Chợ cá lớn nhất TPHCM nhộn nhịp dịp cúng ông Táo
(Dân trí) - Hàng năm, cứ đến dịp cúng ông Táo, các sạp kinh doanh cá chép đỏ tại chợ đầu mối Bình Điền (TPHCM) tấp nập đóng hàng giao cho tiểu thương ở các tỉnh và nội thành.
Từ khoảng 22h, các tiểu thương đã sắp xếp hàng hóa, chuẩn bị cho một đêm bận rộn. Về đêm, không khí tại chợ đầu mối Bình Điền càng trở nên nhộn nhịp khi người dân, thương lái đổ về đây mua cá chép đỏ, loại cá được người dân coi là "phương tiện" giúp ông Công, ông Táo về trời.
Hằng năm, vào ngày 23 tháng Chạp, người dân lại nô nức chuẩn bị cho lễ tiễn ông Công, ông Táo về trời. Những con cá chép được xếp ngay ngắn trong những thùng nước lớn, có màu sắc tươi sáng, khỏe mạnh, sẵn sàng cho lễ cúng.
Hơn 1h, khung cảnh công nhân vớt cá, đóng hàng tạo nên bầu không khí nhộn nhịp tại chợ đầu mối Bình Điền. Phần lớn, các loại cá tại đây được vận chuyển từ các tỉnh miền Tây như Bến Tre, Đồng Tháp, Long An, Cà Mau... để bán cho tiểu thương.
Chợ đầu mối Bình Điền là chợ có quy mô lớn nhất Việt Nam hiện nay, với tổng diện tích 65ha, gồm 7 nhà lồng, 2 nhà kho, các bãi đậu xe và các công trình phụ trợ khác. Chợ kinh doanh chủ yếu mặt hàng thủy hải sản, thịt heo và rau củ với số lượng lớn.
Theo ghi nhận của phóng viên Dân trí, rạng sáng 22 tháng Chạp, khu hải sản trong chợ Bình Điền rực rỡ với những con cá chép đỏ, nhiều thùng lớn chứa hàng tấn cá để sẵn sàng phục vụ thị trường Tết ông Công ông Táo.
Mỗi đêm, hàng trăm tiểu thương đổ về để gom mua cá chép đỏ, sau đó phân phối lại cho các chợ dân sinh, siêu thị tại TPHCM để phục vụ người dân mua cá chép cúng ngày ông Công, ông Táo.
"Năm nào cũng vậy, tôi phải chuẩn bị từ sớm để đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Có những đêm tôi phải thức trắng để kiểm tra cá, đảm bảo chúng luôn khỏe mạnh", chị Út Na (41 tuổi, quận 8) nói.
"Việc nuôi cá vàng không chỉ đơn thuần là kinh doanh, mà còn là trách nhiệm với những linh vật mà người dân sẽ thả xuống sông, hồ. Nếu cá không khỏe, người ta sẽ lo lắng không được may mắn trong năm tới", anh Hoàng Mạnh (46 tuổi, Nha Trang) chia sẻ.
Anh Minh, tiểu thương trong chợ cho biết: "Mỗi năm, đến gần ngày lễ, tôi phải làm việc cật lực, nhưng thấy được sự hài lòng của khách hàng, tôi lại cảm thấy hạnh phúc".
Theo quan niệm dân gian, cá chép là "phương tiện" đưa ông Táo lên chầu trời báo cáo một năm qua gia chủ đã làm được những gì. Ngoài ra, cá chép còn mang ý nghĩa của sự thăng hoa, biểu tượng của tinh thần vượt khó, sự kiên trì, bền chí chinh phục tri thức để đi tới thành công.
Giá cá chép đỏ khoảng từ 100.000 đến 130.000 đồng/kg, người dân sẽ chọn lựa những con cá khỏe, bơi nhanh, có màu vàng đậm để cúng ông Công, ông Táo. Để bảo quản cá chép, các lồng cá luôn được thổi bọt khí nhằm giữ sức khỏe tốt nhất.