Tâm điểm
Vân Thiêng

"Tạm đình chỉ" đúng và kịp thời để bộ máy mạnh lên

Thay mặt Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Lương Cường vừa ký ban hành Quy định 148 của Bộ Chính trị về thẩm quyền của người đứng đầu trong việc tạm đình chỉ công tác đối với cán bộ cấp dưới trong trường hợp cần thiết hoặc khi có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước

Trước hết, phải hiểu rằng, tạm đình chỉ công tác không phải là một hình thức kỷ luật. Mà đó chỉ là buộc cán bộ dừng thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao trong thời hạn nhất định. Quy định 148 của Bộ Chính trị yêu cầu người đứng đầu cơ quan, tổ chức "tạm đình chỉ cán bộ" là để ngăn chặn những hậu quả tiêu cực có thể xảy ra, nếu người ấy tiếp tục tại vị, có những chỉ đạo, việc làm không đúng chức trách nhiệm vụ được giao.

Theo Quy định này, có 5 căn cứ để tạm đình chỉ công tác đối với cán bộ trong trường hợp cần thiết, gồm:

-   Cán bộ có hành vi vi phạm về phẩm chất đạo đức, lối sống gây ảnh hưởng tiêu cực, bức xúc trong dư luận, ảnh hưởng xấu đến uy tín tổ chức, cá nhân.

-   Cán bộ cố tình trì hoãn, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, không thực hiện công việc thuộc thẩm quyền theo chức năng, nhiệm vụ được giao.

-   Cán bộ có hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức trong quá trình thực thi công vụ.

-   Cán bộ đang bị xem xét, xử lý kỷ luật mà cố ý trì hoãn, trốn tránh không thực hiện yêu cầu của cấp có thẩm quyền trong quá trình xem xét, xử lý vi phạm của bản thân hoặc lợi dụng chức vụ, quyền hạn, ảnh hưởng của mình, của người khác để tác động, gây khó khăn cho việc xem xét, xử lý.

-   Cán bộ bị kỷ luật đảng bằng hình thức cảnh cáo hoặc cách chức và đang trong thời gian chờ xem xét, xử lý chức vụ chính quyền mà nếu tiếp tục công tác sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động của cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị.

Tạm đình chỉ đúng và kịp thời để bộ máy mạnh lên - 1

Một trong 5 căn cứ tạm đình chỉ công tác đối với cán bộ là trường hợp có hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức trong quá trình thực thi công vụ (Tranh minh họa: Ngọc Diệp)

Cùng với đó, Quy định 148 cũng nêu căn cứ tạm đình chỉ công tác đối với cán bộ trong trường hợp có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng, cụ thể là:

-   Cán bộ bị khởi tố để phục vụ công tác điều tra.

-   Trong quá trình xem xét, xử lý hành vi vi phạm của cán bộ, có cơ sở xác định phải xử lý kỷ luật từ cảnh cáo trở lên hoặc xử lý bằng pháp luật hình sự mà cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án có văn bản đề nghị tạm đình chỉ công tác đối với cán bộ.

Quy định cũng nêu rõ phạm vi quyền hạn, trách nhiệm của người đứng đầu khi quyết định tạm đình chỉ công tác với cán bộ cấp dưới. Trong đó, nghiêm cấm lợi dụng việc tạm đình chỉ cán bộ "vì mục đích cá nhân".

Có thể nói, sau Quy định số 142 ban hành cuối tháng 4 vừa rồi về thí điểm giao quyền, trách nhiệm cho người đứng đầu được lựa chọn, giới thiệu nhân sự cấp phó giúp việc cho mình thì với Quy định 148 lần này, hệ thống quy định về công tác cán bộ đã tiến thêm một bước nữa trong việc đề cao tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu khi được lựa chọn cán bộ giúp việc và phải chịu trách nhiệm đến cùng về sự lựa chọn đó. Được quyền lựa chọn, giới thiệu, người đứng đầu ắt phải có những thẩm quyền cần thiết trên cơ sở quy định, trong đó có quyền "tạm đình chỉ" công việc của cán bộ cấp dưới trong trường hợp cần thiết, hoặc trong trường hợp phát hiện họ có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng, nguy cơ làm hỏng công việc chung.   

Và cùng với kết luận số 14-KL/TW tháng 9/2021 của Bộ Chính trị về "chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung", thì Quy định 148 là sự nhất quán quan điểm của Đảng về phẩm chất, năng lực của đội ngũ cán bộ trong hệ thống chính trị của đất nước.

Đã là cán bộ trong hệ thống chính trị, nhận lương từ tiền thuế của dân, đương nhiên là phải hết lòng tận tụy, phục vụ hết mình cho nhân dân. Ai biếng nhác, cố tình đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, thậm chí là vi phạm kỷ luật, pháp luật, đi ngược lại mục tiêu, lý tưởng, đạo đức công vụ, người ấy phải bị dừng công việc. Cán bộ có chức vụ càng cao, càng phải có nghĩa vụ làm việc, cống hiến nhiều hơn cho dân cho nước.

Giá trị của tinh thần đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ dám làm là điều ai cũng thấy, cũng công nhận. Nhưng để có được đội ngũ cán bộ như vậy, đòi hỏi bản lĩnh của mỗi người và cơ chế khuyến khích, bảo vệ họ, cũng như có những hình thức xử lý kịp thời, xác đáng nếu cán bộ trì trệ, không chịu làm.

Tạm đình chỉ công tác đối với cán bộ dưới quyền trực tiếp, nếu làm tốt, làm vô tư, khách quan là cách để người đứng đầu chủ động kiểm soát việc chấp hành của đội ngũ cán bộ trong quá trình triển khai nghị quyết, chương trình, kế hoạch, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị; ngăn chặn, thay thế kịp thời những cán bộ trì trệ, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, nhũng nhiễu người dân và doanh nghiệp…

Cán bộ một khi đã bị đưa vào tầm ngắm, bị "tạm đình chỉ" theo đúng quy định, hẳn nhiên là "có vấn đề". Chỉ những cán bộ nào thực sự có năng lực, có tinh thần cống hiến, tận tâm tận lực với công việc, chí công vô tư, không tham ô tham nhũng… mới có đủ tự tin để lấy lại sự trong sạch, công bằng cho mình.

Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh thường nói với cán bộ: "Việc gì lợi cho dân ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân ta phải hết sức tránh". Cán bộ, đảng viên có tinh thần vì dân vì nước phải là những cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám hy sinh vì lợi ích chung. Ai không làm được điều ấy, sớm muộn gì cũng bị loại ra khỏi bộ máy. Quán triệt và thực hiện tốt chủ trương về công tác cán bộ của Đảng là cách để đất nước có được đội ngũ cán bộ đảng viên mang tinh thần đổi mới và khát khao cống hiến.

Tác giả: Ông Nguyễn Vân Thiêng là nhà báo với hơn 30 năm trong nghề, hiện công tác tại Đài Tiếng nói Việt Nam.

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!