1. Dòng sự kiện:
  2. Xung đột leo thang tại Trung Đông
  3. Ukraine tấn công tỉnh Kursk
  4. Xung đột leo thang ở Trung Đông

Anh tính gửi vũ khí "rồng lửa" cho Ukraine

Đức Hoàng

(Dân trí) - Giới chức Anh cho biết đang cân nhắc gửi nguyên mẫu hệ thống vũ khí laser "rồng lửa" DragonFire tới Ukraine, tổ hợp được mô tả là có thể "thay đổi cuộc chơi".

Anh tính gửi vũ khí rồng lửa cho Ukraine - 1

Vụ thử nghiệm DragonFire tại Anh (Ảnh: DSTL).

Bộ trưởng Quốc phòng Anh Grant Shapps cho biết nước này đang xem xét gửi nguyên mẫu vũ khí laser "DragonFire" tới Ukraine.

Vũ khí năng lượng điều khiển bằng laser DragonFire (LDEW), là một dự án hợp tác giữa Phòng thí nghiệm Khoa học và Công nghệ Quốc phòng (DSTL) của chính phủ Anh và các công ty quốc phòng tư nhân MBDA, Leonardo và QinetiQ.

LDEW dự kiến sẽ được triển khai trên cả tàu chiến và tàu sân bay trong tương lai khi nó chính thức vào biên chế quân đội Anh trong vài năm tới.

Nó bắn ra một chùm năng lượng tập trung mà mắt người không thể nhìn thấy, với chùm tia laser 1,5kW được khuếch đại bằng gương. Nó được thử nghiệm thành công lần đầu tiên ở Anh vào đầu năm 2022.

Theo Telegraph, trong các vụ thử nghiệm, DragonFire đã phá hủy UAV, làm nổ đạn cối chỉ trong chưa đầy 5 giây tiếp xúc.

Kyiv Post cho biết, loại vũ khí này được mô tả là có thể làm "thay đổi cuộc chơi" khi sử dụng tia laser năng lượng cao có thể hạ gục máy bay không người lái hoặc thậm chí tên lửa như một giải pháp thay thế hiệu quả về mặt chi phí cho các hệ thống phòng không thông thường mà Kyiv đang dựa vào.

Các nhà khoa học DSTL cho hay DragonFire có thể bắn trúng mục tiêu có kích thước bằng đồng xu 1 bảng Anh ở khoảng cách khoảng 1km và hoạt động ở tần số có thể cản trở hoạt động liên lạc và cung cấp năng lượng của tên lửa.

Chi phí cho một lần bắn tia laser từ DragonFire vào khoảng 12,5 USD, quá rẻ so với bắn ra các tên lửa đánh chặn thông thường. Ví dụ, một quả tên lửa Patriot mà Ukraine sử dụng có giá tới 4 triệu USD.

Ông Shapps cho hay, Anh muốn tăng tốc độ phát triển và triển khai vũ khí này trước năm 2027. Dù DragonFire mới chỉ trong giai đoạn phát triển nhưng Anh cân nhắc muốn gửi nó tới Ukraine.

Ông Shapps tự tin rằng DragonFire là một vũ khí rất đặc biệt, ở mức độ mà quốc gia khác không thể sao chép vì nó sử dụng công nghệ rất tiên tiến. "Sản phẩm này đi trước thời đại nhiều năm", Bộ trưởng Anh tuyên bố.

Tuy nhiên, ông Shapps không cung cấp mốc thời gian cụ thể về thời điểm vũ khí này có thể được chuyển tới Kiev.

"Có thể nói rằng nó không cần phải hoàn hảo 100% thì người Ukraine mới có thể sử dụng. Vào thời điểm này, năm 2027 vẫn là mục tiêu với quân đội Anh (để triển khai DragonFire), nhưng tất nhiên, tôi sẽ xem chúng tôi có thể làm gì để đẩy nhanh tiến độ đó", ông Shapps nói thêm.

Ngoài giá rẻ, DragonFire có thể hoạt động ở tốc độ ánh sáng khiến nhiều chuyên gia tin rằng, nó có tiềm năng đánh chặn được vũ khí tốc độ cao như tên lửa siêu vượt âm.

Cuộc chiến đang diễn ra ở Ukraine cũng cho thấy máy bay không người lái có giá chỉ vài trăm USD đang gây ra thiệt hại rất lớn cho các mục tiêu có giá trị cao như xe bọc thép trị giá hàng triệu USD.

Điều này khiến các bên đều tìm phương pháp hiệu quả hơn về mặt chi phí để đối phó với UAV thay vì đánh chặn bằng tên lửa thông thường.

Bất chấp những ưu điểm, vũ khí năng lượng định hướng như DragonFire thường có tầm bắn ngắn hơn vũ khí động học thông thường. Mặt khác, các điều kiện thời tiết bất lợi, ví dụ như sương mù và bão, có thể làm suy giảm nghiêm trọng tầm bắn và hiệu quả của vũ khí.

Theo Kyiv Post
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm