Tâm điểm
Bích Diệp

Từ chuyện "trát" đòi nợ thuế hơn 1.000 đồng

Một đồng nghiệp của tôi ít hôm trước nói vừa nhận được "trát" từ cơ quan thuế địa phương thông báo bị cưỡng chế thuế với số tiền: 1.260 đồng. Cô cho biết đây là số tiền nợ phát sinh từ khoản nộp thiếu của đơn vị cũ khoảng 3 năm trước và không hiểu sao lại để sót một khoản như vậy.

Thông báo "cưỡng chế thuế" là sự việc nghe rất to tát, nhưng số tiền lại quá nhỏ bé khiến người nợ thuế dở khóc dở cười.

Bản thân người viết cách đây không lâu cũng bị cán bộ thuế truy hỏi về khoản nợ thuế 1 triệu đồng từ 3 năm trước; cộng thêm phát sinh tiền phạt, lãi phạt, lãi chậm nộp thì số tiền lên gần 3 triệu đồng.

"Bỗng dưng" biết mình nợ thuế

Qua phản ánh của người dân trên báo chí và mạng xã hội thấy rằng, có không ít trường hợp tương tự. Nhiều người bất ngờ khi nhận được thông báo truy thu thuế thu nhập cá nhân sau nhiều năm, số tiền phải nộp từ vài triệu lên đến hàng trăm triệu đồng mà phân nửa là tiền phạt và lãi chậm nộp. Nói "bất ngờ" là bởi một số người bị truy thu hầu như không rõ khoản thuế phát sinh từ đâu, từ những giao dịch nào.

Trước hết, cần khẳng định nộp thuế là quyền lợi và nghĩa vụ của công dân, là cách mỗi người trong chúng ta thể hiện sự tuân thủ pháp luật và trách nhiệm xã hội. Vì vậy bất cứ cá nhân, tổ chức nào nợ thuế dù chỉ 1 đồng hay nhiều hơn thì đều phải thực hiện nghĩa vụ của mình. Tất cả đều bình đẳng trước pháp luật. Với tinh thần đó, phạm vi bài viết này chỉ bàn đến vấn đề hỗ trợ, hướng dẫn người dân thực hiện nghĩa vụ của mình sao cho thuận lợi hơn, theo hướng cải cách hành chính và chuyển đổi số.

Từ chuyện trát đòi nợ thuế hơn 1.000 đồng - 1

Người nộp thuế có thể ra ngân hàng hoặc giao dịch trực tuyến để thực hiện nghĩa vụ ngân sách, nhưng chưa nhiều người rõ về cách thức thực hiện (Ảnh minh họa: Mạnh Quân).

Luật Quản lý thuế quy định rõ quyền, nghĩa vụ, nhiệm vụ của các cá nhân, tổ chức; trong đó nhiệm vụ của cơ quan quản lý thuế là tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn pháp luật về thuế…; còn quyền của người nộp thuế là được hỗ trợ, hướng dẫn thực hiện việc nộp thuế, được cung cấp thông tin, tài liệu để thực hiện nghĩa vụ, quyền lợi về thuế…

Luật Quản lý thuế cũng quy định, người nộp thuế "tự khai, tự chịu trách nhiệm" về vấn đề khai báo thuế của mình. Tuy vậy có một thực tế là nhiều người trong chúng ta không nắm rõ quy trình, thủ tục kê khai thuế. Nhiều người không quyết toán thuế mà ủy quyền cơ quan, đơn vị mình đang làm việc quyết toán thay, vì vậy, khi phát sinh thêm những khoản thu nhập bên ngoài và không được kê khai thì việc quyết toán sẽ thiếu, dẫn tới nợ thuế.

Với những trường hợp này, đa số người nợ thuế không có ý định trốn thuế, nhất là khi khoản phải nộp chỉ là số tiền nhỏ. Vậy nên, việc truy thu không kèm giải thích và hướng dẫn cụ thể sẽ gây căng thẳng với người nộp thuế, dẫn đến người dân có trải nghiệm kém tích cực trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến quyền lợi và nghĩa vụ của mình.

Chẳng nói đâu xa, ngay như người đồng nghiệp tôi trong ví dụ ở đầu bài viết. Sau khi nhận được thông báo của cơ quan thuế, cô vẫn chưa biết nên làm gì tiếp theo. "Làm sao để nộp tiền nợ?", cô nhắn hỏi tôi. Vậy có nghĩa là những thông tin hướng dẫn chưa thực sự rõ ràng, rằng họ cần ra ngân hàng nào để nộp, nộp vào tài khoản nào, nộp trực tuyến thì ra sao?

Thiết nghĩ, điều quan trọng hơn cả trong công tác thuế là có hướng dẫn chi tiết với người nộp thuế để khuyến khích tinh thần hợp tác và tự giác của người dân về sau, cơ quan thuế từ đó bớt được một phần việc và giảm được thời gian đòi nợ.

Mà đâu chỉ cá nhân!

Trên một diễn đàn thuế với gần nửa triệu thành viên, nhiều kế toán các doanh nghiệp vào "than trời" vì cách ít tháng lại nhận được thông báo truy thu tiền chậm nộp. Số tiền không lớn, chỉ vài trăm nghìn đến vài ba triệu đồng và khó đối chiếu để xem thiếu sót trong vấn đề kê khai ở đâu nên lựa chọn được đưa ra thường là "nộp cho được việc" và chấp nhận thông tin chưa thực sự đầy đủ.

Thậm chí có chủ doanh nghiệp khi đi làm thủ tục ở sân bay mới tá hỏa phát hiện ra bản thân bị nợ thuế, nằm trong diện tạm hoãn xuất cảnh. Dĩ nhiên quyết định hoãn xuất cảnh với cá nhân, đại diện doanh nghiệp chưa hoàn thành nghĩa vụ thuế là thực hiện theo quy định pháp luật. Nhưng như báo chí đã thông tin có trường hợp cấm xuất cảnh vì nợ thuế chưa tới 1 triệu đồng. Số tiền nhỏ nhưng lại ảnh hưởng đáng kể đến uy tín của cá nhân, doanh nghiệp.

Thu đủ, thu kịp thời - cần hơn những cách làm phù hợp

Xét về tuân thủ luật, nợ thuế vài nghìn, vài trăm nghìn đồng hay vài tỷ đồng thì cũng đều là nợ và nợ thì phải trả. Vì vậy ở đây tôi nhấn mạnh là cần chấp hành đúng nghĩa vụ thuế với Nhà nước. Tuy nhiên, có lẽ cơ quan thuế cần có những cách làm phù hợp hơn để tạo điều kiện cho người nộp thuế hoàn thành nghĩa vụ ngân sách, không ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của cá nhân, tổ chức nộp thuế khi không cần thiết.

Thứ nhất, với trường hợp bị tạm hoãn xuất cảnh nên chăng áp dụng mức sàn (ngưỡng chịu thuế cụ thể áp dụng với mỗi hình thức xử lý), và mức sàn này trước hết là để tránh cho cơ quan quản lý nhà nước phải tốn nguồn lực cho những sự việc nhỏ lẻ. Ngoài ra, với điều kiện công nghệ hiện nay thì cơ quan thuế hoàn toàn có thể hỗ trợ người nộp thuế xử lý khoản nợ trong thời gian nhanh nhất ngay tại nơi làm thủ tục xuất nhập cảnh.

Thứ hai, các cơ quan thuế địa phương với những dữ liệu sẵn có cần chủ động thông báo, cập nhật tình trạng nợ thuế sau mỗi kỳ quyết toán hàng năm để người nộp thuế nắm rõ và thanh toán kịp thời. Điều này vừa đảm bảo ngân sách thu đúng thu đủ, thu kịp thời mà còn giúp người nộp thuế tránh được phiền hà, phải gánh thêm các khoản phạt chậm nộp, ảnh hưởng uy tín.

Bên cạnh đó, việc thông báo dư nợ thuế kịp thời có thể tránh được cho các chủ doanh nghiệp rơi vào tình huống "vỡ tài chính", bởi khoản nợ phát sinh từ nhiều năm trước khi còn ăn nên làm ra, hiện tại lại khó khăn và không còn khả năng thanh toán.

Hiện nay, với ứng dụng Etax mobile, người nộp thuế đã có thể tra cứu khoản thuế thu nhập cá nhân, chủ động kiểm tra nợ thuế phát sinh từ nhiều nguồn thu nhập. Thông qua dữ liệu trên Etax mobile, một số người nộp thuế bất ngờ phát hiện có những khoản thu nhập từ những đơn vị mà họ chưa từng hợp tác.

Tình trạng này có thể xuất phát từ việc người dân không bảo mật thông tin cá nhân và bị doanh nghiệp lợi dụng để kê khai, tính chi phí tiền lương, tiền công khi xác định nghĩa vụ thuế thu nhập doanh nghiệp trong khi không trả thu nhập thực tế cho cá nhân đó. Hành vi khai khống chi phí lương này nhằm mục đích trốn thuế.

Cơ quan thuế cần có hướng dẫn cụ thể với người dân để tránh việc bị lợi dụng, trở thành công cụ tiếp tay cho hành vi trốn thuế. Đồng thời cũng cần có chế tài xử lý đối với những doanh nghiệp kê khai khống này.

Như đã nêu trên, nộp thuế là nghĩa vụ của công dân và bất cứ ai cũng cần tuân thủ, vừa là trách nhiệm đối với luật pháp, vừa cho thấy tính trung thực, đạo đức công dân. Trong thời đại công nghệ thông tin hiện nay, điều kiện để mỗi người tìm hiểu và hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế đã thuận tiện hơn với Etax hay thông qua tra cứu trên website chính thức của Tổng cục Thuế.

Dù vậy, đâu đó vẫn còn những phản hồi về việc thông tin về thuế trình bày chưa dễ hiểu và tốc độ xử lý các thông tin phản hồi còn chậm chạp. Ngay cả Etax dù đã ra mắt một thời gian song không phải ai cũng biết đến và biết cách sử dụng.

Việc tuyên truyền các kiến thức về thuế cần tích cực hơn, từ trường học cho đến công sở, phường xã. Khi mà ngày càng thêm những ngành nghề mới, nhiều nguồn thu nhập được đưa vào diện kê khai nộp thuế, thì kiến thức về thuế, những hướng dẫn của ngành thuế với công dân càng phải gần gũi, bình dân hơn, đi vào hiệu quả thực tế. Còn một khi đâu đó vẫn đáp lại thắc mắc của người nộp thuế "là nghĩa vụ, hãy tự tìm hiểu" thì những tình huống ngành thuế gửi trát đòi nợ từng nghìn đồng vẫn còn là câu chuyện dài.

Tác giảBích Diệp tốt nghiệp chuyên ngành Kinh tế Đối ngoại trường Đại học Ngoại thương; là phóng viên báo Dân Trí từ năm 2012. Chị chuyên đưa tin về kinh tế, hoạt động doanh nghiệp, thị trường chứng khoán…, và gắn bó với mục Blog - Tâm điểm từ năm 2016.

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!