Tâm điểm
Trương Chí Hùng

Thận trọng với "hạ chuẩn" giáo viên

Sau hơn 5 năm vận hành Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 (còn gọi là Chương trình giáo dục phổ thông mới), bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn đó những khó khăn, thách thức, mà nổi lên hiện nay là vấn đề nguồn nhân lực.

Cụ thể, tình trạng thừa - thiếu giáo viên cục bộ vẫn diễn ra ở nhiều địa phương, đặc biệt là các môn tích hợp (Lịch sử và Địa lý, Khoa học tự nhiên) hoặc các môn đặc thù như Âm nhạc, Mỹ thuật, Tin học, Tiếng Anh ở bậc trung học cơ sở, tiểu học.

Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, hiện nay tổng số giáo viên còn thiếu trong cả nước là 118.000 người. Mặc dù lộ trình đến năm 2026, cấp có thẩm quyền đã giao chỉ tiêu bổ sung 65.980 biên chế giáo viên; riêng năm học 2022 - 2023 giao bổ sung 27.850 biên chế giáo viên mầm non, phổ thông công lập, năm học 2023 - 2024 giao bổ sung 27.860 biên chế. 

Thận trọng với hạ chuẩn giáo viên - 1

Cả nước hiện thiếu giáo viên trầm trọng ở các môn tích hợp: Lịch sử và Địa lý, Khoa học tự nhiên (Ảnh minh họa: Canva)

Tuy nhiên, nhiều địa phương đã không tuyển đủ chỉ tiêu được giao do hàng loạt vướng mắc, trong đó có quy định bằng cấp. Bởi lẽ, Luật giáo dục 2019 quy định giáo viên tiểu học, THCS và THPT phải có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên trở lên. 

Trước tình hình trên, Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa có dự thảo đề xuất cho phép địa phương được tuyển giáo viên có trình độ cao đẳng, sau đó nâng chuẩn. Quy định này chỉ áp dụng với các môn Lịch sử và Địa lý, Khoa học tự nhiên, Công nghệ, Tiếng Anh, Tin học, Âm nhạc và Mỹ thuật.

Có thể thấy với đề xuất trên, ngành Giáo dục đứng trước thế lưỡng nan, nếu không hạ chuẩn thì rất khó đáp ứng yêu cầu thiếu giáo viên trước mắt, còn nếu hạ chuẩn sẽ là bước lùi về chất lượng đầu vào so với yêu cầu đề ra của Luật cũng như Chương trình giáo dục phổ thông mới.  

Trước hết cần nhìn thấy một thực trạng đáng báo động là cả nước hiện thiếu giáo viên trầm trọng ở các môn tích hợp: Lịch sử và Địa lý, Khoa học tự nhiên. Khi ban hành Chương trình giáo dục phổ thông mới, những môn này được đưa vào giảng dạy bắt buộc. Tuy nhiên tới thời điểm hiện nay, chúng ta chưa có đội ngũ giáo viên nào đáp ứng đúng bằng cấp chuyên môn sư phạm Lịch sử và Địa lý hoặc sư phạm Khoa học tự nhiên.

Nhiều địa phương đành "chữa cháy" bằng cách cho các giáo viên đang dạy đơn môn Lịch sử và đơn môn Địa lý tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng ngắn hạn sau đó phụ trách dạy tích hợp. Đối với môn Khoa học tự nhiên nhiều nơi cũng xử lý theo cách tương tự. Dĩ nhiên, rất khó đòi hỏi chất lượng chuyên môn được đảm bảo tốt trong những trường hợp thầy cô phải dạy những khối kiến thức không phải sở trường.

Sự thiếu hụt và bị động về giáo viên khi triển khai một quyết sách quan trọng như Chương trình giáo dục phổ thông mới là vấn đề cần rút kinh nghiệm sâu sắc. Bởi chúng ta vẫn thường nói giáo viên phải là đội ngũ tiên phong trong đổi mới giáo dục, vậy nhưng nay đội ngũ tiên phong đó lại đang thiếu trước hụt sau.

Thế lưỡng nan cần được giải quyết, thiết nghĩ với sự thận trọng và chú trọng đến các giải pháp dài hạn, bởi giáo dục luôn là lĩnh vực có tác động to lớn đến sự hưng thịnh, phát triển của mỗi quốc gia, là "quốc sách hàng đầu".

Theo đó, việc hạ chuẩn nếu được chấp thuận cần kèm theo các tiêu chí xem xét chiều hướng phát triển chuyên môn của nguồn nhân lực đầu vào (có khả năng học lên đại học), cùng cam kết sẽ nâng chuẩn trong thời gian sớm nhất có thể.

Về lâu dài, thiết nghĩ Bộ Giáo dục và Đào tạo cần tạo cơ chế cởi mở hơn để các trường sư phạm có thể mở mã ngành sư phạm Lịch sử và Địa lý, Khoa học tự nhiên.

Bên cạnh đó, Bộ có thể xem xét cho phép tăng chỉ tiêu tuyển sinh đối với các nhóm môn đang thiếu giáo viên, nhằm đảm bảo số sinh viên được đào tạo ra trường đủ đáp ứng nhu cầu về nguồn nhân lực giáo dục tại địa phương. Những năm qua, có nhiều ngành sư phạm Bộ giới hạn chỉ tiêu tuyển sinh không quá 20 sinh viên mỗi năm. Điều này gây khó khăn lớn cho các cơ sở đào tạo, đồng thời số sinh viên tốt nghiệp không đủ số lượng cho nhu cầu tuyển dụng viên chức tại địa phương.

Có một thực tế đáng lo ngại nữa là nhiều giáo viên nhóm ngành sư phạm Tiếng Anh, Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật lại ít chịu theo nghề giáo, trong khi nhiều tỉnh thành đang thiếu.

Chưa kể đến, theo thống kê gần đây, mỗi năm cả nước có hơn 16.000 giáo viên bỏ bục giảng để chuyển sang làm các công việc khác. Hiện trạng này cho thấy, chế độ đãi ngộ dành cho nghề giáo chưa thực sự tương xứng với công sức thầy cô bỏ ra. Nói cách khác, nghề giáo viên không còn hấp dẫn để thu hút nguồn nhân lực chất lượng tiếp tục gắn bó.

Ngành Giáo dục cần sớm nghiên cứu phương án nâng cao chế độ tiền lương, phụ cấp cho nhà giáo, giảm bớt những áp lực đối với thầy cô. Chỉ khi nào người giáo viên sống được bằng lương, hạnh phúc với nghề thì chắc chắn họ sẽ gắn bó dài lâu, và nhiều người trẻ cũng sẽ chọn ngành sư phạm để cống hiến.

Các nền giáo dục tiên tiến trên thế giới luôn chú trọng đến trình độ chuyên môn, kỹ năng nghiệp vụ của đội ngũ sư phạm, vì điều này có tính chất quyết định cho sự thành bại khi vận hành "cỗ máy" giáo dục.

Vì vậy, giải pháp "hạ chuẩn" giáo viên cần được đặt trong tổng thể các giải pháp để tiếp tục nâng chuẩn nền giáo dục nước nhà, chứ không phải ngược lại.

Tác giả: Trương Chí Hùng là nhà văn trẻ của Đồng bằng sông Cửu Long, hiện làm giảng viên Trường Đại học An Giang. Anh đã xuất bản nhiều cuốn sách về vùng đất và con người Nam Bộ; nổi tiếng với bút ký "Man mác Vàm Nao" - đoạt Giải Nhất Cuộc thi Bút ký ĐBSCL năm 2017.

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!