1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Phi công Anh kể hành trình ngoạn mục vượt qua cửa tử tại Việt Nam

Đức Hoàng

(Dân trí) - Phi công Anh Stephen Cameron đã kể lại những câu chuyện khi ông được chữa trị Covid-19 ở Việt Nam, đồng thời kêu gọi mọi người không mất cảnh giác trước mầm bệnh nguy hiểm.

Phi công Anh kể hành trình ngoạn mục vượt qua cửa tử tại Việt Nam - 1

Phi công Anh nằm trên giường bệnh bệnh viện Wishaw, Scotland. (Ảnh: BBC)

Theo BBC, ông Cameron, người đã dành hơn 2 tháng thở máy khi được điều trị Covid-19 ở Việt Nam, đã cảnh báo người dân Anh “không lơ là” trước mối đe dọa của virus SARS-CoV-2 trong bối cảnh các lệnh hạn chế đang được nới lỏng.

“Tôi là một ví dụ sống cho thấy virus trên có thể tác động thế nào và nó nghiêm trọng ra sao”, Cameron, 42 tuổi, trả lời BBC khi đang nằm trên giường bệnh viện Wishaw, Scotland.

Bác sĩ của Cameron cho biết viên phi công Anh đang đối mặt với “một chặng đường dài” để hồi phục hoàn toàn.

Bác sĩ Manish Patel - người chăm sóc cho Cameron từ ngày 12/7 khi ông trở lại Scotland, cho biết: “Mọi người nói rằng vào phòng chăm sóc đặc biệt giống như chạy marathon. Trong trường hợp của Stephen, tôi nghĩ ông ấy đã chạy siêu marathon nhiều lần”.

Cameron nói rằng: “Tôi không nghĩ Dịch vụ y tế quốc gia Anh (NHS) có thể đối phó với làn sóng bệnh nhân cần sự chăm sóc như tôi đã cần”.

Trong quá trình được chữa trị ở Việt Nam, Cameron đã thở máy 68 ngày, và đồng thời ông cũng phải sử dụng máy tim phổi nhân tạo - thiết bị chỉ được dùng khi tình trạng sức khỏe trở nên nghiêm trọng.

“Tôi nghe nói rằng tôi là bệnh nhân ốm yếu nhất châu Á trong một khoảng thời gian. Các bác sĩ Việt Nam có thể sử dụng những kiến thức họ thu thập được từ việc điều trị cho tôi để áp dụng cho những ca khác”, Cameron nói.

Phi công Anh kể hành trình ngoạn mục vượt qua cửa tử tại Việt Nam - 2

Phi công Cameron được điều trị Covid-19 ở Việt Nam (Ảnh: Bệnh viện Chợ Rẫy)

Có những giai đoạn chức năng phổi của Cameron giảm xuống còn 10% và ông phải đối mặt với phương án được ghép phổi mới. Bác sĩ Patel nói với BBC rằng việc Cameron sống sót sau một thời gian dài trong tình trạng hôn mê y tế là điều rất “đặc biệt”.

“Chúng tôi không có nhiều kinh nghiệm với bệnh nhân dùng máy thở hơn 1 tháng rưỡi như vậy”, ông Patel nói.

Hiện ông Cameron vẫn đang gặp khó khăn trong việc đi lại dù đang được phục hồi chức năng nâng cao.

“Lần đầu tiên tôi tỉnh dậy, tôi nghĩ là liệu mình có thể đi lại được nữa không? Tôi không biết liệu mình có bị liệt cả đời không vì tôi không cảm nhận thấy chân mình và tôi không biết chắc liệu đó có phải là dấu chấm hết cho sự nghiệp phi công của mình hay không”, Cameron nói.

Theo BBC, Cameron là bệnh nhân Covid-19 cận kề với nguy hiểm nhất ở Việt Nam trong một khoảng thời gian, trong bối cảnh nước này chỉ có dưới 10 ca cần vào phòng chăm sóc tích cực và vài trăm ca bệnh.

Việt Nam đã huy động những nguồn lực tốt nhất để cứu chữa cho Cameron và tình hình sức khỏe của viên phi công được truyền thông gọi là “bệnh nhân 91” rất thu hút sự chú ý của dư luận Việt Nam trong một khoảng thời gian, theo BBC.

“Thật sự khá choáng ngợp khi nghĩ về khoảng thời gian đó”, viên phi công Anh nói.

Theo BBC, sau khi Cameron hồi hương, Ngoại trưởng Anh Dominic Raab đã gửi lời cảm ơn Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh vì quốc gia Đông Nam Á đã chữa trị cho 20 bệnh nhân Covid-19 người Anh, bao gồm cả phi công Cameron.