1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Anh đề xuất cho Ukraine vay toàn bộ tài sản đóng băng của Nga

Đức Hoàng

(Dân trí) - Anh nêu phương án cho Ukraine vay toàn bộ số tài sản của Nga mà London đang đóng băng.

Anh đề xuất cho Ukraine vay toàn bộ tài sản đóng băng của Nga - 1

Ngoại trưởng Anh David Cameron (Ảnh: Reuters).

Ngoại trưởng Anh David Cameron cho biết nước này sẵn sàng cho Ukraine vay toàn bộ tài sản bị đóng băng của ngân hàng trung ương Nga ở lãnh thổ Anh. Theo ông Cameron, khoản vay này sẽ được thực hiện trên giả định là Nga sẽ buộc phải trả tiền bồi thường cho Ukraine khi chiến sự kết thúc.

Theo ông, số tài sản của Nga đang bị đóng băng tại Anh sẽ được sử dụng làm "vật bảo đảm" cho việc thanh toán tiền bồi thường của Nga sau này.

Phương án này được xem là quyết liệt hơn những đề xuất được thảo luận ở Liên minh châu Âu về việc Ukraine sẽ chỉ được nhận những khoản tiền lãi từ tài sản của ngân hàng trung ương Nga mà phương Tây nắm giữ. Khoản tiền lãi hàng năm ước tính khoảng 4 tỷ USD.

"Chúng ta có cơ hội sử dụng tài sản bị đóng băng của Nga làm vật đảm bảo để chuyển số tiền đó cho người Ukraine vì chúng tôi sẽ thu lại số tiền đó khi Nga bồi thường cho cuộc chiến. Đó có thể là một phương án hiệu quả để thực thi", ông nói.

Ông Cameron cho rằng ông không nghĩ kế hoạch cho vay trên sẽ làm tổn hại đến danh tiếng của trung tâm tài chính London dưới bất kỳ hình thức nào.

Theo Guardian, kế hoạch này nếu được thông qua sẽ giúp ích cho Ukraine khi đề xuất viện trợ cho Ukraine tiếp tục bị kẹt ở quốc hội Mỹ do bất đồng quan điểm giữa phe Dân chủ và Cộng hòa.

G7 đã tranh luận trong hơn một năm về việc chuyển tài sản của Nga bị đóng băng cho Ukraine. Quan ngại chính của khối này là hậu quả của việc tịch thu tiền của Nga sẽ làm ảnh hưởng đến uy tín của phương Tây và làm suy giảm niềm tin vào hệ thống tài chính quốc tế.

Phương Tây đang cân nhắc các phương án để hợp thức hóa việc tịch thu tài sản của Nga mà không làm tổn hại tới họ.

Cuối năm ngoái, Nga cảnh báo đã lên sẵn danh sách các tài sản của phương Tây có thể tịch thu nếu G7 quyết định tịch thu 300 tỷ USD tài sản đóng băng của Nga.

"Khi họ (phương Tây) bắt đầu áp dụng các biện pháp trừng phạt kinh tế chưa từng có đối với chúng tôi, họ không hề nghĩ đến hiệu ứng boomerang, nhưng bây giờ điều đó là hiển nhiên", người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov khi đó cho biết.

Ông Peskov cảnh báo, một động thái như vậy của phương Tây sẽ bị coi là vi phạm luật pháp quốc tế và làm suy yếu hệ thống tài chính cũng như kinh tế toàn cầu.

Một nghiên cứu mới của Ngân hàng Thế giới, Liên Hợp Quốc, Ủy ban Châu Âu và chính phủ Ukraine hồi tháng trước cho thấy, việc tái thiết lại nền kinh tế Ukraine sau chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga dự kiến sẽ tiêu tốn 486 tỷ USD.

Ukraine đã hứng chịu thiệt hại khổng lồ trong gần 2 năm qua: Khoảng 2 triệu đơn vị nhà ở - 10% tổng số nhà ở của Ukraine - bị hư hỏng hoặc bị phá hủy, cũng như 8.400km đường cao tốc, đường cao tốc và các quốc lộ khác và gần 300 cây cầu bị phá hủy.

Báo cáo nêu ra Ukraine cần khoảng 15 tỷ USD để trang trải cho việc sửa chữa, phục hồi và tái thiết khẩn cấp nhất vào năm 2024, trong đó khoảng 5,5 tỷ USD đã được đáp ứng thông qua ngân sách nhà nước và hỗ trợ của các nhà tài trợ.

Theo Guardian
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine