1. Dòng sự kiện:
  2. 20 năm Chương trình Nhân ái

Nữ điều dưỡng nghẹn ngào "Tấm lòng nhân ái tái sinh cuộc đời em"

Hương Hồng

(Dân trí) - "Nếu không được nhà hảo tâm giúp đỡ, em không có cơ hội được tiếp tục sống, tiếp tục làm nghề mình yêu thích…", nữ điều dưỡng Hà Thị Khánh Huyền đã từng mắc căn bệnh tiền ung thư máu nghẹn ngào.

Nữ điều dưỡng Hà Thị Khánh Huyền là nhân vật trong bài viết "Nữ điều dưỡng và số phận bất hạnh: Mẹ của con gái em là người đẹp nhất", đã được báo Dân trí đăng tải thông tin ngày 7/10/2021.

Hà Thị Khánh Huyền (SN 1992) đang có cuộc sống hạnh phúc, bình dị cùng người chồng Hồ Minh Hòa (SN 1990) và cô con gái nhỏ (SN 2019) tại Đồng Hới, Quảng Bình. Chị Huyền làm điều dưỡng, còn anh Hòa làm bác sĩ tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cuba.

Nữ điều dưỡng nghẹn ngào Tấm lòng nhân ái tái sinh cuộc đời em - 1

Nữ điều dưỡng đã nhiều lần ở giữa lằn ranh sinh tử (Ảnh: Hương Hồng).

Nữ điều dưỡng nghẹn ngào Tấm lòng nhân ái tái sinh cuộc đời em - 2

Nhờ sự chung tay giúp đỡ của bạn đọc Dân trí cùng sự nỗ lực cứu chữa của các y, bác sĩ, Khánh Huyền đã thoát khỏi cửa tử, trở về với gia đình (Ảnh: Gia đình cung cấp).

Tháng 8/2020, Huyền có biểu hiện mệt mỏi, nhiều lúc như kiệt sức. Một lần khi đang chăm sóc bệnh nhân, Huyền bỗng ngã vật ra ngất xỉu. Sau khi thăm khám và làm một số xét nghiệm, nhận thấy có nhiều chỉ số bất thường, bác sĩ Bệnh viện Việt Nam - Cuba khẩn cấp chuyển Huyền ra Viện Huyết học & Truyền máu Trung ương.

Bác sĩ kết luận, Huyền mắc hội chứng rối loạn sinh tủy (một dạng tiền ung thư máu), nếu như phát hiện muộn hơn sẽ trở thành ung thư máu. Cách duy nhất giúp Huyền thoát khỏi án tử, là ghép tủy.

Người chồng nghẹn ngào kể lại, khi nghe nói kinh phí ghép tủy lên đến cả tỉ đồng, vợ chồng anh như rụng rời chân tay. Cảnh vợ chồng mới xây dựng gia đình, kinh tế còn nhiều khó khăn chứ nói gì đến số tiền cả tỉ đồng tích lũy trong nhà. Lúc đó Huyền đã có ý định buông xuôi, phó mặc cuộc đời cho số phận.

Anh Hòa, cho biết ngay sau khi biết tin về vợ anh mắc bệnh hiểm nghèo, đã có rất nhiều người chung tay giúp đỡ. Một anh bạn bán cả chiếc xe máy đang đi làm được hơn 30 triệu đưa cả cho anh vay.

Có cụ cố ở quê tích lũy bao năm được 4 chỉ vàng dưỡng già, cũng gửi cho anh mượn. Cụ dặn, phải cố hết sức tìm mọi cách cứu vợ. Chị đồng nghiệp mang khoản tiền dành dụm để mua bảo hiểm cho con trai ấn vào tay anh, chị bảo việc cứu tính mạng vợ anh cấp bách hơn…

Được sự giúp sức của mọi người, ca phẫu thuật ghép tủy cứu mạng chị Huyền cũng được diễn ra.

Nữ điều dưỡng nghẹn ngào Tấm lòng nhân ái tái sinh cuộc đời em - 3

Huyền đã phải trải qua những cơn đau khủng khiếp, dồn dập khiến em kiệt sức (Ảnh: Hương Hồng).

Nhưng thật trớ trêu! 4 tháng sau ca phẫu thuật, chị Huyền bị biến chứng, đồng thời mắc hàng loạt các bệnh cơ hội như nhiễm trùng, nhiễm virus, nhiễm nấm… hệ tiêu hóa tổn thương nghiêm trọng và xuất huyết nặng nề. Nữ điều dưỡng phải quay lại phòng áp lực âm để điều trị.

"Nhìn tờ kê viện phí, nhiều đêm em không ngủ nổi, tiền phòng áp lực âm là 2,7 triệu đồng/ ngày, tiền thuốc nhắm đích là 12 triệu đồng/ngày…

Em tìm cách xoay xở khắp mọi nơi, những chỗ nào vay mượn được, nhờ cậy được mọi người cũng đã giúp hết sức rồi. Nếu không có tiền tiếp tục chữa trị vợ em chết mất…", anh Hòa nghẹn ngào.

Từ sau khi gặp biến chứng đường tiêu hóa, Huyền phải nuôi dưỡng qua đường tĩnh mạch, tiền thuốc, tiền phòng, tiền dinh dưỡng đều nằm ngoài Bảo hiểm y tế chi trả, ước tính lên đến cả tỉ đồng. Số tiền đang nợ viện phí giờ cũng gần 300 triệu đồng.

Nữ điều dưỡng nghẹn ngào Tấm lòng nhân ái tái sinh cuộc đời em - 4

Nụ cười hạnh phúc của nữ điều dưỡng khi được quay lại với công việc yêu thích, được cống hiến, chăm sóc bệnh nhân (Ảnh: Gia đình cung cấp).

 "Chỉ cần vượt qua giai đoạn này, Huyền hoàn toàn có cơ hội khỏi bệnh, em sẽ lại trở về với con, trở về với công việc chăm sóc bệnh nhân.

Nên chúng tôi rất mong các bạn đọc Dân trí dang tay cứu giúp, giúp em có cơ hội được một lần tái sinh", bác sĩ Võ Thị Thanh Bình, Trưởng khoa ghép tế bào gốc, Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương nghẹn ngào chia sẻ cùng phóng viên Dân trí lúc đó.

Ngay sau khi bài báo về nữ điều dưỡng Hà Thị Khánh Huyền được lên trang, bạn đọc Dân trí đã chung tay giúp đỡ.

Có đồng bào định cư ở nước ngoài khi về nước cũng tìm đến bệnh viện thăm chị Huyền. Có cháu bé học lớp 2 dành tiền ăn sáng bố mẹ cho gửi tặng chị.

Cùng biết bao "Tấm lòng nhân ái" từ khắp mọi nơi hỗ trợ, số tiền lên tới hơn 800 triệu đồng. Nhờ vậy Huyền được tiếp tục điều trị tích cực, 6 tháng sau, Huyền được xuất viện và nữ điều dưỡng quay trở lại với công việc yêu thích của mình tại khoa Sản, Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cuba.

Ngày đưa vợ trở về nhà, anh Hòa cho biết, nhìn lại quãng thời gian trước, có lúc anh tưởng đã mất vợ. Nay, sóng gió đã qua, căn nhà nhỏ của anh chị lại tràn ngập tiếng cười hạnh phúc…, tất cả là bởi tình yêu thương của bạn đọc Dân trí và các nhà hảo tâm, cùng sự tận tâm của các y, bác sĩ.

Nữ điều dưỡng Khánh Huyền chỉ là một trong số rất nhiều những cảnh đời, số phận đã được hỗ trợ, được cứu giúp, được tái sinh nhờ "Tấm lòng nhân ái".

Nữ điều dưỡng nghẹn ngào Tấm lòng nhân ái tái sinh cuộc đời em - 5

Nữ điều dưỡng nghẹn ngào "Tấm lòng nhân ái đã tái sinh cuộc đời em" (Ảnh: Gia đình cung cấp).

Năm 2024, kinh tế thế giới tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, hầu hết các nền kinh tế các nước đều suy giảm. Là một nền kinh tế có độ mở lớn, kinh tế Việt Nam cũng chịu ảnh hưởng nặng nề.

Nhưng chính trong lúc kinh tế khó khăn, lòng tốt của con người đã trở thành nguồn động viên mạnh mẽ giúp xoa dịu những nỗi đau.

Các câu chuyện về nghĩa cử cao đẹp, về sự tự nguyện, hy sinh và lòng nhân ái trong những thời điểm khó khăn đã minh chứng rằng trong mọi thách thức, không ai khác chính chúng ta đã khiến thế giới trở nên ấm áp hơn, yêu thương hơn thông qua sự lan tỏa của lòng tốt.

Để phục vụ bạn đọc tốt hơn, từ tháng 4/2024, báo Dân trí sẽ đổi mới nội dung và ra mắt giao diện Chuyên trang Nhân ái. Chuyên trang sẽ là nơi cập nhật các hoạt động thiện nguyện của báo Dân trí. Qua đó, các mạnh thường quân và tất cả mọi người có thể cùng theo dõi và đồng hành, cùng hành trình kết nối yêu thương ngày càng hiệu quả hơn, mở rộng hơn và lan tỏa hơn.