ít tốn kém - 1

Bài viết về chiến dịch chống Covid-19 của Việt Nam đăng tải trên báo Australia (Ảnh chụp màn hình)

Việt Nam đã trải qua hơn 2 tuần không có ca Covid-19 lây nhiễm cộng đồng, dấu hiệu cho thấy quốc gia Đông Nam Á đã kiểm soát dịch Covid-19 hiệu quả lần thứ 2, hãng tin ABC nhận định.

Cho tới nay Việt Nam, với dân số 95 triệu người, mới ghi nhận 1.068 ca bệnh và 35 người thiệt mạng vì Covid-19. Hầu hết các lệnh giãn cách xã hội ở Đà Nẵng, nơi ghi nhận trên 550 ca bệnh từ cuối tháng 7, tới nay đã được nới lỏng.

6 tháng không có ca tử vong

ABC cho rằng ngay từ khi dịch Covid-19 xuất hiện, chính phủ Việt Nam đã có chiến lược chống dịch nhanh chóng và quyết liệt. Từ cuối tháng 3, Việt Nam đã đóng cửa hầu hết biên giới. Các biện pháp xét nghiệm, truy vết mầm bệnh, cách ly, giãn cách xã hội được triển khai chặt chẽ.  

Hồi tháng 6, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) nhận định rằng sự tin tưởng của công chúng là yếu tố then chốt cho sự thành công khi chống dịch. “Từ giai đoạn đầu, thông tin về vi rút và chiến lược chống dịch (ở Việt Nam) đều minh bạch”, IMF đánh giá.  

Việt Nam đã sử dụng hàng loạt các biện pháp truyền thông sáng tạo để cung cấp thông tin cho người dân về dịch bệnh thông qua báo chí chính thống, mạng xã hội, tin nhắn...

Báo Australia: Việt Nam khống chế Covid-19 hiệu quả, ít tốn kém - 2

Người Việt duy trì thói quen đeo khẩu trang để chống dịch (Ảnh: Reuters)

Từ giữa tháng 3, việc đeo khẩu trang đã trở thành quy định bắt buộc với mọi người khi ra đường. Khác với nhiều nơi trên thế giới, người Việt không phản đối việc đeo khẩu trang để bảo vệ bản thân và người khác.

Chuyên gia Guy Thwaites, Giám đốc Đơn vị Nghiên cứu Lâm sàng Đại học Oxford (Anh) trụ sở tại Thành phố Hồ Chí Minh, nói với ABC rằng Việt Nam đã trải qua nhiều đợt bùng phát bệnh truyền nhiễm trong 20 năm qua.

“Đó không phải là phương pháp chống dịch công nghệ cao, đó là phương pháp rất nhanh chóng và rất có tổ chức”, ông Thwaites nhận định.

Trước đó, theo hãng tin Bloomberg, Việt Nam đã “đánh bại làn sóng lây nhiễm Covid-19 đầu tiên” bằng cách thực hiện các chiến lược chống dịch mà một số nước đã coi nhẹ.

Độ tuổi trung bình của các bệnh nhân Covid-19 ở Việt Nam là 30 tuổi, cộng với số ca tương đối thấp, nên trong 6 tháng dịch bệnh bùng phát, Việt Nam không ghi nhận bất cứ ca tử vong nào.

Một khảo sát của công ty YouGov (Anh) cho thấy 97% người Việt Nam được hỏi đồng tình với phản ứng chống dịch của chính phủ. Tuy nhiên, dịch Covid-19 vào tháng 7 đã bùng phát trở lại tại Đà Nẵng.

Khống chế làn sóng lây nhiễm thứ 2

Báo Australia: Việt Nam khống chế Covid-19 hiệu quả, ít tốn kém - 3

Xét nghiệm Covid-19 ở Đà Nẵng (Ảnh: ABC News)

Bệnh nhân Covid-19 đầu tiên tử vong ở Việt Nam được ghi nhận vào ngày 31/7 - là một cụ ông 70 tuổi ở Đà Nẵng. Số ca Covid-19 ghi nhận ở Đà Nẵng tăng lên 550, bằng một nửa tổng số người mắc trên toàn quốc kể từ đầu dịch. Đà Nẵng sau đó kịp thời tiến hành giãn cách xã hội quyết liệt để khống chế dịch bệnh.

“Chính quyền thực hiện toàn bộ các biện pháp đơn giản như họ đã làm trước đó, nhưng họ làm với quy mô lớn và nhanh chóng”, chuyên gia Thwaites nhận xét.

Ông Thwaites cho biết Việt Nam đã tiến hành xét nghiệm gộp mẫu khi thu mẫu của 5-6 người hoặc toàn bộ các thành viên trong gia đình để xét nghiệm chung. Nếu có kết quả dương tính, chính quyền sẽ xét nghiệm riêng từng mẫu.

“Bằng cách đó, họ có thể xét nghiệm 100.000 người bằng 20.000 xét nghiệm. Điều này giúp Việt Nam tiết kiệm rất nhiều thời gian và tiền bạc”, ông Thwaites nói.

Jos Aguiar, một công dân Australia làm việc ở Việt Nam nói với ABC rằng việc giãn cách xã hội lần 2 ở Đà Nẵng chặt chẽ hơn rất nhiều so với lần 1.

“Tại khu mà tôi sống, họ rào cả 2 phía của con phố. Điều đó khá bất tiện, nhưng tôi hài lòng với cách mà Việt Nam xử lý dịch bệnh”, Aguiar cho biết.

Một nghiên cứu do hai học giả Ba-Linh Tran từ Đại học Bath (Anh) và Robyn Klingler-Vidra từ Đại học King's College London (Anh) đã thu thập các thông tin về cách người dân Việt Nam phản ứng với dịch bệnh.

Hai nhà nghiên cứu nói với ABC rằng người dân Đà Nẵng đã “quyên góp tiền, đồ ăn, và nhu yếu phẩm cho bệnh viện lớn nhất thành phố, nơi bùng phát làn sóng lây nhiễm thứ 2”.

Ngoài ra, ông Tran và ông Klingler-Vidra nói rằng “hầu hết người dân đều tự chăm sóc bản thân mình, vì vậy hầu như không có sự ép buộc nào (về việc người dân tuân thủ các quy tắc phòng dịch). Khẩu trang, giãn cách xã hội, cách ly, phong tỏa không bị chính trị hóa vì người dân coi chúng là những công cụ và biện pháp để giữ an toàn cho mình và những người thân”.

Báo Australia: Việt Nam khống chế Covid-19 hiệu quả, ít tốn kém - 4

Nhịp sống sôi động đã trở lại trên bãi biển Đà Nẵng sau khi lệnh giãn cách xã hội được nới lỏng (Ảnh: Khánh Hồng)

Sau nhiều ngày chống dịch căng thẳng, người dân Đà Nẵng đã được ra biển bơi lội sau khi lệnh hạn chế được nới lỏng.

Chống dịch thành công giúp cuộc sống của người dân và nền kinh tế Việt Nam hồi phục nhanh hơn các quốc gia khác trong khu vực.

“Việt Nam được kỳ vọng là một trong số ít các quốc gia tiếp tục tăng trưởng trong năm 2020, trong khi phần còn lại của thế giới có thể sẽ đối diện với nền kinh tế sụt giảm”, công ty tư vấn toàn cầu PricewaterhouseCoopers (Anh) nhận định.

Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự đoán nền kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng 1,8% trong năm nay, là quốc gia Đông Nam Á duy nhất không đối mặt với suy thoái.