Tâm điểm
Bích Diệp

Thấy gì từ vụ ồn ào "3 du khách ăn hết 12kg hải sản"?

Ngành du lịch đang sôi động trở lại sau đại dịch Covid-19, mang đến nhiều cơ hội cho các địa phương có thế mạnh về lĩnh vực này, cũng như cho các doanh nghiệp, nhà hàng, cơ sở lưu trú.

Nhưng bên cạnh cơ hội bao giờ cũng có thách thức, mà một trong số đó là chất lượng phục vụ du khách, là chữ tín, là làm sao để không xảy ra tình trạng "chặt chém" khiến du khách một đi không trở lại, thậm chí còn là "tiếng dữ đồn xa".

Ngay đầu mùa du lịch năm nay đã xảy ra vụ ồn ào liên quan đến 3 khách Trung Quốc ăn hết 12kg hải sản ở Nha Trang. Hôm 10/4, nhóm du khách này phản ánh phải thanh toán hơn 8,7 triệu đồng cho 11,8kg hải sản (trong đó ghẹ 2,8kg, mực nhảy 2kg, sò kim và nhím biển mỗi loại 3,5kg).

Thấy gì từ vụ ồn ào 3 du khách ăn hết 12kg hải sản? - 1

Hóa đơn thể hiện 3 người đã gọi gần 12kg hải sản để sử dụng (Ảnh: L.T.S.).

Cơ quan chức năng TP Nha Trang sau đó đã vào cuộc và xác định việc nhà hàng bị tố cáo "chặt chém" là chưa chính xác vì kiểm tra thấy quán Nhà Bè đã bán đúng giá niêm yết.

Tuy nhiên, vấn đề chủ yếu gây tranh cãi nằm ở chi tiết "3 người ăn hết gần 12 kg hải sản", khi đặt ra nghi vấn gian dối số lượng thì phía cơ quan chức năng thừa nhận không điều tra được vì "thiếu tang vật". 

Trong khi đại diện quán Nhà Bè khẳng định với đoàn kiểm tra rằng "3 người có thể ăn hết 12kg hải sản là chuyện bình thường", rất nhiều chủ quán hải sản khác trên địa bàn Nha Trang đánh giá, điều này khó xảy ra do hải sản nhiều chất đạm, sức ăn một người khó "nạp" hết 4kg. Ở đây, để rộng đường dư luận, cũng cần nói thêm rằng hải sản là đồ ăn mà phần vỏ bỏ đi khá nặng (như cua, ốc, ghẹ, tôm...), vậy nên rất khó để tính chi li là "mỗi người ăn hết 4kg hải sản". 

Sự việc dù đã được cơ quan chức năng kết luận, nhưng thiết nghĩ qua đây một lần nữa cho thấy các cơ sở kinh doanh cũng như cơ quan quản lý cần hết sức chú ý đến giải pháp chống nạn "chặt chém", đồng thời nâng cao chất lượng dịch vụ để không xảy ra điều tiếng không đáng có.

Còn nhớ, hồi tháng 4 năm ngoái, một quán ăn tại TP Nha Trang cũng bị tố "chặt chém" khi 14 người ăn hải sản hết 42,5 triệu đồng. Người xưa có câu "được vạ thì má đã sưng", mỗi sự việc dù đúng sai ra sao thì ít nhiều cũng ảnh hưởng đến hình ảnh du lịch địa phương.

Tháng 4 là thời điểm bắt đầu bước vào mùa cao điểm du lịch. Những câu chuyện diễn ra đầu mùa thường có tính chất quan trọng trong định hướng du khách và qua đó tác động tới doanh số của cả năm. Trong khi các địa phương trên cả nước đang nỗ lực quảng bá hình ảnh với loạt lễ hội tốn kém thì về phía một bộ phận nhà hàng, quán hải sản hay đơn giản chỉ là các địa điểm trông giữ xe - vốn hưởng lợi trực tiếp từ hoạt động du lịch - lại là nơi nguy cơ cao tạo nên những luồng dư luận kém tích cực, chẳng khác gì… "ném đá" đuổi khách.

Vào tháng trước, Hội nghị trực tuyến toàn quốc về du lịch năm 2023 với chủ đề "đẩy nhanh phục hồi - tăng tốc phát triển" được đích thân Thủ tướng chủ trì. Lãnh đạo Chính phủ cũng như các doanh nghiệp lớn đều tỏ ra "sốt ruột" với tình hình hồi phục và phát triển du lịch trong năm nay.

Số lượng khách quốc tế đến Việt Nam năm 2022 đạt gần 3,7 triệu lượt người, tổng thu từ khách du lịch đạt 495.000 tỷ đồng (vượt trên 23% so với kế hoạch năm 2022). Với 6/17 chỉ số trụ cột (thuộc bộ chỉ số về năng lực phát triển du lịch) xếp vào nhóm dẫn đầu thế giới, du lịch Việt Nam là một trong 3 nước có mức tăng trưởng cao nhất.

Những con số nói trên là khả quan. Song rất nhiều vấn đề nhức nhối đã được chỉ ra để các bên nhìn thẳng vào thực tại: Tại sao du lịch Việt Nam mở cửa sớm nhưng lại "đi trước về chậm"? Tại sao tỷ lệ khách du lịch quốc tế trở lại Việt Nam còn thấp? Các giải pháp đúng và trúng chưa? Tại sao vẫn có tình trạng manh mún trong du lịch? Chúng ta đã làm tốt công tác quảng bá, xúc tiến du lịch chưa? Vì sao thông tin cho khách du lịch còn thiếu, yếu, mặc dù đã thúc đẩy kinh tế số, chuyển đổi số?.

Trở lại câu chuyện du lịch Nha Trang, đây là địa phương có thế mạnh khi được thiên nhiên ưu đãi. Vì yêu mến hương sắc, biển trời Nha Trang mà một số người bạn của tôi đã ở lại, sống và làm việc lâu dài tại thành phố biển này. Nha Trang vẫn là một trong những địa chỉ đầu tiên để lựa chọn khi chúng tôi lên phương án đi du lịch vào các kỳ nghỉ dài ngày.

Chính vì yêu mến Nha Trang, tôi nghĩ rằng chính quyền địa phương cần tăng cường công tác quản lý hơn nữa, không để xảy ra những lùm xùm đáng tiếc gắn với tính chất thiếu chuyên nghiệp, chụp giật và manh mún trong khai thác du lịch.

Theo ghi nhận của phóng viên Dân trí, giới kinh doanh trong nghề ở Nha Trang đã chỉ ra rằng, một số quán hải sản sử dụng cân lò xo để cân trọng lượng nên dễ xảy ra sai sót, vì loại cân này có thể chỉnh sai số được, do vậy, cần tiến đến sử dụng cân điện tử có giấy kiểm định khi mua bán.

Một chủ quán hải sản ở đường Hùng Vương (TP Nha Trang) cho hay, tại Nha Trang tồn tại thực trạng các quán muốn lôi kéo khách phải chi "hoa hồng" hậu hĩnh để taxi, xe ôm, xích lô đưa khách về giúp. Chi phí hoa hồng này đều được trả bằng tiền của khách hàng. "Cấu phần giá" bao gồm hoa hồng nhiều cấp như vậy, trong khi đã có giá niêm yết nên một số nhà hàng, quán ăn mới tìm cách "cân điêu" để có lợi nhuận?!

Bên cạnh đó, nhiều du khách vẫn chưa biết đến số đường dây nóng phản ánh tình trạng "chặt chém", do vậy nên chăng chính quyền địa phương yêu cầu tất cả các quán ăn dán một bảng lớn với nội dung "khách không hài lòng gọi cơ quan chức năng qua số điện thoại…" được dịch ra nhiều thứ tiếng, để người dân biết và phản ánh.

Thiết nghĩ, những thông tin thực tế và một vài "sáng kiến" đơn giản như vậy nên được các cơ quan hữu quan tại Nha Trang cân nhắc thực hiện.

Với những vụ ồn ào nghi vấn "chặt chém", chớ nên tư duy chủ quan rằng "vắng cô thì chợ vẫn đông", mất đi một vài khách du lịch sẽ chẳng ảnh hưởng tới tổng doanh số. Một đám lửa nhỏ nếu không xử lý kịp thời sẽ tạo nên cả vụ cháy rừng, khi những vụ "chặt chém" diễn ra nhiều hơn và tạo dư luận xấu trong xã hội (nhất là trong điều kiện internet phát triển mạnh như hiện nay) thì khủng hoảng truyền thông sẽ khó mà dập tắt.

Hãy nhìn vào dữ liệu này: Năm 2019, chúng ta đón 18 triệu lượt khách thì Thái Lan đón 40 triệu, 2023 chúng ta mục tiêu là 8 triệu thì họ đã đón 25 triệu và theo báo cáo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, năm 2030 chúng ta đón 35 triệu thì Thái Lan đến năm 2027 là 80 triệu khách.

Qua đó thấy rằng, để du lịch phát triển và vươn tầm khu vực là một quá trình nỗ lực bền bỉ, cần sự bứt phá không chỉ trong những chính sách vĩ mô mà còn cần sự chăm chút hình ảnh từ những đơn vị, chủ thể tham gia trong ngành công nghiệp không khói này. Chức năng của cơ quan quản lý không nên là can thiệp vào hoạt động kinh doanh của từng hộ kinh doanh hay doanh nghiệp nhưng phải tạo được "luật chơi" sòng phẳng, minh bạch, thiết lập được một môi trường sạch mà những ai gian lận phải bị phạt nặng.

Bản thân mỗi đơn vị kinh doanh cũng nên tư duy một cách chuyên nghiệp hơn trong cung cách phục vụ, đừng vội "tham bát bỏ mâm", vì lợi nhuận trước mắt mà để mất lợi ích lâu dài.

Tác giảBích Diệp tốt nghiệp chuyên ngành Kinh tế Đối ngoại trường Đại học Ngoại thương; gia nhập báo Dân Trí từ năm 2012 và chuyên đưa tin về kinh tế, hoạt động doanh nghiệp, thị trường chứng khoán.

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!