Bán đảo Triều Tiên đang bên bờ vực chiến tranh?
(Dân trí) - Bán đảo Triều Tiên dường như ngày càng nóng lên với những diễn biến mới: Tàu chiến Mỹ sẵn sàng đối phó với mọi kịch bản, Triều Tiên tập trận pháo binh lớn nhất từ trước đến nay và những lời qua tiếng lại giữa các bên.
Sơ suất nhỏ có thể khiến "giọt nước tràn ly"
CNN đưa tin, giới phân tích lo ngại tình hình hiện nay ở bán đảo Triều Tiên ví như “một giọt nước có thể làm tràn ly”. Bruce Bennett, chuyên gia phân tích quốc phòng cấp cao tại Trung tâm nghiên cứu RAND Corporation, nhận định: “Vấn đề thực tế bây giờ là nếu ai đó mắc phải một sai lầm ngớ ngẩn, chỉ một căng thẳng nhỏ cũng có thể khiến tình hình vượt ngoài kiểm soát”.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, ngay cả khi một sai lầm nào đó xảy ra ngay ngày mai thì cũng chưa thể khiến chiến tranh cận kề.
Carl Schuster, giáo sư tại Đại học Hawaii và cựu giám đốc điều hành tại Trung tâm tình báo chung của Bộ chỉ huy Thái Bình Dương (Mỹ), cho rằng trong tình huống đó, lực lượng của Mỹ sẽ được đặt trong tình trạng sẵn sàng phòng thủ, các lực lượng vũ trang sẵn sàng triển khai và tham chiến trong vòng 6 giờ hay còn gọi là Defcon 2. Mức độ Defecon2 này chủ yếu được Tổng thống và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ ban bố.
Ngoài ra, quân đội Mỹ khi đó cũng sẽ tăng cường các hoạt động huấn luyện ở khu vực phía trong biên giới và cử tàu sân bay thứ hai đến Đông Á. Thực tế, một tàu sân bay không thể di chuyển nhanh trong tình huống khẩn cấp.
Hàng trăm khẩu pháo Triều Tiên triển khai trong cuộc tập trận pháo binh hôm 25/4 tại khu vực Wosan. (Ảnh: Rodong Sinmun)
Hiện tại, Bộ chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ chỉ thông báo nhóm tàu tác chiến do tàu sân bay USS Carl Vinson dẫn đầu sẽ đến bán đảo Triều Tiên vào cuối tháng 4, mà chưa công bố bất cứ hoạt động của tàu sân bay nào khác.
Chuyên gia Schuster cho rằng, Mỹ cũng theo sát những hoạt động của xe tăng và pháo Triều Tiên. Cuộc tập trận pháo binh lớn chưa từng có vào hôm qua của Triều Tiên có thể coi là một dấu hiệu đáng lo ngại. Tuy nhiên, các nhà hoạch định chiến tranh Mỹ cũng đánh giá liệu Triều Tiên đã sử dụng bao nhiêu đạn dược cho một sự kiện như vậy.
Nhân tố “Trump”
Tổng thống Mỹ Donald Trump. (Ảnh: EPA)
Tổng thống Mỹ Donald Trump và các thành viên nội các gần đây đã đưa ra những tuyên bố cứng rắn với Triều Tiên rằng “thời kỳ kiên nhẫn chiến lược đã hết” và “để ngỏ mọi khả năng” đối phó với Triều Tiên.
Tong Zhao, chuyên gia tại Trung tâm nghiên cứu chính sách toàn cầu Carnegie Tsinghua ở Bắc Kinh, cho rằng tình hình cũng trở nên phức tạp hơn bởi những bình luận cứng rắn của ông Trump. Ngoài ra, những chiến lược thiếu rõ ràng của chính quyền Tổng thống Trump cũng có thể khiến Triều Tiên nổi giận.
Chính quyền của ông Trump cũng hối thúc các đồng minh và Trung Quốc tăng sức ép với Triều Tiên. Nhưng điều đáng nói là, việc tăng sức ép này có thể không giúp xoay chuyển tình hình bởi Bình Nhưỡng thường bất chấp các lệnh trừng phạt.
Triều Tiên sẽ làm gì?
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. (Ảnh: KCNA)
Một câu hỏi cũng không kém phần quan trọng là liệu nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un sắp có động thái gì?
“Triều Tiên tin rằng cách duy nhất để ngăn Mỹ tấn công họ và duy trì quyền lực của chính quyền Kim Jong-un” đó là sở hữu vũ khí hạt nhân”, Joe Bermudez, chuyên gia của tổ chức chuyên giám sát Triều Tiên 38 North, nhận định.
Truyền thông Triều Tiên hôm nay nói rằng, Triều Tiên là “quốc gia yêu chuộng hòa bình hơn bất cứ ai, nhưng cũng không sợ hãi hay trốn tránh chiến tranh”. Trong những cảnh báo gần đây khi Mỹ đưa tàu chiến tới khu vực, Triều Tiên tuyên bố sẵn sàng chiến tranh toàn diện và đáp trả Mỹ một cách mạnh mẽ nhất.
Bất chấp không khí căng thẳng như sắp có một “cơn bão đổ bộ” này, giới quan sát vẫn cho rằng, khó xảy ra một cuộc chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên.
Minh Phương
Tổng hợp