1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

2.500 người chết mỗi ngày, Covid-19 tàn phá Ấn Độ "như Thế chiến 2"

Thành Đạt

(Dân trí) - Bác sĩ Ấn Độ mô tả làn sóng dịch Covid-19 mới tại nước này như "Chiến tranh thế giới thứ hai" khi số ca tử vong lên tới 2.500 người mỗi ngày.

Lò hỏa táng "đỏ lửa" suốt ngày đêm tại Ấn Độ
2.500 người chết mỗi ngày, Covid-19 tàn phá Ấn Độ như Thế chiến 2 - 1

Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân Covid-19 tới bệnh viên ở New Delhi ngày 24/4 (Ảnh: Reuters).

Tại Rajkot, một thị trấn nhỏ ở bang Gujarat, Ấn Độ, một tờ báo địa phương đã dành 8 trong số 20 trang để đăng cáo phó của 285 người tử vong vì Covid-19 vào tuần trước.

"Ba người trong số họ là bệnh nhân của tôi", bác sĩ Vivek Jivani, chuyên gia chăm sóc đặc biệt tại một bệnh viện tư nhân ở Rajkot, một trong những thị trấn bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong đợt dịch Covid-19 thứ hai tại Ấn Độ, cho biết.

Để chống chọi với cảm giác bất lực và lo lắng, Jivani đã dành thời gian để cầu nguyện 10 phút mỗi sáng.

"Mọi người chết vì những tình huống mà tôi không thể kiểm soát, nhưng mỗi khi có bệnh nhân qua đời, tôi lại tự nhủ rằng, hãy cố gắng hơn nữa vì người tiếp theo", bác sĩ Jivani, 30 tuổi, nói trong giờ nghỉ trưa.

Khi phóng viên của Straits Times nói chuyện với các nhân viên y tế trên khắp Ấn Độ, những người đang chứng kiến và chống chọi với đợt Covid-19 tàn khốc thứ hai, những biểu cảm liên tục xuất hiện là: choáng ngợp, tức giận, buồn ngủ, đói, kiệt sức, sợ hãi, tê liệt, bất lực và hơn hết, mệt mỏi.

Bác sĩ Jalil Parkar tại Bệnh viện Lilavati ở Mumbai cho biết không giống như đợt dịch đầu tiên, các bác sĩ hiện đã quen với bản chất của Covid-19. Tuy nhiên, lần này, bác sĩ Jalil Parkar nói rằng "khối lượng công việc khổng lồ, sự gia tăng đột biến của các ca nhiễm, nỗi sợ hãi khủng khiếp bủa vây xung quanh và nguồn lực hạn chế của chính chúng ta đang giết chết chúng ta".

Ông gọi làn sóng dịch bệnh thứ hai này là "Chiến tranh thế giới thứ hai" - nó thậm chí còn nguy hiểm hơn so với lần đầu tiên.

Khi các ca nhiễm giảm xuống vào tháng 12 năm ngoái, các chính trị gia, người dân và nhân viên y tế tại Ấn Độ đã chủ quan và cho phép mình thảnh thơi. Từ bỏ khẩu trang và giãn cách xã hội, tụ tập chính trị, tổ chức những lễ hội tôn giáo kéo dài hàng tháng và đám cưới xa hoa. Tiến sĩ Parkar cho biết chính những "ổ dịch" này đã khiến vi rút hoành hành khắp đất nước.

Theo Reuters, Ấn Độ hiện ghi nhận khoảng 347.000 ca nhiễm mới mỗi ngày. Hệ thống y tế vốn đã quá tải nay đứng trên bờ vực sụp đổ. Mỗi ngày trôi qua, Ấn Độ có hơn 2.500 người tử vong vì Covid-19.

Tính đến nay, Ấn Độ ghi nhận gần 17 triệu ca mắc Covid-19, trong đó có hơn 192.000 ca tử vong. Quốc gia Nam Á hiện là tâm dịch lớn thứ 2 thế giới, chỉ sau Mỹ.

Thủ đô New Delhi của Ấn Độ là khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất, ghi nhận 24.331 ca nhiễm và 348 trường hợp tử vong hôm 23/4. Các bệnh nhân và người thân của họ đang phải tranh giành giường bệnh và thuốc men.

Y bác sĩ quay cuồng chống dịch

2.500 người chết mỗi ngày, Covid-19 tàn phá Ấn Độ như Thế chiến 2 - 2

Thi thể các bệnh nhân Covid-19 được hỏa táng tập thể tại New Delhi, Ấn Độ ngày 24/4 (Ảnh: Reuters).

Tại Bệnh viện Indraprastha Apollo ở New Delhi, S. Chatterjee, một bác sĩ nội khoa, cho biết ông cảm thấy kiệt quệ cả về thể chất lẫn tinh thần. Bác sĩ Chatterjee, 56 tuổi, làm việc trung bình 18 giờ một ngày.

Ông có 90 bệnh nhân Covid-19 đang được điều trị và hàng loạt người khác cần tư vấn trực tuyến, khiến bác sĩ không có thời gian ngủ hoặc ăn. 4 tiếng đồng hồ là số giờ ông ngủ nhiều nhất mỗi ngày trong 10 ngày qua.

"New Delhi là nơi có cơ sở hạ tầng tốt nhất rồi. Nhưng để nghĩ rằng New Delhi có thể vượt qua đợt dịch này là điều khó tin", bác sĩ Chatterjee nói.

Suốt một tuần qua, bác sĩ Jivani ở Rajkot cũng quay cuồng với "200 đến 300 cuộc gọi mỗi ngày" để hỏi về việc có sẵn giường bệnh hoặc nơi lấy remdesivir, một loại thuốc chống vi rút được sử dụng để điều trị cho những bệnh nhân Covid-19 nguy kịch. Loại thuốc này hiện rất khan hiếm và đang được bán với giá gấp 6 lần giá gốc trên thị trường chợ đen.

Trong đợt dịch đầu tiên, các nhân viên y tế còn lo lắng về việc nhiễm vi rút, nhưng lần này, họ phải vật lộn để đưa ra phương pháp điều trị tốt nhất dưới những thách thức chưa từng có.

Do nguồn dự trữ ôxy đang cạn kiệt, Rajendra Prasad, bác sĩ phẫu thuật thần kinh và cột sống tại Bệnh viện Indraprastha Apollo ở New Delhi, cho biết các bác sĩ phải đối mặt với lựa chọn khó khăn là quyết định xem bệnh nhân nguy kịch nào cần nhiều ôxy hơn.

"Những trường hợp nào cần ưu tiên? Ai là người nguy kịch và ai là người được tiên lượng xấu? Chúng tôi chưa từng phải đối mặt với những tình huống như vậy trong sự nghiệp của mình", ông Prasad nói.

Ngay cả những người từng trải qua những ngày tháng như chiến tranh cũng cảm thấy rằng, họ chưa được chuẩn bị sẵn sàng cho đại dịch lần này.

ReshmaTewari, người đứng đầu bộ phận điều trị nguy kịch tại Bệnh viện Artemis ở Gurgaon, và từng làm việc trong một bệnh viện quân đội vào năm 1999 khi Ấn Độ xung đột với Pakistan ở Kashmir, cho biết: "Đã có rất nhiều thương vong vào thời điểm đó... Bây giờ các bệnh viện cũng trong tình huống (giống chiến tranh) như vậy".

Mỗi sáng, bác sĩ Reshma và các bác sĩ khác phải kiểm tra lượng ôxy để đảm bảo cung cấp đủ cho các bệnh nhân.

Bác sĩ Reshma nói rằng với 30 năm kinh nghiệm, bà không phải là người "dễ chán nản".

"Nhưng tôi đang cảm thấy không đủ sức. Tôi có thể chiến đấu trên một mặt trận, nhưng rất khó để chiến đấu trên hai mặt trận", nữ bác sĩ nói thêm.

Đối mặt với làn sóng dịch mới, hầu hết bệnh viện chỉ tiếp nhận các bệnh nhân có các triệu chứng nghiêm trọng và có bệnh nền, trong khi chuyển những người khác về nhà. Tuy vậy, các bệnh viện ở Ấn Độ vẫn quá tải.

Hầu hết các bác sĩ cho biết họ không thể chia sẻ nỗi lo lắng hoặc sợ hãi với gia đình để bảo vệ gia đình họ. Các quy trình an toàn khiến các bác sĩ bị cô lập như chính những bệnh nhân mà họ đang điều trị.

Bệnh viện Ấn Độ quá tải vì bệnh nhân Covid-19