1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Azerbaijan tố Armenia trút tên lửa đạn đạo tại "chảo lửa" giao tranh

Thành Đạt

(Dân trí) - Bộ Quốc phòng Azerbaijan cáo buộc lực lượng vũ trang Armenia đã khai hỏa tên lửa đạn đạo tại khu vực giao tranh.

Azerbaijan - Armenia giao tranh dữ dội tại khu vực tranh chấp
Azerbaijan tố Armenia trút tên lửa đạn đạo tại chảo lửa giao tranh - 1

Azerbaijan nã pháo vào vị trí của Armenia tại Nagorno-Karabakh hôm 28/9. (Ảnh: Sputnik)

“Lực lượng vũ trang Armenia đã sử dụng hệ thống tên lửa chiến thuật Tochka-U”, thông báo của Bộ Quốc phòng Azerbaijan ngày 30/9 cho biết.

Theo thông báo, 3 hệ thống tên lửa Tochka-U do Armenia khai hỏa tại khu vực Nagorno-Karabakh đều không phát nổ. Tochka-U là tên lửa đạn đạo có độ chính xác cao.

Bộ Quốc phòng Armenia đã lên tiếng bác bỏ cáo buộc trên.

“Bộ Quốc phòng Armenia chính thức khẳng định các thông tin do truyền thông Azerbaijan đưa tin liên quan tới việc sử dụng hệ thống tên lửa chiến thuật Tochka-U là không đúng sự thật”, thông báo của Armenia nêu rõ.

“Chúng tôi cũng cảnh báo rằng nếu phía Azerbaijan có ý định sử dụng thông tin sai sự thật này để biện minh cho việc sử dụng một hệ thống tên lửa tương tự hoặc hệ thống mạnh hơn, chúng tôi sẽ phản ứng ngay lập tức và hủy diệt”, Bộ Quốc phòng Armenia cảnh báo.

Bộ Quốc phòng Azerbaijan cho biết ít nhất 2.300 binh sĩ Armenia đã thiệt mạng và bị thương trong các cuộc giao tranh giữa hai nước.

Ngoài ra, Azerbaijan cho biết từ ngày 27-30/9, khoảng 200 xe tăng và xe bọc thép, ít nhất 230 hệ thống tên lửa và đạn pháo, khoảng 30 hệ thống phòng không, 6 trạm quan sát và chỉ huy, 5 kho đạn dược, 50 súng máy chống tăng, 110 xe ô tô và một hệ thống tên lửa S-300 do Nga sản xuất cũng bị phá hủy.

Armenia và Azerbaijan, 2 quốc gia Liên Xô cũ, vướng vào căng thẳng quân sự từ ngày 27/9 liên quan tới vùng Nagorno-Karabakh. Đây là vùng đất được cộng đồng quốc tế công nhận là lãnh thổ của Azerbaijan, nhưng phần lớn người dân ở đây có gốc Armenia. Nagorno-Karabakh nhận được hậu thuẫn về quân sự và tài chính từ Armenia và muốn ly khai để sáp nhập vào Armenia.

Dòng sự kiện: Xung đột Nagorno-Karabakh