Ba Lan nêu kịch bản có thể khiến NATO đưa quân tới Ukraine
(Dân trí) - Thành viên NATO Ba Lan nói về kịch bản có thể dẫn tới việc khối liên minh quân sự này triển khai lực lượng tới can thiệp ở Ukraine.
Trả lời đài RMF hôm 29/9, Ngoại trưởng Ba Lan Zbigniew Rau cảnh báo rằng, NATO có thể đưa quân vào Ukraine nếu Nga sử dụng vũ khí hạt nhân ở nước này.
Trước đó, liên minh quân sự do Mỹ đứng đầu đã nhiều lần khẳng định rằng họ không đối đầu trực tiếp với Moscow và không phải là một bên trong cuộc xung đột.
Khi được hỏi rằng NATO sẽ phản ứng như thế nào nếu Nga sử dụng phương án hạt nhân trong khi chiến sự với Kiev, ông Rau nói thế giới sẽ kiên quyết - và phối hợp với Mỹ - đáp trả một cuộc tấn công như vậy.
Nếu kịch bản tồi tệ nhất xảy ra, ông Rau nói, phản ứng của NATO có thể là sẽ đưa lực lượng tới lãnh thổ Ukraine.
"Tuy nhiên, động thái này có thể là không cần thiết vì NATO có thể sử dụng vũ khí thường, ví dụ máy bay, hoặc phóng tên lửa và không nhất thiết phải từ lãnh thổ Ukraine", nhà ngoại giao Ba Lan cho biết.
Hồi cuối tuần, Mỹ cảnh báo họ và các đồng minh sẽ hành động quyết đoán nếu Nga sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật ở Ukraine, cho rằng kịch bản này sẽ khiến Moscow đối mặt với "hậu quả thảm khốc".
Tuần trước, Tổng thống Nga Vladimir Putin cáo buộc phương Tây "tống tiền hạt nhân" Nga và Moscow sẽ đáp trả bằng mọi loại vũ khí nếu toàn vẹn lãnh thổ bị đe dọa.
Sau đó, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Ryabkov nhấn mạnh, Nga không đe dọa bất cứ bên nào với vũ khí hạt nhân và nhấn mạnh học thuyết quân sự của Moscow cho phép họ sử dụng loại khí tài này khi sự tồn vong của đất nước bị ảnh hưởng.
Cũng vào tuần trước, Chủ tịch Ủy ban Quân sự của NATO Robert Bauer nhấn mạnh, liên minh này không trong xung đột với Nga, ngay cả khi họ hỗ trợ Kiev với số lượng lớn vũ khí trong nỗ lực chống lại chiến dịch quân sự của Moscow.
Trong bài viết trên National Interest hôm 28/9, Đại sứ Nga tại Mỹ Anatoly Antonov cảnh báo rằng, Mỹ có thể sẽ không an toàn nếu kịch bản vũ khí hạt nhân được sử dụng ở châu Âu dù Washington cách lục địa này qua một đại dương.
"Bất cứ hành động sử dụng vũ khí hạt nhân nào cũng có thể nhanh chóng dẫn tới tình trạng leo thang từ một cuộc xung đột địa phương hoặc khu vực vươn tới quy mô toàn cầu", nhà ngoại giao cảnh báo.
Ông Antonov cáo buộc, nguy cơ làm leo thang căng thẳng đến từ Mỹ, chứ không phải Nga. Ông cho rằng, Mỹ trong hàng chục năm qua đã tiến gần tới biên giới Nga thông qua sự mở rộng của NATO và hủy nhiều hiệp ước kiểm soát vũ khí chiến lược với Nga.
Ông Antonov cáo buộc Mỹ đã bóp méo phát biểu của giới lãnh đạo Nga về điều kiện triển khai vũ khí hạt nhân để tạo ra cái gọi là "mối đe dọa hạt nhân giả mạo từ Nga".
Ông kêu gọi Mỹ giảm bớt những luận điệu và chính sách thù địch của, tôn trọng lợi ích an ninh quốc gia của Nga, đồng thời cùng nước này và các quốc gia hạt nhân khác củng cố cam kết về việc tránh sử dụng loại khí tài này.