“Việt Nam dự kiến là nước Đông Nam Á duy nhất tăng trưởng trong năm 2020”
(Dân trí) - Một báo cáo do công ty Oxford Economics (Anh) thực hiện cho biết Việt Nam được dự đoán sẽ là nền kinh tế duy nhất ở Đông Nam Á tăng trưởng trong năm nay.
Bản báo cáo “Triển vọng kinh tế toàn cầu” do Oxford Economics thực hiện đã dự đoán tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Việt Nam sẽ tăng khoảng 2,3% trong năm 2020 và Việt Nam sẽ là nền kinh tế duy nhất tại Đông Nam Á tăng trưởng trong năm nay.
Báo cáo nói rằng Việt Nam đang sở hữu triển vọng phục hồi sáng nhất so với các nước trong khu vực nhờ việc kiểm soát dịch Covid-19 rất hiệu quả cho tới lúc này. Theo báo Nation (Thái Lan), đại dịch đã đã gây ra cú sốc tăng trưởng lớn nhất cho Đông Nam Á kể từ cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997 và tăng trưởng khu vực được dự báo sẽ giảm 4,2% vào năm 2020.
Bản báo cáo cũng cho biết các hoạt động kinh tế tại khu vực đang có dấu hiệu khởi sắc trở lại và có thể sẽ tăng trưởng vào năm 2021. Tuy nhiên, tốc độ phục hồi trong nửa cuối năm 2020 sẽ khác biệt giữa các nước trong khu vực tùy vào việc nới lỏng các hạn chế cấm vận và cải thiện nhu cầu xuất khẩu.
Bất chấp sự phục hồi trong quý thứ ba với mức tăng 6,4%, GDP toàn cầu được dự đoán sẽ giảm 4,4% trong năm nay. Nhưng các động lực đã được xây dựng trong nửa cuối năm 2020 sẽ thúc đẩy tăng trưởng lên 5,8% vào năm 2021. Covid-19 đã làm GDP toàn cầu giảm khoảng 9% trong nửa đầu năm 2020, gấp ít nhất 3 lần mức giảm trong cuộc khủng hoảng tài chính 2007-2009. Báo cáo dự đoán kinh tế toàn cầu phục hồi trở lại mức đỉnh trước khủng hoảng vào giữa năm sau.
Các nước Đông Nam Á sẽ có tốc độ phục hồi kinh tế khác nhau trong nửa cuối năm 2020. Mark Billington, giám đốc phụ trách khu vực Trung Quốc và Đông Nam Á tại Viện Kế toán Công chứng Anh và xứ Wales, nhận định rằng: “Con đường phục hồi cho các nền kinh tế Đông Nam Á sẽ rất dài, trong bối cảnh căng thẳng Mỹ - Trung leo thang, hoạt động thương mại toàn cầu chậm lại trong thời gian dài và đại dịch Covid-19”.
Ông Billington cho rằng các quốc gia biết cách cân bằng giữa việc nối lại hoạt động kinh tế và kiểm soát dịch bệnh sẽ chứng kiến nền kinh tế tăng trưởng trở lại nhanh hơn các nước còn lại.