Vì sao chúng ta luôn thèm món tráng miệng dù đã ăn no?
(Dân trí) - Hiện tượng này không phải thói quen, cũng không do ý chí quyết định mà là một phản ứng của hệ thần kinh.

Đồ ngọt có thể từng là nguồn năng lượng không lành mạnh cho người nguyên thủy xưa kia (Ảnh: Adobe).
Bạn vừa có một bữa ăn thịnh soạn, có thể là một bữa tối sinh nhật, và cảm giác đang rất no. Thế rồi món tráng miệng được mang ra và bạn thấy vẫn có thể ăn thêm được món đó.
Tình huống nghe có vẻ quen! Hóa ra việc thèm ăn thêm món tráng miệng không chỉ là thói quen, cũng không hẳn do ý chí quyết định.
Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng cảm giác thèm ăn đồ ngọt ngay cả khi chúng ta đã no là một phản ứng của hệ thống thần kinh. Trên thực tế, các tế bào thần kinh trong não báo hiệu cảm giác no cũng chính là những tế bào gây cho chúng ta cảm giác thèm đường.
Một nghiên cứu gần đây trên chuột, do các nhà nghiên cứu tại Viện nghiên cứu Trao đổi chất Max Planck, Đức, thực hiện đã phát hiện ra rằng các tế bào thần kinh trong nhân cung của vùng dưới đồi, là vùng não chịu trách nhiệm kiểm soát sự thèm ăn, trao đổi chất và hormone, giải phóng các opioid tự nhiên thúc đẩy cảm giác thèm món tráng miệng.
Những tế bào này được gọi là tế bào thần kinh pro-opiomelanocortin (POMC). Khi được kích hoạt, chúng sẽ gửi tín hiệu đến một phần khác của não gọi là nhân cạnh não thất của đồi thị (PVT), bộ phận này có liên quan đến việc điều chỉnh hành vi ăn uống của chúng ta.
Trong thí nghiệm này, những con chuột ăn thức ăn thông thường và sau 90 phút, chúng đã no và bỏ qua thức ăn được đưa thêm vào lồng.
Tuy nhiên, khi các nhà nghiên cứu đem đến cho chúng một món ăn có đường, giống như món tráng miệng, điều thú vị đã xảy ra. Những con chuột vốn đã bỏ qua các thức ăn khác sau khi đạt đến một mức độ no nhất định, đã thèm ăn món tráng miệng và quay trở lại ăn thêm.
Các nhà nghiên cứu cũng nhận thấy rằng hoạt động thần kinh giữa vùng dưới đồi và PVT tăng gấp bốn lần ngay trước khi chuột cắn miếng đầu tiên.
Họ nói rằng điều này cho thấy rằng cảm giác thèm món tráng miệng không phải được kích hoạt bởi việc ăn đồ ngọt mà là do "dự đoán" rằng sẽ ăn những thứ này. Nói cách khác, não chuẩn bị cho việc hấp thụ đường ngay khi biết rằng có món tráng miệng.
Để kiểm tra kỹ hơn, các nhà nghiên cứu đã sử dụng quang di truyền học, một kỹ thuật cho phép bật và tắt tế bào thần kinh bằng ánh sáng. Khi họ chặn tín hiệu POMC-chuyển đến-PVT và nhận thấy những con chuột ăn món tráng miệng ít hơn 40%.
Từ đó họ suy ra rằng đường truyền tín hiệu này trong não đóng vai trò quan trọng gây ra cảm giác thèm ăn món tráng miệng.
Một giả thuyết đang được xem xét, cho rằng đường là nguồn năng lượng nhanh chóng và hiệu quả, dễ chuyển đổi thành nhiên liệu hơn nhiều so với chất béo hoặc protein.
Các nhà khoa học tin rằng phản ứng thần kinh này có thể gắn liền với quá trình tiến hóa của loài người. Có thể đã có lúc cơ thể chúng ta cần những nguồn nhiên liệu nhanh và bẩn để duy trì mức năng lượng cao.
Một lý thuyết đang được các nhà khoa học quan tâm cho rằng đường là nguồn năng lượng nhanh và hiệu quả, dễ chuyển đổi thành nhiên liệu hơn so với chất béo và chất đạm.
Theo họ, phản ứng thần kinh này có thể gắn liền với quá trình tiến hóa của loài người. Rất có thể trong quá khứ, đã có lúc cơ thể con người cần những nguồn nhiên liệu nhanh cho dù không lành mạnh để duy trì mức độ năng lượng cao cần thiết.
Nếu đúng như vậy thì lý thuyết đó có thể giải thích vì sao chúng ta lại thích đồ ăn có đường và vì sao rất nhiều người phải vật lộn với cơn thèm món tráng miệng. Phát hiện này cũng có thể giúp ích rất nhiều trong việc tạo ra các loại thuốc giảm cân mới thực sự có tác dụng.