3.000 phóng viên đưa tin cuộc gặp lịch sử Hàn - Triều
(Dân trí) - Lần đầu tiên trong lịch sử, các phóng viên nước ngoài sẽ được phép tham dự và đưa tin trực tiếp về các hoạt động trong khuôn khổ hội nghị thượng đỉnh giữa Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un vào ngày mai 27/4.
Báo chí nước ngoài lần đầu được phép đưa tin trực tiếp
Theo Korea Times, lần đầu tiên trong lịch sử, phóng viên từ các cơ quan báo chí nước ngoài được phép tham dự hội nghị thượng đỉnh giữa Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, dự kiến diễn ra vào ngày mai 27/4 tại làng đình chiến Panmunjeom ở khu phi quân sự liên Triều. Tại hai hội nghị thượng đỉnh liên Triều trước đó vào các năm 2000 và 2007 ở thủ đô Bình Nhưỡng, Triều Tiên không cho phép các phóng viên nước ngoài tới đưa tin.
Theo đó, các báo Bloomberg của Mỹ, Tân Hoa Xã của Trung Quốc, Reuters của Anh, Kyodo và Jiji Press của Nhật Bản sẽ là những cơ quan truyền thông nước ngoài có cơ hội đưa tin trực tiếp về sự kiện lịch sử này. Cùng với phóng viên của các hãng truyền thông Hàn Quốc, các phóng viên nước ngoài sẽ tham dự và đưa tin về các sự kiện trong khuôn khổ hội nghị thượng đỉnh, gồm cuộc hội đàm giữa Tổng thống Moon Jae-in và nhà lãnh đạo Kim Jong-un, lễ đón tiếp ông Kim Jong-un tại Nhà Tự do cùng bữa trưa và bữa tối của hai nhà lãnh đạo tại Nhà Hòa bình.
Theo Ủy ban hậu cần thượng đỉnh liên Triều thuộc Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc, tính đến ngày 24/4, đã có 1.981 phóng viên từ 176 cơ quan báo chí của Hàn Quốc và 869 phóng viên từ 184 cơ quan báo chí của 40 nước, trong đó có CNN, BBC, CCTV, NHK, đã đăng ký tác nghiệp tại trung tâm báo chí. Các hãng thông tấn lớn như AP, AFP hay UPI cũng đều đăng ký cử phóng viên đưa tin về hội nghị thượng đỉnh liên Triều lần này. Đây cũng là lần đầu tiên chính phủ Hàn Quốc đón tiếp các đoàn phóng viên với số lượng lớn như vậy để đưa tin về một sự kiện quốc tế.
Nhật Bản là nước cử phóng viên đông nhất, lên tới 366 người thuộc 25 cơ quan báo chí, trong khi 28 cơ quan báo chí Mỹ cử 141 người còn Trung Quốc cử 81 phóng viên từ 21 đơn vị. Các vị trí tiếp theo thuộc về Đài Loan, Anh và Hong Kong, mỗi bên cử lần lượt 48, 47 và 35 phóng viên. 15 nước cử phóng viên lần đầu tiên đưa tin về hội nghị thượng đỉnh liên Triều, trong đó có Áo, Thái Lan, Ấn Độ, Bulgaria, Cameron.
3.000 phóng viên
Hoạt động tác nghiệp báo chí tại làng đình chiến Panmunjeom có thể sẽ gặp khó khăn do số lượng lớn phóng viên cùng tới khu vực này một lúc trong khi không gian bị hạn chế. Do vậy, các phóng viên nước ngoài khác muốn đưa tin về hội nghị thượng đỉnh liên Triều lần này cũng có thể tác nghiệp tại trung tâm báo chí chính đặt tại Trung tâm Triển lãm Quốc tế Hàn Quốc (KINTEX) ở Goyang thuộc tỉnh Gyeonggi. Trung tâm này đã mở cửa từ chiều qua và có thể đón tiếp gần 3.000 phóng viên.
Để tạo điều kiện tốt nhất cho các phóng viên đưa tin về sự kiện chính trị quan trọng nhất trên bán đảo Triều Tiên trong vòng một thập niên qua, KINTEX đã đầu tư các trang thiết bị hiện đại, hỗ trợ các phóng viên sử dụng các ngôn ngữ và phương tiện khác nhau trong quá trình tác nghiệp.
KINTEX đã chuẩn bị 1.000 chỗ ngồi chia thành 13 hàng ghế cho các phóng viên sử dụng máy tính. Đối với các phóng viên truyền hình, họ có thể tác nghiệp trong 20 bốt được trang bị cáp nối và ghế. Ngoài ra, KINTEX vẫn có không gian phụ và ghế trống dành sẵn cho các phóng viên phát sinh. KINTEX cũng bố trí phòng phiên dịch và biên dịch, thậm chí cả phòng cầu nguyện cho các phóng viên theo đạo Hồi và la bàn để giúp họ xác định phương hướng khi cầu nguyện.
Thành Đạt
Theo Korea Times