1. Dòng sự kiện:
  2. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt
  3. Chính quyền Trump 2.0
  4. Chiến sự Nga - Ukraine

Ai đứng sau “cơn địa chấn” Hồ sơ Panama?

(Dân trí) - Chính trường thế giới rúng động sau khi 11,5 triệu chứng từ thuế bí mật phanh phui các thương vụ làm ăn ngầm bị cho là rửa tiền và trốn thuế liên quan đến nhiều nhân vật quyền lực trến thế giới. Tuy nhiên, một câu hỏi đặt ra là ai đứng đằng sau cơn địa chấn này và nhằm mục đích gì.


(Ảnh: Getty)

(Ảnh: Getty)

Thế giới cuối tuần qua đã chấn động với vụ 11,5 triệu chứng từ thuế của công ty luật Mossack Fonseca (Panama) hay còn gọi là “Hồ sơ Panama” bị tiết lộ. Những tài liệu này đã chỉ đích danh những nhân vật quyền lực liên quan đến các hoạt động rửa tiền, trốn thuế.

Trong số này có khoảng 140 chính khách, trong đó có 12 nguyên thủ và cựu nguyên thủ từ nhiều nước khác nhau trên thế giới, cùng với không ít những nhân vật nổi tiếng trong giới giải trí, doanh nhân…

Những tên tuổi lớn bị liệt vào danh sách này có cộng sự của Tổng thống Nga Vladimir Putin, thân nhân của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Thủ tướng Iceland Sigmundur Gunnlaugsson, gia đình Thủ tướng Pakistan Nawaz Sharif, gia đình và cộng sự của cựu tổng thống Ai Cập Hosni Mubarak, cựu lãnh đạo Libya Muammar Gaddafi, Tổng thống Syria Bashar al-Assad…

Tuy nhiên, ngay sau khi các tài liệu được công bố, câu hỏi được đưa ra trên nhiều diễn đàn rằng tại sao không có lãnh đạo phương Tây nào nằm trong danh sách này ngoại trừ Iceland.

Sự "vắng bóng" của truyền thông Mỹ


(Ảnh minh họa: BBC)

(Ảnh minh họa: BBC)

Được biết 11,5 triệu tài liệu này là các chứng từ thu thập được trong khoảng thời gian từ những năm 1970 đến tháng 12/2015 và được hơn 370 phóng viên từ hơn 70 quốc gia khác nhau điều tra, thẩm định. Tài liệu sau đó được cung cấp cho hơn 100 hãng truyền thông trên thế giới.

Một bài bình luận trên báo Fortune đã đặt ra một câu hỏi là tại sao trong số hơn 100 đối tác truyền thông được hợp tác công bố thông tin chỉ có rất ít hãng truyền thông của Mỹ cụ thể là Miami HeraldCharlotte Observer, trong khi lại vắng mặt hoàn toàn những tên tuổi lớn như New York Times, Washington Post hay Wall Street Journal.

Liên đoàn nhà báo điều tra quốc tế (ICIJ) cũng không bình luận việc tại sao chỉ lựa chọn một số hãng truyền thông nhất định để hợp tác công bố thông tin. Trả lời phỏng vấn trang Mashable, Phó giám đốc ICIJ Marina Walker nói rằng một số hãng hãng truyền thông của Mỹ không được mời tham dự bởi "sự cởi mở sẵn sàng là hết sức cần thiết", song bà nhấn mạnh không loại trừ khả năng hợp tác với New York Times hay Washington Post.

Những cuộc trao đổi được mã hóa


(Ảnh minh họa: Mashable)

(Ảnh minh họa: Mashable)

Hiện không rõ ai trực tiếp đứng sau vụ rò rỉ gây chấn động này. Tuy nhiên ICIJ cho biết, vụ rò rỉ này bắt đầu từ năm 2014 khi nhật báo Đức Suddeutsche Zeitung nhận được các chứng từ này từ một nguồn giấu tên và sau đó đã chia sẻ với truyền thông toàn cầu qua ICIJ. Nguồn tin này được cho là đã liên hệ với phóng viên Bastian Oberway của báo Suddeutsche Zeitung thông qua cuộc chat hội thoại được mã hóa. Tuy nhiên, nguồn tin (không rõ nam hay nữ) cảnh báo điều này sẽ nguy hiểm đến tính mạng của của anh ta/cô ta, do đó chỉ đồng ý trao đổi qua các kênh được mã hóa và từ chối gặp trực tiếp. Phóng viên Obermayer cho biết thêm, anh đã phải liên hệ với nguồn tin nói trên qua nhiều kênh khác nhau và phải thay đổi liên tục, sau mỗi lần trao đổi phải xóa toàn bộ lịch sử hội thoại.

Phóng viên Obermayer khi đó đặt câu hỏi: “Dữ liệu bạn muốn chia sẻ có nhiều không?”. Nguồn tin đáp lại: “Nhiều hơn những gì bạn thấy từ trước đến giờ”. Thực tế, dung lượng các dữ liệu chia sẻ là khoảng 2,6 terabyte, nghĩa là gấp 100 lần dung lượng dữ liệu mật do WikiLeaks công bố, và phải 600 đĩa DVD mới chứa hết.

Trong báo cáo của Suddeutsche Zeitung, phóng viên Obermayer và các đồng sự khác tham gia vào việc công bố cho biết, nguồn tin cung cấp đã không đòi hỏi bất cứ khoản lại quả nào ngoài một số yêu cầu về đảm bảo bảo an toàn. Cho đến nay, Obermayer cho biết anh vẫn không biết danh tính thực sự của người cung cấp thông tin, nhưng có cảm giác rằng anh biết người này. “Ở một số thời điểm tôi nói chuyện với người này thậm chí còn thân thiết hơn chính vợ mình”, Obermayer chia sẻ.

Trong khi hiện chưa rõ ai đứng sau vụ rò rỉ và mục đích là gì, thì việc tiết lộ các chứng từ mật này đã tạo ra một cơn địa chấn toàn cầu khi chính phủ nhiều nước bắt đầu cuộc điều tra quy mô lớn nhằm xác định thông tin.

Về phía Nga, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói rằng, việc tiết lộ các tài liệu có tên Hồ sơ Panama này chủ yếu nhằm hạ thấp uy tín của Tổng thống Vladimir Putin. “Không có chi tiết nào mới về cá nhân ông Putin, chỉ toàn là sự bịa đặt, phỏng đoán”, người phát ngôn của Tổng thống Putin phát biểu và nhấn mạnh thêm rằng Kremlin do đó không có nghĩa vụ phải giải trình bất cứ điều gì.

Ông Peskov cũng nói rằng, các phóng viên điều tra các tài liệu mật bị rò rỉ thuộc Liên đoàn nhà báo điều tra quốc tế (ICIJ) thực tế bao gồm cả các cựu quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ, nhân viên CIA và các đặc vụ khác của Mỹ.

Trong vụ rò rỉ được cho là lớn nhất trong lịch sử, 11,5 triệu chứng từ thuế của công ty Mossack Fonseca đã bị công bố rộng rãi trên các phương tiện truyền thông quốc tế cuối tuần qua. Các tài liệu này tố cáo hoạt động rửa tiền và trốn thuế liên quan đến nhiều nhân vật quyền lực trên thế giới, trong đó có 72 lãnh đạo và cựu lãnh đạo của các quốc gia, các ngôi sao thể thao; tỷ phú.... Những tài liệu này được thu thập từ 40 năm qua, trong giai đoạn từ 1977 tới cuối 2015 và liên quan tới khoảng 214.000 tổ chức doanh nghiệp tại nước ngoài.

Mossack Fonseca là một công ty luật có trụ sở tại Panama, với văn phòng đại diện và hơn 600 nhân viên làm việc tại 42 quốc gia trên thế giới. Hiện tại các hoạt động chính của Mossack Fonseca là tại những “thiên đường thuế” như Thụy Sĩ, đảo Síp, vùng lãnh thổ Virgin Islands thuộc Anh, Panama.

Mossack Fonseca là nhà cung cấp dịch vụ pháp lý kinh tế lớn thứ 4 trên thế giới, với hơn 300.000 khách hàng. Trong đó có rất nhiều những người quyền lực, là các chính trị gia và nhiều tỷ phú.

Công ty được thành lập vào năm 1977, bởi Jurgen Mossack và Ramon Fonseca. Công ty này chuyên cung cấp các dịch vụ pháp lý cho các công ty và tập đoàn ở nước ngoài. Các dịch vụ bao gồm tư vấn luật thương mại, dịch vụ ủy thác, tư vấn đầu tư và quản lý tài sản.

Tuy nhiên hoạt động của công ty luật này khá mờ ám, trước vụ rò rỉ cuối tuần qua, Mossack Fonseca từng bị cáo buộc giúp các công dân nước ngoài lách luật thuế khi sinh sống tại Panama.

Minh Phương

Tổng hợp