Anh lo xe tăng Challenger 2 bị Nga phá hủy hoặc bắt giữ ở Ukraine
(Dân trí) - Anh hiện đang tìm kiếm sự đảm bảo từ Ukraine rằng sẽ không có chiếc Challenger 2 nào do Anh cung cấp, được sử dụng trong các hoạt động chiến đấu mạo hiểm, vì sợ rằng chúng sẽ bị quân đội Nga phá hủy hoặc bắt giữ.
Vào tháng 5, Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace nói rằng tất cả các xe tăng Challenger 2 hứa hẹn với Kiev đã đến Ukraine.
Sputnik dẫn nhận định của nhà phân tích quân sự Drago Bosnic, cho rằng, Lực lượng vũ trang Ukraine đã gặp khó khăn trong việc sử dụng xe tăng Challenger 2 do các yêu cầu của London đối với việc vận hành và bảo dưỡng chúng.
Ông cũng nhấn mạnh rằng Bộ chỉ huy Anh hiện đang tìm kiếm sự đảm bảo từ Kiev rằng sẽ không có chiếc Challenger 2 nào do Anh cung cấp được sử dụng trong các hoạt động chiến đấu mạo hiểm, vì sợ rằng chúng sẽ bị quân đội Nga phá hủy hoặc bắt giữ.
"Điều này bao gồm các yêu cầu đặc biệt về kho chứa để ngăn chặn các cuộc tấn công tầm xa, vì thế khiến Challenger 2 trở thành hệ thống vũ khí được nuông chiều nhất trong cuộc xung đột", chuyên gia Drago Bosnic nói.
"Có vẻ như Anh hiện đang 'bày tỏ sự thất vọng' về cách Ukraine sử dụng các xe tăng chiến đấu chủ lực của mình, lo ngại rằng sự đảm bảo do các lực lượng Kiev đưa ra là đơn giản là không đủ. Anh lo ngại Challenger cũng tổn thất nặng nề, tương tự như hiệu suất thảm hại của xe tăng Đức, từ lâu đã được coi là tốt nhất trong NATO," ông nói.
"Với suy nghĩ này, việc sử dụng các loại xe tăng nặng hơn nhiều do phương Tây sản xuất như Challenger 2 (và các loại thiết giáp khác có nguồn gốc từ NATO) đã được chứng minh là không chỉ vô dụng về mặt quân sự đối với Kiev, mà còn khá nguy hiểm đối với vô số lính Ukraine trong các hoạt động phản công gần đây chống lại quân đội Nga," ông nói thêm.
Trong khi đó, Tạp chí quân sự Military Watch lại tỏ ra nghi ngờ về tính hiệu quả của Challenger 2, dòng xe tăng do Anh chế tạo, khi chúng hoạt động trong môi trường tác chiến ở Ukraine đầy khắc nghiệt.
Xe tăng Challenger 2 được cho là có nhiều vấn đề kỹ thuật, khó tương thích với hệ thống tác chiến và hậu cần của Ukraine hiện tại.
Thứ nhất, Challenger 2 là xe tăng duy nhất sử dụng kiểu pháo rãnh xoắn 120mm, khác hẳn so với các dòng xe tăng NATO hiện đại, được đánh giá là khá lạc hậu, giảm đáng kể uy lực và độ chính xác của các phát bắn.
Thứ hai, xe tăng Challenger-2 thiếu đạn nổ mạnh phân mảnh để chống bộ binh. Xác suất xảy ra các cuộc đấu trực diện với xe tăng Nga trên chiến trường Ukraine là không lớn, trong khi đó yêu cầu tác chiến chống bộ binh lại rất cao nên vai trò của đạn nổ phá mảnh khá quan trọng.
Thứ ba, Challenger 2 chỉ được trang bị hệ thống hỗ trợ quan sát ảnh nhiệt lỗi thời. Dù là thiết bị đột phá vào đầu những năm 1990, nhưng hiện tại, chúng đã lạc hậu.
Thứ tư, mặc dù Challenger 2 có tháp pháo được bọc giáp rất tốt, nhưng phần thân xe tăng chỉ làm từ thép gia cường, thiếu giáp composite và giáp phản ứng nổ trong khi khoang chứa đạn không được gia cố khiến nguy cơ phát nổ rất cao nếu bị trúng đạn.
Với số lượng ít ỏi chỉ khoảng dưới 30 xe tăng Challenger-2 và các vấn đề phát sinh, Ukraine thực tế sẽ phải đương đầu với gánh nặng đảm bảo hậu cần và duy trì khả năng sẵn sàng chiến đấu.
Các nước phương Tây đã cung cấp cho Kiev nhiều loại hệ thống vũ khí khác nhau, bao gồm tên lửa phòng không, hệ thống pháo phản lực, xe tăng, pháo tự hành và súng phòng không kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine vào tháng 2 năm 2022.
Điện Kremlin đã liên tục cảnh báo chống lại việc giao thêm vũ khí cho Kiev, nói rằng chúng sẽ được coi là mục tiêu quân sự hợp pháp.