Tầm soát ung thư: Đừng kiếm tiền dựa trên sự sợ hãi!
Ung thư là nỗi kinh hoàng của mọi người. Nhìn ra xung quanh, ta thấy có những trường hợp từ khi phát hiện ra ung thư đến khi chết thường có đời sống còn lại rất ngắn, có khi chỉ tính bằng tháng. Mà trước khi chết người không may ấy còn trải qua những điều trị tốn kém cùng những đau đớn về thể xác cũng như tinh thần. May mắn thay, giờ đây ung thư đã có thể chữa khỏi nếu như phát hiện sớm.
Vì thế phát hiện sớm ung thư là vấn đề được đông đảo người dân cũng như các nhà quản lý y tế quan tâm. Để phát hiện sớm ung thư thì ngoài các phương pháp chụp chiếu nội soi sinh thiết, hiện nay đang phát triển phương pháp lấy máu xét nghiệm tìm các chất bất thường chỉ điểm ung thư, còn gọi là marker ung thư.
Nhưng, với giới bác sĩ trực tiếp điều trị thì quan điểm khá mâu thuẫn nhau. Nhiều bác sĩ ủng hộ các xét nghiệm máu tìm marker ung thư, song cũng có những người nghi ngại, chỉ tin vào phương pháp chụp chiếu truyền thống.
Thật ra hiện nay các biện pháp chụp chiếu truyền thống đã khá tốt, đủ để phát hiện sớm hầu hết dạng ung thư phổ biến nếu như người dân chịu khó làm đủ các lần khám định kỳ. Ví dụ chụp Xquang ngực hoặc nhũ ảnh định kỳ ta có thể phát hiện sớm các nốt ung thư phổi hay ung thư vú, soi dạ dày khi có đau thượng vị kéo dài giúp phát hiện ung thư dạ dày sớm, siêu âm bụng thường xuyên giúp phát hiện sớm bất thường trong gan, soi đại tràng định kỳ có thể phát hiện ung thư đại tràng từ rất sớm, khám phụ khoa định kỳ giúp phát hiện ung thư cổ tử cung từ giai đoạn tiền ung thư...
Tuy nhiên các biện pháp khám truyền thống này khá là phiền toái và mỗi biện pháp hầu như chỉ phát hiện ra được một loại ung thư mà thôi. Vì thế, loài người có một ước mơ cháy bỏng là làm sao chỉ bằng một xét nghiệm có thể biết hết mọi bệnh. Như trong các phim về thần y ấy, chỉ bắt mạch một cái là ra hết mọi bệnh.
Xét nghiệm tìm marker ung thư ra đời và được đặt nhiều kỳ vọng, cũng giống như thần y, chỉ một lần lấy máu thôi cũng có thể biết được có ung thư gì hay không.
Tôi nói vậy không có ý bài bác gì các xét nghiệm tìm marker ung thư. Thật ra đây là những tiến bộ trong nghiên cứu về ung thư.
Qua nghiên cứu về ung thư, các nhà khoa học phát hiện ra rằng khi tổ chức ung thư xuất hiện thì nó cũng tiết ra một số chất lạ, thường là protein, nếu ta xét nghiệm thấy những chất này trong máu, ta có thể biết đã có ung thư xuất hiện. Nguyên lý chung là như thế, hoàn toàn khoa học, nhưng khi đưa ra ứng dụng thực tế lại rất khó khăn.
Vì sao thế? Thứ nhất, vì những chất gọi là "lạ" ấy có nồng độ trong máu rất thấp, phải cần có các máy xét nghiệm đắt tiền mới phát hiện được.
Thứ hai, các chất gọi là "lạ" ấy thật ra cũng không hoàn toàn là lạ, cũng như tế bào ung thư tuy cũng gọi là tế bào lạ nhưng cũng là tế bào của cơ thể con người, không hề bị cơ thể thải trừ. Có thể hiểu cái gọi là "lạ" ấy khác biệt rất nhỏ, nên cũng được cơ thể con người sản xuất ở một hoàn cảnh nào đó. Từ đó dẫn đến những sai lầm. Có khi xét nghiệm dương tính nhưng lại không phải là ung thư, vì có thể do tổ chức lành khác sản xuất; có khi ung thư thật nhưng nồng độ chất đó quá thấp, máy không phát hiện ra...
Tức là tôi đang nói một cách đơn giản về đặc tính của một xét nghiệm: Độ nhạy và độ đặc hiệu. Độ nhạy là khả năng cao một xét nghiệm tìm ra ung thư. Độ đặc hiệu là nếu xét nghiệm ấy khẳng định là ung thư thì chính đó là ung thư, chứ không phải là cái khác.
Để các bạn có khái niệm về độ nhạy và độ đặc hiệu dùng trong y khoa, tôi xin đưa ra câu chuyện vui về đi xem bói đoán giới tính thai nhi. Bây giờ ai có thai, mà đi xem bói để đoán giới tính thai nhi, tức là làm một cái test có xác suất đúng là 50%! Chẳng gái thì trai. Chúng ta thấy ngay một xét nghiệm mà khả năng đúng chỉ 50% chắc chắn không dùng được. Một xét nghiệm muốn được dùng trong ngành y thường phải có độ chính xác trên 90%.
Thật đáng tiếc, các xét nghiệm tìm marker ung thư hiện nay đều có độ nhạy và độ đặc hiệu chưa cao. Rất nhiều ví dụ có thể kể về những xét nghiệm kiểu này. Nhiều người xét nghiệm dương tính, lo lắng đi làm các xét nghiệm chuyên sâu khác để kiểm tra thì không thấy có ung thư, thế là mất bao nhiêu tiền bạc và thời gian chỉ vì cái báo động giả kia.
Ngược lại, có người thì xét nghiệm âm tính, nhưng một thời gian sau thấy có ung thư. Bản thân tôi trong khám chữa bệnh hàng ngày, qua các biện pháp khám truyền thống tôi thỉnh thoảng phát hiện ra ung thư cho người bệnh, chứ chưa phát hiện ca ung thư nào qua các thử máu tìm marker ung thư. Có thể chỗ tôi làm việc chưa thử test này nhiều.
Hy vọng trong tương lai, các nghiên cứu sâu hơn sẽ tìm ra các chất chỉ thị ung thư chính xác hơn. Khi ấy mơ ước của con người sẽ thành hiện thực, chỉ cần lấy một giọt máu, cho vào máy là chẩn đoán ra hết mọi bệnh.
Còn hiện nay quan điểm của tôi trong chẩn đoán sớm ung thư vẫn là tôn trọng các biện pháp truyền thống, được sự tư vấn cẩn thận của các bác sĩ chuyên khoa ung bướu. Các xét nghiệm máu tìm marker ung thư nên được tư vấn bởi các bác sĩ chuyên khoa ung bướu, thay vì người bệnh tự ý xét nghiệm tràn lan như bây giờ.
Tác giả: Tiến sĩ, bác sĩ Quan Thế Dân tốt nghiệp Đại học Y Hà Nội 1983, từng công tác điều trị và giảng dạy tại một số cơ sở y tế ở TP HCM và Hà Nội, sau khi nghỉ hưu hiện đang tiếp tục công tác trong lĩnh vực y tế tư nhân.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!