Tâm điểm
Bích Diệp

Xếp hàng đổi giấy phép lái xe trực tuyến

Sau Tết Nguyên đán, lượng người dân đến lấy số, xếp hàng để làm các thủ tục đổi giấy phép lái xe (GPLX) tại Phòng Quản lý phương tiện giao thông, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội (16 Cao Bá Quát, phường Điện Biên, quận Ba Đình, TP Hà Nội) tăng đột biến.

Nếu như trước đây mỗi ngày chỉ có 100-200 người dân đến đổi GPLX thì những ngày qua tăng lên đến 400-500 người/ngày.

Có thể thấy nhu cầu đến tận nơi làm thủ tục đổi GPLX rất lớn dù Hà Nội là một trong những địa phương áp dụng thí điểm đổi GPLX dịch vụ công cấp 4 trên Cổng dịch vụ công quốc gia (người dân ngồi nhà, gửi hồ sơ trực tuyến đến cơ quan giải quyết thủ tục hành chính và nhận kết quả qua bưu điện) kể từ tháng 7/2020.

Về lý thuyết thì chỉ cần lên trang web dịch vụ công quốc gia, mất vài phút đăng ký, 135.000 đồng và chờ 5 ngày làm việc là người dân sẽ có ngay GPLX mới, không phải xếp hàng, chờ đợi. Nhưng nếu tiện lợi như vậy thì vì sao vẫn có rất nhiều người rồng rắn xếp hàng? Bình quân mỗi người mất khoảng 10 phút viết đơn, gần 30 phút ngồi đợi thì để giải quyết thủ tục cho 400-500 người quả là "ngốn" thời gian khủng khiếp.

Mở rộng ra với cả nước, mỗi năm có khoảng gần 2 triệu GPLX ô tô được cấp đổi. Nếu như tất cả đều có thể tự thực hiện trên máy tính, điện thoại thì sẽ tiết kiệm được một lượng thời gian rất lớn cho xã hội và giảm tải đáng kể khối lượng công việc cho cán bộ phụ trách.

Trong số những người đến xếp hàng có những người đã lớn tuổi, chưa quen thao tác. Nhưng qua quan sát dễ thấy, cả những người trẻ tuổi, nhân viên văn phòng, thậm chí có thể coi là thành thạo công nghệ… cũng gặp khó khăn với việc đổi GPLX trực tuyến và buộc phải đến trụ sở xếp hàng, làm trực tiếp.

Xếp hàng đổi giấy phép lái xe trực tuyến - 1

Một người dân lần thứ hai ra trụ sở để chờ đổi GPLX (Ảnh: Tố Linh - Nguyễn Hải).

Theo Tổng cục Đường bộ Việt Nam, năm 2021 có 12 địa phương thí điểm. Trong đó, 8 địa phương tiếp nhận và trả được 131 giấy phép lái xe, nhiều nhất là Hải Phòng với 55, Hà Nội 34, Hà Nam 29. Bình Dương, Đồng Nai, Quảng Nam và Quảng Ninh không trả thành công hồ sơ nào.

Từ ngày 31/5/2022, toàn bộ 63 Sở Giao thông Vận tải thực hiện đổi GPLX qua dịch vụ công cấp độ 4, song việc thực hiện vẫn còn nhiều vướng mắc.

Một số người cho biết, dù đã cố gắng đổi GPLX trực tuyến nhưng ứng dụng báo lỗi liên tục. Việc phải tải file ảnh của nhiều loại giấy tờ như bằng lái xe cũ, căn cước công dân (2 mặt), giấy khám sức khỏe… không thể thực hiện được khiến nhiều người dân chán nản, gây ức chế vì tiêu tốn nhiều thời gian.

Khi đã "bó tay" không tự thực hiện, có người còn lên tận Phòng quản lý phương tiện giao thông của Sở Giao thông Vận tải giải quyết nhưng oái oăm thay, họ vẫn được yêu cầu phải đăng ký online, mất cả buổi sáng chờ dữ liệu tải lên hệ thống và kết quả là… về tay không. Quả là những tình huống cười ra nước mắt!

Câu hỏi là, với hơn 2 năm từ thí điểm đến lúc triển khai vì sao vẫn còn lúng túng? Những vướng mắc cụ thể nằm ở khâu nào và phương án tháo gỡ ra sao? Vì sao có những người thực hiện được lại có người không?

Hơn nữa, thực tế cũng cho thấy có những địa phương như Hải Phòng, Sở Giao thông Vận tải đã tự xây dựng phần mềm đổi GPLX trực tuyến riêng và hoạt động rất hiệu quả. Các cơ sở y tế của thành phố cập nhật dữ liệu giấy khám sức khỏe vào phần mềm này. Dữ liệu xử lý vi phạm của Cảnh sát giao thông thành phố cũng được kết nối với phần mềm. Vậy, kinh nghiệm của Hải Phòng có thể nhân rộng ra cả nước hay không?

Mới đây, Bộ Giao thông Vận tải đã yêu cầu Cục Đường bộ khẩn trương rà soát, khắc phục các khó khăn, vướng mắc trong thực hiện thủ tục đổi GPLX trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công quốc gia. Đồng thời, Cục Đường bộ Việt Nam được yêu cầu phải chấn chỉnh công tác trực hỗ trợ, giải đáp kịp thời các vướng mắc để phục vụ người dân khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến đổi GPLX.

Việc đổi GPLX trực tuyến là một trong nhiều dịch vụ công nằm trong nỗ lực chuyển đổi số, thực hiện Chính phủ điện tử. Mục tiêu của Chính phủ là đến cuối năm 2025 đạt 50% tổng số hồ sơ hành chính được giải quyết trực tuyến. Hiện tại, hầu hết bộ, ngành đều có trang web hỗ trợ người dân thực hiện dịch vụ công trực tuyến, song việc lập trang web với đầy đủ hướng dẫn chi tiết cho công dân không đi cùng với tiện lợi và hiệu quả.

Khi phần lớn người dân đều dễ dàng sử dụng điện thoại di động thông minh (smart phone), có lẽ ai cũng sẽ ủng hộ tinh thần thực hiện dịch vụ công trực tuyến. Thứ nhất là tiết kiệm được thời gian đi lại, chờ đợi; thứ hai là không cần thiết phải tiếp xúc trực tiếp với nhân viên, cán bộ hành chính, hạn chế được những va chạm hoặc rủi ro đạo đức nơi cánh cửa cơ quan công quyền. Đồng thời, hiệu suất làm việc của các cơ quan nhà nước cũng sẽ tăng lên.

Lợi ích của dịch vụ công trực tuyến là vậy song những bất cập trong việc vận hành, tích hợp, đồng bộ dữ liệu không khỏi khiến người dân nản chí, ở một số dịch vụ còn xuất hiện thêm các đơn vị trung gian, "cò" làm thủ tục hộ, vô hình trung lại đi ngược với mục tiêu Chính phủ điện tử.

Chính vì vậy, việc khắc phục những vấn đề trong đổi GPLX trực tuyến nói riêng và thực hiện các dịch vụ công trực tuyến nói chung là việc cần làm ngay và yêu cầu tính sẵn sàng, sự tham gia tích cực của tất cả các bên liên quan. Đây là việc chung chứ không phải là việc "của anh" hay "của tôi". Trách nhiệm và đánh giá tính hiệu quả cần được giao đến từng ngành, từng bộ phận, không nên chỉ vì sự chậm trễ của một khâu nào đó mà khiến vận hành cả bộ máy trục trặc.

Tác giảBích Diệp tốt nghiệp chuyên ngành Kinh tế Đối ngoại trường Đại học Ngoại thương; gia nhập báo Dân Trí từ năm 2012 và chuyên đưa tin về kinh tế, hoạt động doanh nghiệp, thị trường chứng khoán.

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!