Vụ viết đơn xin không thi lớp 10: Cách làm cần chấn chỉnh!
Một câu chuyện không mới đã lặp lại vào những ngày học sinh lớp 9 sắp tốt nghiệp THCS, chuẩn bị thi vào 10. Đó là dưới danh nghĩa tư vấn định hướng nghề nghiệp, phân luồng, nhiều giáo viên, nhiều trường học đã có những cách làm khác nhau để ngăn các em có học lực trung bình thi vào lớp 10.
Lá đơn của một phụ huynh "xin cho con không thi vào lớp 10" cùng lời cam kết "sẽ không khiếu nại mọi vấn đề về sau"" do nhà trường soạn sẵn để phụ huynh ký vào là điển hình cho cách làm thiếu tính sư phạm nêu trên. Ai có quyền tước đi quyền được thi, được học của các em?
Nhằm triển khai chủ trương đổi mới toàn diện giáo dục, tháng 5/2018, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án "Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong Giáo dục phổ thông giai đoạn 2018 - 2025". Mục đích của đề án này là "tạo bước đột phá về chất lượng giáo dục hướng nghiệp, góp phần chuyển biến mạnh mẽ công tác phân luồng học sinh sau trung học cơ sở và trung học phổ thông vào học các trình độ giáo dục nghề nghiệp phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và địa phương, đáp ứng nhu cầu nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực quốc gia, hội nhập khu vực và quốc tế".
Đề án được triển khai trong toàn quốc, được kỳ vọng là sẽ tạo ra sự thay đổi căn bản nhận thức, quan niệm của phụ huynh, học sinh trong việc học tập và chuẩn bị hành trang vào đời, từng bước chấn chỉnh tâm lý sính bằng cấp, vốn đã và đang gây ra tình trạng thừa thầy thiếu thợ, lãng phí nhiều thời gian, tiền bạc, công sức của gia đình và xã hội…
Vì vậy chuyện chẳng có gì đáng nói, nếu việc tư vấn của giáo viên chỉ là phân tích rõ thực lực của học sinh cuối cấp trung học cơ sở và gợi mở những cơ hội học tập, nghề nghiệp mà nhiều hình thức giáo dục khác ngoài trường Trung học phổ thông công lập có thể mang lại. Việc tư vấn này không thể là những gợi ý để các em "không thi vào lớp 10 công lập", vì "có thi cũng không đỗ"…; thậm chí, có cô giáo còn gợi ý sẽ "làm đẹp học bạ thành học sinh tiên tiến nếu các em chịu đi học nghề"… khiến nhiều học sinh hoang mang, mất tự tin vào bản thân; còn phụ huynh thì khó xử, thậm chí là bức xúc, phải bày tỏ ý kiến trên các hội nhóm, được báo chí đăng tải.
Thi vào lớp 10 công lập là quyền lợi, là nguyện vọng chính đáng của học sinh trên hành trình chinh phục tri thức của mình. Ngoài nhu cầu khẳng định bản thân ở trường công lập - vốn được kỳ vọng nhiều hơn về cơ sở vật chất, chất lượng đào tạo… gia đình học sinh cũng đỡ gánh nặng tiền bạc thường là gấp nhiều lần, so với học ở trường tư thục, mà không phải gia đình nào cũng có điều kiện đáp ứng.
Trở lại với lá đơn của phụ huynh ở TPHCM "xin cho con không thi vào lớp 10" cùng cam kết "không khiếu nại về sau" (do nhà trường soạn sẵn, phát cho học sinh mang về để phụ huynh ký tên), gây nên nhiều ý kiến khác nhau trong dư luận xã hội mấy ngày qua, điều dễ thấy là tình trạng giáo viên tư vấn định hướng nghề nghiệp, phân luồng giáo dục bằng cách gây áp lực với phụ huynh và học sinh đã và đang diễn ra ở nhiều nơi.
Chưa thể khẳng định là có bao nhiêu trường, bao nhiêu giáo viên tư vấn định hướng nghề nghiệp, phân luồng học sinh theo kiểu ngăn cản học sinh thi vào lớp 10 trường công lập. Bởi xã hội chỉ biết tình trạng này sau khi phụ huynh và báo chí lên tiếng. Tuy nhiên, những gì đã xảy ra cho thấy việc triển khai thực hiện chủ trương đúng đắn này của ngành giáo dục đang tồn tại những vấn đề cần phải chấn chỉnh.
Việc tư vấn cho phụ huynh và học sinh những hướng đi thực tế hơn, khả thi hơn là điều cần làm. Vấn đề là cách làm của giáo viên như thế nào để không gây ra phản ứng tiêu cực. Không ai đồng tình với kiểu nhận xét trực diện với học sinh khiến các em tự ti, thậm chí bị sốc, dễ nảy sinh tiêu cực khó lường mà một số giáo viên đã làm. Kiểu tư vấn ấy, ngoài sự thể hiện năng lực sư phạm kém cỏi, còn khiến dư luận xã hội hoài nghi về những tiêu cực khác có khả năng xảy ra như: Vì bệnh thành tích, sợ ảnh hưởng đến uy tín của nhà trường, hoặc có sự "bắt tay" với các cơ sở đào tạo nào đó (ngoài trường THPT công lập) để thu hút nguồn tuyển sinh…
Ngành giáo dục các địa phương khẳng định không lấy tỉ lệ học sinh thi đỗ vào lớp 10 công lập làm tiêu chí khi xét thi đua. Nhưng trên thực tế, việc duy trì tỷ lệ ấy ở mức cao, lại là một trong những tiêu chí, những điểm cộng về uy tín của các trường công lập.
Giữ uy tín, thương hiệu là nhu cầu chính đáng của một cơ sở giáo dục công lập. Nhưng nếu vì một lý do nào đó mà lại tìm cách tước đi cơ hội, niềm hy vọng được học trường công lập của một bộ phận học sinh cũng là chuyện không nên, khó biện bạch của người cầm phấn, dù được ngụy trang dưới cái vỏ của hoạt động định hướng, phân luồng.
Hãy tư vấn cho học sinh bằng tất cả tấm lòng của người làm giáo dục, yêu thương vô tư và không vụ lợi. Các em sẽ tự biết cách chọn một con đường để đi về phía trước phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh gia đình và khả năng thích ứng của bản thân.
Tác giả: Ông Nguyễn Vân Thiêng là nhà báo với hơn 30 năm trong nghề, hiện công tác tại Đài Tiếng nói Việt Nam.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!