1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Ấn Độ, Pakistan chưa dịu giọng bất chấp nỗ lực của Mỹ

(Dân trí) - Ngoại trưởng Mỹ Rice hôm qua đến Ấn Độ với mục tiêu rất rõ ràng là nhằm làm dịu căng thẳng trong quan hệ Pakistan - Ấn Độ sau vụ khủng bố ở Mumbai. Nhưng nỗ lực hoá giải của bà xem ra chưa mang lại động thái tích cực nào từ cả hai phía.

Trong khi quan hệ giữa Ấn Độ và Pakistan có chiều hướng ngày càng căng thẳng, Ngoại trưởng Mỹ Condoleezza Rice đã kêu gọi Islamabad chứng tỏ quyết tâm và tham gia nỗ lực của quốc tế nhằm truy tìm thủ phạm vụ tấn công khủng bố ở Mumbai. Theo một viên chức cao cấp trong bộ ngoại giao Mỹ, trong chuyến ngoại giao lần này, bà Rice sẽ gây sức ép lên cả hai chính quyền Ấn Độ và Pakistan để hai nước cùng tạm gạt qua một bên những mối hiềm khích truyền thống, cùng nhau hợp tác chống khủng bố.

 

Phát biểu với báo giới trước khi gặp Thủ tướng Manmohan Singh, bà Rice đã hướng thông điệp của bà vào Islamabad. Bà nói: “Chúng ta phải hành động một cách khẩn trương. Chúng ta phải hành động một cách quyết liệt. Và tôi đã nói rằng Pakistan cần phải hành động quyết liệt, khẩn trương và hợp tác đầy đủ, minh bạch”.

 

Bà Rice nhấn mạnh rằng thông điệp này sẽ được chuyển một lần nữa cho Pakistan. Dự kiến, bà sẽ đáp máy bay đi Islamabad ngày hôm nay trong khuôn khổ hành trình đã được điều chỉnh để có thể ghé qua Nam Á trên đường từ Châu Âu về nước.

 

Nhưng trong cuộc họp báo chung tổ chức sau cuộc gặp cấp ngoại trưởng song phương, Ngoại trưởng Ấn Độ Pranab Mukherjee nhấn mạnh mọi lựa chọn đều để ngỏ trong giải quyết vấn đề với Pakistan. Ông này một lần nữa khẳng định: “Không còn nghi ngờ gì nữa, những kẻ khủng bố đã đến từ Pakistan và được sự phối hợp của Pakistan. Mọi hành động của Ấn Độ phụ thuộc phản ứng mà chúng tôi nhận được từ Pakistan”.

 

Cảnh sát Ấn Độ hôm qua đã phát hiện và vô hiệu hoá khối thuốc nổ ở một nhà ga chính của thành phố Mumbai, được cho là do chính những tên khủng bố tấn công thành phố tuần trước để lại.

Ngay trước đó, Tổng thống Pakistan Asif Ali Zardari tuyên bố ông sẽ không giao cho Ấn Độ 20 nghi can là các phần tử tranh đấu bị Ấn Độ truy nã sau khi xảy ra các vụ tấn công tại Mumbai. Ông Zardari nhấn mạnh rằng Ấn Độ chưa cung cấp cho Pakistan bất cứ một bằng chứng nào cho thấy các nghi can có can dự vào vụ tấn công. Nhưng ông Zardari cũng cho biết dù Ấn Độ có đưa ra bằng chứng, ông cũng không dẫn độ các nghi can theo yêu cầu của như Ấn Độ.

 

Mỹ và các quốc gia khác lo ngại rằng vụ tấn công có thể phá tan tiến trình hòa bình giữa Ấn Độ và Pakistan đã được xúc tiến trong những năm gần đây. Nhưng nhiều nhà bình luận cho rằng thực ra Mỹ đang lo ngại quan hệ căng thẳng giữa hai nước láng giềng có sở hữu vũ khí hạt nhân này sẽ ảnh hưởng đến chiến lược chống khủng bố của chính quyền mới ở Washington.

 

Một số nhân vật Mỹ nổi tiếng đã đến Ấn Độ để mở các cuộc đàm phán với các giới chức của Ấn Độ và Pakistan. Trong số này có 3 nghị sĩ kỳ cựu và trưởng Ban tham mưu Liên quân Mỹ, Đô đốc Mike Mullen.

Nhật Mai

Theo Reuters