Ba lựa chọn của Ukraine nếu Nga theo đuổi chiến dịch quân sự đến cùng
(Dân trí) - Nga nhiều lần tuyên bố sẽ theo đuổi đến cùng chiến dịch quân sự ở Ukraine để đạt mọi mục tiêu đề ra. Trong khi đó, Kiev khẳng định không bao giờ nhượng bộ về lãnh thổ.
Sau hơn một năm, cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine đang rơi vào bế tắc. Hai bên đều phải gánh tổn thất lớn, đặc biệt, Nga phải chứng kiến một loạt bước lùi trên chiến trường khi phải rút quân khỏi một số khu vực ở Ukraine. Tuy vậy, Moscow dường như chưa có ý định kết thúc chiến dịch quân sự ở Ukraine, thay vào đó, tiếp tục dồn quân cho mặt trận Bakhmut và Avdiivka ở tỉnh Donetsk, miền Đông Ukraine.
Trong bản đánh giá mới nhất, Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW) có trụ sở tại Mỹ đã nhận định 3 lựa chọn lúc này của Ukraine.
Thứ nhất, Ukraine có thể lựa chọn ngừng giao tranh ngay cả khi Nga tiếp tục các cuộc tấn công trên bộ và trên không. Đây là kịch bản Kiev chắc chắn không mong muốn và ít khả năng xảy ra bởi nó sẽ kéo theo "thất bại thảm hại" cho Kiev.
Thứ hai, Kiev tiếp tục chiến đấu, nhưng với mục tiêu hạn chế ở việc bảo vệ các vùng lãnh thổ mà họ đang kiểm soát. Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa với Nga sẽ dừng lại ở đó, mà sẽ tiếp tục mở rộng chiến dịch quân sự đến những vùng khác của Ukraine.
Thứ ba, Ukraine sẽ mở các đợt phản công quy mô lớn nhằm hai mục đích gồm buộc Nga ngồi vào bàn đàm phán hoặc tạo ra ưu thế quân sự để Ukraine có thể đóng băng xung đột. Kịch bản này được đánh giá nhiều khả năng xảy ra nhất. Ukraine được cho là đang lên kế hoạch phản công vào khoảng tháng 4 hoặc tháng 5 tới khi nguồn viện trợ vũ khí hiện đại từ phương Tây trở nên dồi dào hơn.
Đó là lý do quân đội Ukraine tiếp tục ra sức bảo vệ Bakhmut ở Donetsk mặc dù giới phân tích tin rằng thành phố này có rất ít giá trị chiến lược. Một số chuyên gia quân sự khuyến cáo, Kiev không nên lãng phí thêm nguồn lực và binh sĩ cho mặt trận Bakhmut, mà để dành cho chiến dịch phản công về sau.
Theo ISW, Ukraine cần đạt được nhiều cuộc phản công thắng lợi hơn nữa để gia tăng triển vọng hòa đàm hoặc gây sức ép buộc Moscow "chấp nhận thực tế bất lợi trên chiến trường" và không thể hy vọng xoay chiến cục diện nếu tiếp tục chiến dịch quân sự.
Trong khi đó, một số nhà phân tích lo ngại, ngay cả khi Kiev và Moscow đạt được thỏa thuận ngừng bắn, Nga có thể tận dụng cơ hội đó để tập hợp, khôi phục lực lượng cho các cuộc tấn công trong tương lai.
Ukraine nhiều lần tuyên bố sẽ không chấp nhận bất cứ điều khoản hòa đàm nào buộc họ phải nhượng lại lãnh thổ cho Nga. Trong khi đó, Moscow khẳng định sẽ theo đuổi đến cùng để đạt mọi mục tiêu đề ra trong chiến dịch quân sự ở Ukraine. Các cuộc đàm phán giữa Moscow và Kiev bế tắc kể từ tháng 3 năm ngoái.