1. Châu Á-Trọng tâm của thế giới: Ngày nay, trọng tâm của thế giới dường như lại nghiêng sang châu Á. Chính vì vậy mà giữa tháng 11 vừa qua, đích thân Tổng thống Mỹ Barack Obama đã dành cả một tuần để công du miền đất hứa này. Chuyến thăm châu Á của Tổng thống Mỹ Barack Obama và cuộc gặp đầu tiên giữa một tổng thống Mỹ với các nhà lãnh đạo ASEAN là động thái khẳng định sự trở lại của Mỹ ở châu Á.
Nhìn lại biểu đồ tăng trưởng GDP của thế giới, gần như tất cả các mạng phân tích kinh tế đều cho rằng châu Á, nhất là vùng Đông Á, đã phát triển đến mức khiến mọi người ngạc nhiên. Gần đây, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) đều đưa ra những nhận định về sự bật dậy đáng mừng của các nền kinh tế châu Á và những dự đoán lạc quan hơn cho tình hình năm tới. Trung Quốc, Indonesia, Hàn Quốc và Singapore - 4 con hổ châu Á đã công bố tăng trưởng GDP trong quý II với mức tăng trung bình hàng năm hơn 10%. Thậm chí Nhật Bản, dù mức tăng trưởng GDP không sánh kịp với các nước trên, nhưng cũng đang phục hồi nhanh hơn so với các đối tác phương Tây của mình.
Các nhà lãnh đạo Mỹ-ASEAN
2. Cúm A/H1N1đe dọa châu Á: Mặc dù bùng phát ở Bắc bán cầu hồi tháng 4, nhưng dịch bệnh nhanh chóng lây lan mạnh. Rút kinh nghiệm từ dịch SARS năm 2003, rồi dịch cúm gia cầm sau đó một năm, ngay khi dịch cúm A/H1N1 bùng phát, châu Á đã tăng cường các biện pháp phòng chống. Tuy nhiên, diễn biến của dịch ngày càng nghiêm trọng khiến Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) phải cảnh báo nguy cơ châu Á trở thành "ổ dịch lớn" của cúm A/H1N1.
Cúm lan nhanh ở châu Á
3. Sri Lanka giải phóng khỏi LTTE: Tư lệnh quân đội Sri Lanka, Trung tướng Sarath Fonseka ngày 18/5 tuyên bố quân đội nước này đã xóa sổ hoàn toàn lực lượng phiến quân Những con Hổ giải phóng Tamil (LTTE), thống nhất đất nước vốn bị chia cắt bởi cuộc chiến ly khai kéo dài 25 năm qua.
Người dân Sri Lanka mừng chiến thắng
4. Triều Tiên thử hạt nhân lần 2 vào ngày 25/5, tiếp theo đó là loạt vụ tên lửa, đơn phương hủy bỏ tất cả các hiệp định ngừng đối đầu chính trị, quân sự với Hàn Quốc. Tuy nhiên, đến tháng 8, hai tuần sau ngày tiếp đón cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton và trả tự do cho hai nhà báo Mỹ bị giam về tội xâm nhập lãnh thổ bất hợp pháp,Triều Tiên phát tín hiệu hòa giải với Mỹ.
Vụ thử thứ 2 được cho là mạnh hơn nhiều vụ thử đầu tiên năm 2006
5. Khủng hoảng ở Iran: Bùng nổ sau cuộc bầu cử tổng thống ngày 12/6, khiến dư luận thế giới hết sức quan tâm, làm trầm trọng thêm quan hệ giữa Iran với phương Tây – vốn đang lo ngại về chương trình hạt nhân của nước này. Tehran cáo buộc Mỹ và Anh đứng sau các cuộc nổi dậy phản đối kết quả bầu cử, dọa bắt giữ các nhân viên sứ quán Anh. Ngày 29/6, kết quả chính chính thức xác nhận Mahmoud Ahmadinejad là người chiến thắng.
Bạo loạn đã nổ ra
6. Afghanistan đang ở thời điểm thử thách: Bầu cử tổng thống tại đây ngày 20/8 bị coi là gian lận trên quy mô lớn, dẫn đến khủng hoảng chính trị rất nghiêm trọng, đặt Afghanistan bên bờ vực của bạo lực và đổ máu và đặt Tổng thống Mỹ Barack Obama trong 2 gọng kìm áp lực: một mặt từ phía công luận không ủng hộ việc Mỹ can thiệp vào Afghanistan; mặt khác phía quân đội lại muốn chi viện ít nhất 40.000 binh sỹ Mỹ cho địa bàn này. Ngày 1/12, Obama tuyên bố chiến lược mới liên quan đến chiến trường Afghanistan, theo đó sẽ gửi thêm 30.000 quân đến vùng chiến này.
Hamid Karzai tái cử sau nhiều tranh cãi
7. Chiến thắng vang dội của đảng Dân chủ Nhật Bản (DPJ) trong cuộc tổng tuyển cử ngày 30/8 sau hơn 50 năm gần như cầm quyền liên tục của đảng Dân chủ Tự do (LDP). DPJ đã cam kết tăng cường các hoạt động ngoại giao với các nước châu Á, trong đó có Trung Quốc, và xây dựng một mối quan hệ Nhật-Mỹ "bình đẳng" hơn. Ngày 16/9, Chủ tịch DPJ Yukio Hatoyama được bầu làm thủ tướng mới.
Ông Hatoyama trở thành thủ tướng thứ 93 ở Nhật Bản
8. Động đất liên tiếp ở Indonesia đã làm hơn 1.100 người thiệt mạng: Hai trận động đất 7,6 độ richter và 7 độ richter xảy ra liên tiếp trong hai ngày 30/9 và 1/10 đã làm rung chuyển đảo Sumatra của Indonesia. Người đứng đầu Trung tâm khủng hoảng Bộ Y tế Indonesia Rustam Pakaya nói: “Ít nhất hơn 1.100 người thiệt mạng... bởi có quá nhiều tòa nhà và các căn hộ đã bị phá huỷ".
Khu vực ảnh hưởng nặng nhất là Padang
9. Quan hệ Thái Lan - Campuchia: Vốn căng thẳng do tranh chấp biên giới quanh đền Preah Vihear từ năm ngoái, đến tháng 10 vừa qua lại “lời tiếng” sau việc Campuchia bổ nhiệm cựu Thủ tướng Thái Lan Thaksin làm cố vấn kinh tế của thủ tướng và chính phủ. Hai bên triệu hồi đại sứ của nhau về nước. Campuchia tuyên bố hủy bỏ tất cả các thỏa thuận vay tiền với Thái Lan. Tuy nhiên, thời gian gần đây, căng thẳng đã có dấu hiệu xuống thang và hai bên cam kết không để xảy ra xung đột vũ trang biên giới.
Thaksin – nguyên nhân bất đồng mới giữa hai nước
10. Cơn sóng thần từ Dubai: Cuối tháng 11, niềm phấn khởi mong manh của các nền kinh tế châu Á lại một phen chao đảo vì cơn sóng thần đột ngột từ Dubai, nơi có những ốc đảo nhân tạo và cao ốc chọc trời. Sự kiện tập đoàn địa ốc quốc gia hàng đầu Dubai World của Các Tiểu vương quốc Arập Thống nhất (UAE) xin gia hạn thanh toán nợ gần 60 tỷ USD thêm 6 tháng nữa đã làm điên đảo các thị trường chứng khoán hay Dubai làm rúng động thế giới tài chính. Giới phân tích cho rằng đây là lời cảnh tỉnh đối với thị trường trái phiếu về khoản nợ chồng chất và các chiến lược thoát khỏi cuộc khủng hoảng toàn cầu của các chính phủ.
Buji Dubai, tòa nhà cao nhất thế giới
Nguyễn Viết
Tổng hợp