1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

7.000 quân NATO tập trận rầm rộ sát Nga

Thành Đạt

(Dân trí) - NATO đã khởi động cuộc tập trận hải quân kéo dài gần 2 tuần do Mỹ dẫn đầu trên Biển Baltic với sự tham gia của 16 nước.

7.000 quân NATO tập trận rầm rộ sát Nga - 1

16 nước cử lực lượng tham gia tập trận BALTOPS 22 của NATO, bắt đầu từ 5/6 (Ảnh: Twitter).

NATO đã khởi động cuộc tập trận hải quân kéo dài gần 2 tuần do Mỹ dẫn đầu trên Biển Baltic vào ngày 5/6 với sự tham gia của hơn 7.000 thủy thủ, lực lượng không quân và lính thủy đánh bộ từ 16 quốc gia, trong đó có 2 nước đang mong muốn gia nhập NATO là Phần Lan và Thụy Điển.

Theo AP, cuộc tập trận hải quân BALTOPS thường niên, bắt đầu từ năm 1972, không được tổ chức để đối phó với bất kỳ mối đe dọa cụ thể nào. Tuy nhiên, NATO cho rằng "với sự tham gia của Thụy Điển và Phần Lan, liên minh quân sự này đang nắm bắt cơ hội trong một thế giới khó đoán để tăng cường khả năng phục hồi và sức mạnh của lực lượng phối hợp" cùng với 2 quốc gia Bắc Âu.

Trước khi cuộc tập trận diễn ra với sự tham gia của 45 tàu và 75 máy bay, tại Thụy Điển, nước chủ trì cuộc tập trận BALTOPS 22, quan chức quân sự hàng đầu của Mỹ cho biết việc NATO thể hiện sự ủng hộ đối với các chính phủ ở Helsinki và Stockholm là đặc biệt quan trọng.

"Điều quan trọng đối với chúng tôi, Mỹ và các nước NATO khác là thể hiện tình đoàn kết với cả Phần Lan và Thụy Điển trong cuộc tập trận này", Tướng Mark Milley, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, cho biết hôm 4/6 trong một cuộc họp báo trên tàu tác chiến đổ bộ USS Kearsarge ở Stockholm.

Theo ông Milley, từ quan điểm của Moscow, việc Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO sẽ là "vấn đề rất lớn", khiến Nga rơi vào tình thế khó khăn về quân sự vì đường bờ biển Baltic sẽ gần như bị bao vây hoàn toàn bởi các thành viên NATO, ngoại trừ Kaliningrad, St.Petersburg và các khu vực lân cận của Nga.

7.000 quân NATO tập trận rầm rộ sát Nga - 2

Bản đồ khu vực biển Baltic (Ảnh: Wikipedia).

Phần Lan và Thụy Điển hồi tháng 5 đã chính thức nộp đơn gia nhập NATO. Để gia nhập NATO, Phần Lan và Thụy Điển cần sự chấp thuận của toàn bộ 30 thành viên liên minh. Phần Lan và Thụy Điển là hai quốc gia trung lập từ hàng chục thậm chí hàng trăm năm qua. Tuy nhiên, giới chức hai nước này bắt đầu xem xét lại chính sách an ninh sau khi Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine từ cuối tháng 2. 

Các thăm dò dư luận gần đây cho thấy, đa số người dân Phần Lan và Thụy Điển ủng hộ kế hoạch gia nhập NATO. Ngược lại, Nga coi đây là "sai lầm có thể kéo theo hậu quả nghiêm trọng". Moscow cảnh báo sẽ đáp trả nếu hai nước gia nhập liên minh do Mỹ dẫn dắt.

Tập trận BALTOPS 22 dự kiến kết thúc tại cảng Kiel của Đức vào ngày 17/6. Các quốc gia tham gia bao gồm Bỉ, Bulgaria, Đan Mạch, Estonia, Phần Lan, Pháp, Đức, Latvia, Lithuania, Hà Lan, Na Uy, Ba Lan, Thụy Điển, Thổ Nhĩ Kỳ, Mỹ và Anh.

Cuộc tập trận diễn ra trong bối cảnh quan hệ giữa phương Tây và Nga leo thang căng thẳng, đặc biệt sau khi Moscow mở chiến dịch quân sự ở Ukraine. Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cảnh báo, các đồng minh nên sẵn sàng cho kịch bản xung đột Nga - Ukraine kéo dài. NATO không cử lực lượng tham chiến ở Ukraine, song tuyên bố sẵn sàng viện trợ quân sự giúp Kiev đối phó chiến dịch của Moscow.

Theo Guardian
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine