1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

"Bắn và chạy": Chiến thuật chi viện hỏa lực hiệu quả của quân đội Ukraine

Tùng Nguyễn

(Dân trí) - Quân đội Ukraine đang tích cực sử dụng chiến thuật "bắn và chạy" với sự hỗ trợ của súng phóng lựu đặt trên khung gầm xe bán tải.

Bắn và chạy: Chiến thuật chi viện hỏa lực hiệu quả của quân đội Ukraine - 1
Các súng phóng lựu Mk-19 được đặt trên khung gầm xe bán tải của quân đội Ukraine (Ảnh: Quân đội Ukraine).

Lữ đoàn bộ binh cơ giới Mariupol thuộc quân đội Ukraine đã đăng tải nhiều hình ảnh về hoạt động tác chiến của lực lượng này tại khu vực chiến tuyến dài hàng chục km ở miền Nam Ukraine.

Theo đó, các xe bán tải được trang bị súng phóng lựu Mk-19 đang được tích cực sử dụng nhằm thực hiện chiến thuật "bắn và chạy" dọc theo chiến tuyến của 2 phe. Khi nhận thấy quân đội Nga đang chiếm ưu thế, các xe chiến đấu cơ động này sẽ được điều đến nhằm cung cấp hỏa lực tiếp viện cho các binh sĩ Ukraine. Sau khi tình hình được kiểm soát, các xe bán tải này xe được cơ động đến vị trí khác nhằm bổ sung hỏa lực cho quân đội Ukraine và tránh các đòn phản pháo của pháo binh Nga.

Các chuyên gia quân sự đánh giá đây là một chiến thuật hợp lý của quân đội Ukraine, đặc biệt là trong bối cảnh chiến tuyến giữa 2 bên trải dài nhiều km và pháo binh của Nga hiện vẫn đang chiếm ưu thế về hỏa lực.

Bắn và chạy: Chiến thuật chi viện hỏa lực hiệu quả của quân đội Ukraine - 2
Chiến thuật chi viện hỏa lực từ súng phóng lựu cơ động được đánh giá là hợp lý trong điều kiện tác chiến tại Ukraine (Ảnh: Lữ đoàn bộ binh cơ giới Mariupol).

Súng phóng lựu Mk-19 là một loại vũ khí uy lực của quân đội Ukraine với khả năng bắn các quả lựu đạn với kích cỡ 40mm đi xa đến 2,2km. Mảnh nổ của các lựu đạn này có thể gây sát thương trong phạm vi 15m và có thể phá hủy lớp giáp của các xe bọc thép hạng nhẹ.

"Hãy tưởng tượng bạn có thể bắn 60 quả lựu đạn một phút với tầm sát thương 15m, bạn sẽ thấy uy lực của loại vũ khí này với trận địa của đối phương", một sĩ quan thuộc Lữ đoàn bộ binh cơ giới Mariupol chia sẻ.

Được đặt trên khung gầm cơ sở của các xe bán tải do phương Tây viện trợ, loại vũ khí này đang ngày càng chứng minh được khả năng chiến đấu cơ động trong các cuộc giao tranh với quân đội Nga. Gần đây, Kiev cũng bắt đầu sử dụng các máy bay không người lái (UAV) trinh sát để chỉ điểm mục tiêu, qua đó tăng cường hiệu quả và độ chính xác cho loại vũ khí này.

Bên cạnh các phương tiện phóng lựu cơ động, quân đội Ukraine cũng đã bắt đầu đưa vào chiến đấu các tổ hợp rà phá bom mìn M58 MICLIC do Mỹ viện trợ để đối phó với các phòng tuyến của quân đội Nga.

Trong thời gian gần đây, các lực lượng Nga đã xây dựng nhiều hàng rào chướng ngại vật từ các khối bê tông cỡ lớn kết hợp với mìn chống tăng tại các khu vực Donetsk, Lugansk, Kherson, Mariupol và Zaporizhia ở Ukraine. Các nguồn tin cho biết hệ thống công sự này được xây dựng bởi công ty quân sự tư nhân Wagner và còn được biết đến với tên gọi tuyến phòng thủ "Răng rồng".

Tổ hợp rà phá bom mìn M58 MICLIC được trang bị cho quân đội Mỹ từ năm 1988. Với nguyên lý hoạt động giống với tổ hợp rà mìn UR-77 của Liên Xô, một quả tên lửa được phóng đi kéo theo một đoạn dây cáp chứa thuốc nổ. Khi chạm đất, lượng chất nổ kéo theo sẽ được kích hoạt và phá hủy các chướng ngại vật và bãi mìn trong phạm vi khoảng 800m2.

Sức công phá mạnh mẽ của tổ hợp M58 MICLIC được nhận định có thể giúp quân đội Ukraine đẩy nhanh đà tiến công mà vẫn bảo đảm an toàn cho các cuộc đột kích của bộ binh cơ giới.

Theo Defense Express
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine