Tâm điểm
Vũ Ngọc Bảo

Xấu như mặt cỏ sân Mỹ Đình!

Việt Nam thắng Malaysia 3-0. Trận cầu trong khuôn khổ AFF Cup khiến người hâm mộ vui với tỷ số, nhưng buồn khi chứng kiến chất lượng quá tệ của mặt cỏ sân vận động quốc gia. Chúng ta đón tiếp đội bạn và hình ảnh lan ra quốc tế là một sân vận động cỏ vàng úa, ghế ngồi phủ đầy bụi… Không lẽ hình ảnh đại diện cho cơ sở vật chất của nền thể thao Việt Nam là như vậy ư? Nếu đúng vậy thì trách nhiệm thuộc về ai?

Cũng cần nhắc lại, cách đây chưa đến một tháng, trong trận Việt Nam - Borussia Dortmund, chỉ sau mấy động tác nhảy múa và đẩy tay của thủ môn đội khách thì khung thành sân Mỹ Đình đã bung ra. Phía ngoài sân, các cầu thủ Dortmund ngao ngán lắc đầu khi vừa ngồi xuống băng ghế trong cabin huấn luyện thì cabin bị lật ngửa.

Những sự cố hy hữu của một sân vận động quốc gia được trực tiếp trên truyền hình với hình ảnh nụ cười ngạc nhiên của đội khách đã phát rộng rãi trên phạm vi quốc tế.

Tưởng như sau sự cố hy hữu ấy thì sân Mỹ Đình sẽ được quan tâm chăm chút, nhưng đến trận đấu giữa Việt Nam và Malaysia, người xem lại buồn hơn khi chứng kiến các cầu thủ thi đấu trên mặt cỏ thua kém cả sân vận động cấp tỉnh.

Tôi với tư cách người hâm mộ, vào một số trang Facebook thể thao trong khu vực, đọc các bình luận về sân Mỹ Đình mà không khỏi thấy… nóng mặt!

Xấu như mặt cỏ sân Mỹ Đình! - 1

Mặt cỏ sân Mỹ Đình xuống cấp khi đội tuyển Việt Nam thi đấu ở AFF Cup 2022 (Ảnh: Mạnh Quân).

Có lẽ không cần phải nói nhiều về quá trình hình thành sân Mỹ Đình, bởi các cổ động viên bóng đá Việt Nam đều biết rằng sân vận động trị giá gần 53 triệu USD này được xây dựng để phục vụ Seagame 22, và những năm qua đã có rất nhiều lình xình liên quan được phản ánh trên báo chí.

Đơn cử, đầu năm nay Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra hàng loạt sai phạm của Ban quản lý khu liên hiệp thể thao Mỹ Đình qua nhiều đời lãnh đạo; còn Cục thuế Hà Nội thì công bố tính đến ngày 31/7/2022, Khu liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình đã nợ thuế hơn 855 tỷ đồng. Những sai phạm và các khoản nợ đó khiến đời sống của cán bộ, nhân viên tại Khu liên hợp thể thao quốc gia đối mặt với rất nhiều khó khăn; việc khai thác, sử dụng cơ sở hạ tầng của Khu cũng chịu ảnh hưởng tiêu cực.

Vấn đề đáng lo ngại là qua phát ngôn của những người có trách nhiệm thì chưa rõ tương lai sân Mỹ Đình sẽ như thế nào; thậm chí có những phát ngôn mang tính hài hước, như cho rằng… mặt cỏ không xanh do trời thiếu nắng!

Báo chí dẫn lời một vị lãnh đạo Khu liên hợp thể thao quốc gia cho hay, "tiền trả nhân viên còn không đủ, lấy đâu thay mặt cỏ". Còn một vị khác ở Tổng cục Thể dục Thể thao lại khẳng định "đây không phải là chuyện do thiếu kinh phí mà sân vận động Mỹ Đình quên không trùng tu, bảo dưỡng". Thật chẳng biết đâu mà lần, trong khi đó thực tế là người dân đang nói với nhau rằng: Xấu như mặt cỏ sân Mỹ Đình!

Trước hết, chúng ta phải thẳng thắn là có những vấn đề không phải do thiếu tiền mà phụ thuộc vào ý thức trách nhiệm. Nếu nói thay thế mặt cỏ sân là tốn tiền thì việc bắt mấy chiếc đinh vít vào khung sắt để khung thành chắc chắn hơn, hay bắt vít neo các khu vực kỹ thuật để vận động viên dự bị và ban huấn luyện hai đội được nghỉ ngơi trong lúc chờ đợi lại chẳng tốn bao nhiêu kinh phí.

Những việc nhỏ đó thể hiện vấn đề thiếu vắng trách nhiệm của người quản lý nhiều hơn là vấn đề thiếu tiền. Đồng thời thông tin không thống nhất giữa các bên liên quan cho thấy trách nhiệm giải trình, tính minh bạch của công tác quản trị sân vận động Mỹ Đình chưa cao. Nói khác đi, mô hình quản lý một khối tài sản công lớn như sân Mỹ Đình mà thiếu tiền trả lương cho nhân viên, chất lượng cơ sở vật chất xuống thấp để lại hình ảnh xấu như vậy có thể coi là mô hình thất bại.

Cơ quan quản lý cần tính toán mô hình quản trị mới cho Khu liên hợp thể thao quốc gia; tập trung sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện cơ chế, chính sách để nâng cao trách nhiệm và hiệu quả hoạt động của bộ máy quản lý, điều hành Khu liên hợp.

Kinh nghiệm quốc tế cho thấy đối với các công trình thể thao quốc gia, đặc thù là không hoạt động thường xuyên, thì ít nhiều vẫn cần đến sự hỗ trợ của ngân sách. Ngoài ra, đơn vị quản lý cần được trao cơ chế để tích hợp thêm các chức năng khác mang tính dịch vụ, giải trí mang lại giá trị giá tăng cho công trình, như hình thành các tour tham quan du lịch, khu mua sắm…

Một kinh nghiệm khác là xã hội hóa công tác quản lý hay chuyển mô hình tổ chức quản lý từ đơn vị sự nghiệp tự chủ tài chính sang mô hình doanh nghiệp theo các chuẩn mực quốc tế. Rõ ràng lựa chọn một mô hình quản trị tốt hơn, phù hợp hơn cho sân Mỹ Đình lúc này đã trở thành vấn đề cấp bách.

Thước đo trách nhiệm, sự năng động, dám nghĩ, dám làm của cơ quan quản lý sân vận động quốc gia lúc này đây phải thể hiện thông qua những việc cụ thể, cam kết cơ chế và lộ trình để sân Mỹ Đình trở lại là niềm tự hào quốc gia.

Tác giả: Ông Vũ Ngọc Bảo từng theo học tại Trường Chính sách công và quản lý Fulbright; hiện công tác tại Tổng công ty Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí, thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!