1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

"Bài toán hóc búa" của Mỹ trước sức ép cấm nhập khẩu dầu Nga

Đức Hoàng

(Dân trí) - Chính quyền Tổng thống Joe Biden đang rơi vào thế khó khi phải cân nhắc liệu có trừng phạt ngành dầu mỏ của Nga hay không vì biện pháp này có thể tác động tới chính nước Mỹ.

Bài toán hóc búa của Mỹ trước sức ép cấm nhập khẩu dầu Nga - 1

Tổng thống Mỹ Joe Biden (Ảnh: Reuters).

Một nhóm thượng nghị sĩ lưỡng đảng của Mỹ tuần qua đã trình một dự luật nhằm kêu gọi Washington ban lệnh cấm nhập khẩu dầu mỏ và khí đốt Nga để trừng phạt việc Moscow mở chiến dịch quân sự ở Ukraine vào ngày 24/2.

Dự luật mang tên "Cấm nhập nguồn năng lượng từ Nga" đề xuất việc cấm toàn bộ khí đốt, dầu mỏ, than của Moscow nhập tới Mỹ. Trước đó, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden chưa đưa biện pháp này vào trong các gói trừng phạt áp lên Nga.

Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Rob Portman cho rằng, Mỹ phải làm mọi biện pháp cần thiết để khiến kinh tế Nga bị ảnh hưởng nghiêm trọng, nhằm tác động mạnh lên ngân sách cho quân đội Nga để họ dừng chiến dịch quân sự ở Ukraine.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken ngày 6/3 nói rằng, Washington và các đồng minh châu Âu đang xem xét khả năng cấm nhập dầu mỏ Nga, trong khi Nhà Trắng sẽ phối hợp với các ủy ban quốc hội để cân nhắc việc thực thi lệnh cấm của riêng Mỹ.

Một số nguồn thạo tin nói với Reuters vào ngày 7/3 rằng, dù châu Âu đang phụ thuộc vào dầu mỏ và khí tự nhiên của Nga nhưng họ dường như đã bày tỏ sự cởi mở hơn với phương án cấm các sản phẩm này của Moscow trong 24h qua.

Mặt khác, Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi ngày 6/3 nói rằng, các nhà làm luật Mỹ đang xem xét một dự luật cấm nhập dầu mỏ Nga.

Tuy nhiên, đây chắc chắn sẽ không phải là một quyết định dễ dàng cho chính quyền ông Biden, vì ông sẽ phải cân nhắc rất nhiều về tác động của lệnh cấm này tới thị trường dầu mỏ toàn cầu và giá cả năng lượng Mỹ.

Thế "tiến thoái lưỡng nan" của Mỹ

Trong những tháng gần đây, chính quyền ông Biden đã đối mặt với áp lực khi lạm phát tăng ở mốc cao nhất 40 năm qua, do nhu cầu tăng vọt, chuỗi cung ứng bị gián đoạn và thiếu lao động. Tuy nhiên, giá nhiên liệu tăng cũng đóng góp lớn vào việc giá tiêu dùng và lạm phát, khi các mặt hàng quan trọng như dầu, khí đốt và hàng loạt hàng hóa khác chạm đỉnh trong nhiều năm qua. Cấm dầu từ Nga - một nhà xuất khẩu lớn hàng đầu thế giới - không chỉ tác động tới một mình Nga, mà nó có thể ảnh hưởng dây chuyền tới nhiều nước.

Thế khó của Tổng thống Biden nằm ở chỗ, ông không thể áp lệnh trừng phạt lên dầu thô Nga mà không suy xét tới viễn cảnh động thái này sẽ khiến giá dầu trong nước tăng mạnh. Lạm phát tăng có thể ảnh hưởng lớn tới đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử giữa kỳ vào tháng 11 năm nay, cũng như tác động tới các đồng minh thân cận của Mỹ ở châu Âu.

Sau khi phương Tây áp các gói trừng phạt chưa từng có tiền lệ lên Nga trong gần 2 tuần qua, dù dầu mỏ chưa bị tác động tới, nhưng tâm lý lo ngại nguồn cung khan hiếm đã khiến hoạt động tích trữ mặt hàng này gia tăng, dẫn tới giá dầu thế giới tăng "sốc".

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết, Washington đang cân nhắc rất kỹ phương án cấm dầu Nga, nhưng nhấn mạnh sự cần thiết của việc thận trọng vì tác động mạnh của việc này với thị trường thế giới.

Theo Reuters, Mỹ là một trong những nước tiêu thụ nhiên liệu lớn hàng đầu thế giới. Tăng giá nhiên liệu từ trước tới nay luôn gây ra sự bất lợi cho giới lãnh đạo Mỹ trước các cử tri.

Hôm 3/3, Tổng thống Biden nói với các nhà báo rằng, ông sẽ không cấm nhập khẩu dầu của Nga và ông cam kết sẽ giảm thiểu thiệt hại từ việc giá xăng dầu tăng do các lệnh trừng phạt của Mỹ nhằm vào Moscow.

Vào cùng ngày, thư ký Báo chí Nhà Trắng Jen Psaki phát biểu: "Chúng ta không có lợi ích chiến lược trong việc giảm nguồn cung năng lượng toàn cầu và điều đó sẽ khiến người Mỹ phải trả tiền nhiều hơn để bơm xăng".

Tuy nhiên, trước những áp lực của cả lưỡng đảng trong quốc hội Mỹ những ngày qua, chính quyền Biden có thể sẽ phải cân nhắc lại thiệt hơn trong các lệnh trừng phạt áp lên Nga trong tương lai. 

Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine