Từ "tài năng chuyên môn" đến "tài năng chính trị"
Khi bàn đến vấn đề thu hút nhân tài vào hệ thống chính trị, chúng ta thường nghĩ đến việc thu hút những cá nhân giỏi một lĩnh vực chuyên môn cụ thể nào đó. Điều này là đúng song có lẽ chưa đủ. Trong bối cảnh hiện nay, hệ thống chính trị còn cần thu hút cả những cá nhân có năng lực nổi trội về lãnh đạo, quản lý, hay rộng ra là "tài năng chính trị".
Ở nhiều nước trên thế giới, nhất là tại các nước phương Tây và Mỹ, "chính trị gia" và "chính khách" là hai khái niệm đề cập đến những nhà hoạt động chính trị chuyên nghiệp và quan chức cấp cao trong chính quyền. Đây là những người có nhiều ảnh hưởng đến đời sống chính trị, tham gia hoạch định và thực thi chính sách công, truyền cảm hứng và dẫn dắt công chúng. Khi chính trị gia tham gia chính quyền thì được gọi là chính khách; còn khi chính khách rời vị trí trong chính quyền, họ trở lại với vai trò chính trị gia.
Trong cấu trúc quyền lực thống nhất ở nước ta, "cán bộ cấp cao" là cụm từ phổ biến, đề cập đến đội ngũ cán bộ chiến lược, đảm nhiệm các vị trí trọng yếu trong hệ thống quản trị quốc gia. Theo quy định số 80-QĐ/TW về quản lý cán bộ, ban hành ngày 18 tháng 8 năm 2022, thì cán bộ cấp cao bao gồm những người thuộc diện quản lý của Ban chấp hành Trung ương, Bộ chính trị và Ban bí thư. Như vậy, "cán bộ cấp cao" ở nước ta đảm nhiệm cả hai vai trò: "chính trị gia", thể hiện ở tư cách thành viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, và "chính khách", thể hiện ở vị trí người đứng đầu các đơn vị chủ chốt trong hệ thống chính trị. Do đó, cán bộ cấp cao là đội ngũ cán bộ then chốt, có ảnh hưởng quyết định đến quá trình đề ra chủ trương lãnh đạo của Đảng, cũng như hoạch định và thực thi chính sách công của Nhà nước.
Vị thế và vai trò quan trọng đặc biệt của cán bộ cấp cao đòi hỏi sự tuân thủ chuẩn mực ở mức cao nhất. Bởi lẽ, bất cứ sự "lệch chuẩn" nào của họ, dù là các chuẩn mực chính trị, pháp lý, hay đạo đức, lối sống, cũng sẽ gây ra những hệ lụy, mà sâu xa nhất là ảnh hưởng đến lòng tin chính trị của nhân dân.
Theo đánh giá của các cấp có thẩm quyền, nhìn chung đội ngũ cán bộ nước ta có lập trường tư tưởng, bản lĩnh chính trị vững vàng, có đạo đức, lối sống giản dị, gương mẫu, có ý thức tổ chức kỷ luật, luôn tu dưỡng, rèn luyện, nâng cao trình độ, luôn phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ được giao. Nhiều cán bộ năng động, sáng tạo, thích ứng với xu thế hội nhập, có khả năng làm việc trong môi trường quốc tế… Tuy nhiên, vẫn tồn tại một bộ phận cán bộ, đảng viên thiếu gương mẫu, năng lực, phẩm chất, uy tín hạn chế, vi phạm kỷ luật Đảng, pháp luật của Nhà nước, trong đó có cả cán bộ cấp cao. Theo tin từ Ban Nội chính trung ương, tính riêng năm 2022, đã có 47 cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý bị kỷ luật (tăng 15 trường hợp so với năm 2021).
Nghị quyết số 28, Hội nghị lần thứ 6 của BCH Trung ương khóa XIII về đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng trong giai đoạn mới tiếp tục đặt ra nhu cầu "đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tổ chức, cán bộ…phát huy vai trò, trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên…đổi mới phong cách lãnh đạo, phương pháp công tác, lề lối làm việc".
Để tạo ra được chuyển biến thực chất, một trong những chủ trương của Nghị quyết số 28 là "Xây dựng cơ chế, chính sách thu hút, tuyển dụng nhân tài vào làm việc trong hệ thống chính trị". Cũng có nghĩa, bên cạnh những phẩm chất về tư tưởng, đạo đức, lối sống, trình độ chuyên môn thì "nhân tài" cũng phải là những cán bộ "năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung".
Ngoài ra, theo quy định 214 của Bộ Chính trị về khung tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ thuộc diện Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý, thì cán bộ cấp cao phải là những người "có tư duy đổi mới, tầm nhìn chiến lược, phương pháp làm việc khoa học, nhạy bén chính trị, có năng lực cụ thể hóa và lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện có hiệu quả" chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách của Nhà nước.
Một đặc điểm dễ thấy là cán bộ lãnh đạo các cấp ở nước ta thường bắt đầu sự nghiệp từ một vị trí chuyên môn trong hệ thống chính trị. Đặc điểm này gợi ra rằng, chất lượng đội ngũ lãnh đạo chính trị trước hết phụ thuộc rất lớn vào quy trình tuyển dụng, bổ nhiệm, đánh giá, đề bạt thăng tiến áp dụng với đội ngũ cán bộ chuyên môn.
Truyền thống nêu trên cũng cho thấy sự vượt trội về năng lực chuyên môn sẽ là một trong những điều kiện tiên quyết để cá nhân có thể hướng đến trở thành chính trị gia và chính khách ở nước ta. Để lựa chọn ra những tài năng chuyên môn, Nghị quyết số 28 tiếp tục khẳng định chủ trương đúng đắn: "Tổng kết việc thí điểm thi tuyển một số chức danh lãnh đạo, quản lý". Thi tuyển dựa trên nguyên tắc cạnh tranh năng lực giúp chọn lựa được những người với khả năng phù hợp nhất cho vị trí chuyên môn.
Đây là một quá trình mà chúng ta phải thực hiện tốt các chủ trương đã đề ra, đặc biệt là tiếp tục hoàn thiện cơ chế tuyển dụng, đánh giá giá, đề bạt thăng tiến dựa trên cạnh tranh năng lực để không chỉ thu hút nhân tài vào làm việc trong hệ thống chính trị, mà còn sớm phát hiện và thay thế những người không đáp ứng yêu cầu công việc. Như vậy, để có một đội ngũ cán bộ chất lượng cao, bên cạnh "phẩm chất, bản lĩnh chính trị, ý thức, trách nhiệm, uy tín trong tập thể, trong nhân dân", chúng ta cũng cần phải "đặc biệt chú trọng kỹ năng công tác, chất lượng, hiệu quả công việc được giao, bằng sản phẩm, kết quả cụ thể".
Tuy nhiên, tài năng chuyên môn là chưa đủ để trở thành tài năng chính trị (lãnh đạo). Một cá nhân xuất sắc về chuyên môn, thể hiện thông qua những thành tích không thể tranh cãi, nhưng lại có thể rất yếu kém về tố chất và năng lực chính trị, như: khả năng thiết lập tầm nhìn lãnh đạo, truyền cảm hứng, vun đắp sự ủng hộ và xây dựng khối đoàn kết tập thể, hay giữ mối liên hệ mật thiết với nhân dân.
Cũng có nghĩa, chúng ta cần tính toán bổ sung các điều kiện thể chế để có được một quy trình phát hiện và lựa chọn những "tài năng chính trị" từ những "tài năng chuyên môn" trong toàn hệ thống.
Tác giả: Ông Nguyễn Văn Đáng có bằng tiến sĩ Quản trị công và chính sách từ trường Quản lý nhà nước Mark O. Hatfield, Đại học Portland State, Mỹ. Hiện ông công tác tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!