Ba Lan cảnh báo tâm lý mệt mỏi của phương Tây với chiến sự Nga - Ukraine
(Dân trí) - Ba Lan cho rằng những bên ủng hộ Ukraine dường như đang tỏ ra "có chút mệt mỏi" khi cuộc chiến giữa Kiev và Nga đã diễn ra gần 11 tháng.
Trả lời kênh TVP, Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki ngày 18/1 cho biết, những bên ủng hộ Ukraine dường như ngày càng trở nên "mệt mỏi" và thể hiện ít cảm xúc hơn liên quan tới cuộc xung đột diễn ra giữa Kiev với Nga, bất chấp việc phương Tây liên tục cung cấp vũ khí và các viện trợ khác cho Ukraine cũng như tạo áp lực kinh tế chưa từng có đối với Moscow .
"Vài tháng trước, các cuộc thảo luận ở một mức độ cảm xúc khác - và mối quan tâm cũng khác. Phương Tây, thế giới tự do, trở nên có chút mệt mỏi và muốn sống một cuộc sống bình thường. Hôm nay, tôi nhận thấy điều này rất rõ ràng và tôi muốn cảnh báo các nhà lãnh đạo thế giới, bởi vì Nga rất kiên nhẫn và có cách siết chặt Ukraine trong dài hạn", ông Morawiecki nói.
"Mọi người đều muốn sống một cuộc sống bình thường, nhưng nếu Ukraine bị suy sụp, liệu đó có phải là một cuộc sống bình thường hay không?", quan chức Ba Lan nhận định.
Sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraine vào tháng 2 năm ngoái, Mỹ và các đồng minh đã áp đặt các biện pháp trừng phạt chưa từng có đối với Moscow, đóng băng một nửa dự trữ vàng và ngoại tệ, đồng thời nhắm mục tiêu xuất khẩu năng lượng của Nga.
Các quan chức Ukraine cam kết sẽ chiến đấu để giành lại toàn bộ lãnh thổ từ tay Nga, trong khi các nhà lãnh đạo ở Mỹ và EU đã cam kết sẽ giúp đỡ chừng nào Kiev còn cần hỗ trợ. Tuy nhiên, theo cuộc thăm dò dư luận tuần này, khoảng một nửa số người dân ở 9 quốc gia EU ủng hộ việc nhanh chóng chấm dứt xung đột vũ trang ở Ukraine, ngay cả khi điều đó có nghĩa là Kiev sẽ phải có một số nhượng bộ với Nga.
Kể từ khi xung đột xảy ra, Ba Lan đã trở thành một trung tâm chính để chuyển viện trợ quân sự của phương Tây cho Ukraine. Vào cùng ngày, Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda đã kêu gọi phương Tây viện trợ thêm vũ khí hạng nặng và đạn dược cho Ukraine, cảnh báo viễn cảnh Ukraine "có thể không tiếp tục tồn tại" nếu không có sự hỗ trợ từ bên ngoài.
Moscow đã nhiều lần cảnh báo phương Tây rằng việc gửi vũ khí tới Kiev chỉ kéo dài giao tranh và làm tăng nguy cơ đối đầu trực tiếp giữa Nga và NATO. Mỹ và các đồng minh khẳng định họ không phải là một bên trong cuộc xung đột.