Hàng tỷ USD vũ khí do Ukraine sản xuất có thể kẹt trong kho
(Dân trí) - Truyền thông Ukraine giải thích về nguy cơ hàng tỷ USD vũ khí do nước này sản xuất nội địa có thể không được đưa ra chiến trường dù Kiev đang có nhu cầu lớn.
Hãng tin Ukraine Ekonimichna Pravda (EP) cho biết, các nhà thầu quân sự ở Ukraine đã tăng cường sản xuất đáng kể để hỗ trợ cuộc chiến chống lại Nga, nhưng họ đang gặp khó khăn trong việc bán thiết bị cho chính phủ Kiev.
Các nhà máy của Ukraine đã sản xuất số vũ khí trị giá 3 tỷ USD vào năm ngoái, và con số này dự kiến sẽ tăng gấp 6 lần trong năm nay, ở mốc 18 tỷ USD.
Tuy nhiên, EP cho biết, Ukraine dường như chỉ có thể chi 50% ngân sách quân sự cho các nhà sản xuất trong nước và điều này có khả năng khiến nhiều vũ khí trị giá hàng tỷ USD bị kẹt lại trong kho.
Nếu không nhận được sự đảm bảo từ chính phủ Ukraine, các nhà máy vũ khí nước này có thể phải cắt giảm nhân sự và giảm tốc độ phát triển sản phẩm mới, đe dọa đến khả năng đối phó Nga của Kiev.
Yulia Vysotska, giám đốc tổ chức Praktika, cho biết: "Do không đủ kinh phí nên việc ký kết hợp đồng không nhịp nhàng. Chúng tôi sẽ rất vui nếu ít nhất 1/3 công suất của chúng tôi được lấp đầy liên tục và chúng tôi có thể nắm rõ kế hoạch sản xuất trong vài năm tới".
Dữ liệu do Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI) công bố trong tuần này cho thấy Ukraine đã trở thành nước nhập khẩu vũ khí lớn nhất châu Âu trong 5 năm qua và đứng thứ 4 trên toàn thế giới trong khoảng thời gian từ 2019 đến 2023.
Kể từ khi xung đột Nga - Ukraine bùng phát hơn 2 năm trước, khoảng 30 quốc gia đã cung cấp vũ khí cho Ukraine, trong đó Mỹ dẫn đầu với 39%, tiếp theo là Đức với 14% và Ba Lan với 13%.
Tuy nhiên, EP cho biết, các gói viện trợ quân sự của đồng minh cho Ukraine thường mang về các hợp đồng cho ngành công nghiệp quốc phòng của các nước tài trợ.
Ví dụ, Washington Post đưa tin rằng trong số 68 tỷ USD hỗ trợ quân sự và các khoản hỗ trợ liên quan mà Quốc hội Mỹ đã phê duyệt cho Kiev, gần 90% được chi ở Mỹ.
Trước đó, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết khoảng 90% hỗ trợ tài chính cho Ukraine được chi cho việc sản xuất vũ khí và thiết bị quân sự tại Mỹ. Ông nhận định, các gói viện trợ tiếp theo cho Ukraine sẽ "mang lại lợi ích cho doanh nghiệp Mỹ, cộng đồng địa phương và củng cố cơ sở công nghiệp quốc phòng của Mỹ".
Ngoài ra, kể từ năm 2022, Bộ Quốc phòng Ukraine đã mua 350.000 đơn vị đạn dược chỉ riêng từ Liên minh châu Âu.
EP dẫn các nguồn tin công nghiệp quốc phòng Ukraine cho biết, một vấn đề mà Kiev đối mặt là họ chưa thể thuyết phục các đồng minh mua thiết bị của Ukraine sản xuất.
Các nhà sản xuất vũ khí Ukraine cũng không thể bán hàng ra nước ngoài vì giấy phép xuất khẩu chưa được cấp kể từ khi chiến sự bùng phát 2 năm trước.
Serhiy Vysotsky, phó chủ tịch hiệp hội NAUDI, đại diện cho các nhà sản xuất vũ khí tư nhân, nói với EP rằng việc đưa vũ khí Ukraine ra thị trường nước ngoài có thể giải quyết một số vấn đề mà các nhà sản xuất trong nước gặp phải.
Ông Vysotsky nói: "Chúng ta cần nói với các đối tác của mình rằng các nhà sản xuất của Ukraine không có đủ ngân sách, rằng chúng tôi có thể cạnh tranh với Nga trên thị trường vũ khí hoặc rằng các vũ khí đã được "thử lửa" trên chiến trường của chúng tôi sẽ có thể được các đồng minh nhập về".