Vì sao TPHCM bỏ tổ dân phố, tổ nhân dân, giảm 38.000 người?

Q.Huy

(Dân trí) - Với việc sắp xếp lại khu phố - ấp, không còn tổ dân phố - tổ nhân dân, TPHCM sẽ tinh giản từ hơn 64.000 người xuống còn hơn 26.000 người hưởng phụ cấp. Kinh phí hàng năm được tiết giảm 44 tỷ đồng.

Mô hình tổ chức thêm tổ dân phố - tổ nhân dân bên dưới khu phố - ấp tại TPHCM không còn phù hợp với quy định của Bộ Nội vụ. Đây là một trong những nguyên nhân cần thiết sắp xếp lại mô hình, được Ban Cán sự Đảng UBND TPHCM nêu rõ tại tờ trình gửi tới Ban Thường vụ Thành ủy.

Trong thực tế, mô hình này đã tồn tại từ những ngày đầu tiên thành lập chính quyền TPHCM và thể hiện vai trò quan trọng trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của chính quyền địa phương. Tuy nhiên, trong tình hình mới và mục tiêu thu gọn các đơn vị hành chính, việc tính phương án lược giản cấp chính quyền trung gian là điều cần thiết đối với TPHCM.

Vì sao TPHCM bỏ tổ dân phố, tổ nhân dân, giảm 38.000 người? - 1

Mô hình tổ dân phố - tổ nhân dân được TPHCM áp dụng từ ngày đầu tiên thành lập chính quyền (Ảnh minh họa: Phương Nhi).

Giảm từ 64.000 người còn hơn 26.000 người, tiết kiệm 44 tỷ đồng/năm

Với mô hình tổ dân phố - tổ nhân dân như hiện tại, TPHCM đang có 2.008 khu phố - ấp và 25.369 tổ dân phố - tổ nhân dân. Kinh phí hàng năm ngân sách thành phố cần chi phụ cấp, hỗ trợ cho các mô hình này là hơn 527 tỷ đồng.

Theo phương án được Ban Cán sự Đảng UBND TPHCM lựa chọn, địa phương sẽ sắp xếp lại các tổ dân phố - tổ nhân dân. Phía dưới thị trấn, phường, xã chỉ còn mô hình khu phố - ấp.

Vì sao TPHCM bỏ tổ dân phố, tổ nhân dân, giảm 38.000 người? - 2

Sau khi sắp xếp lại theo phương án mới, TPHCM sẽ tiết giảm được 44 tỷ đồng mỗi năm chi cho các khu phố - ấp (Ảnh: Hữu Khoa).

Với mô hình này, TPHCM chỉ còn lại 5.242 khu phố - ấp là mô hình duy nhất phía dưới thị trấn - phường - xã. Số chức danh hưởng phụ cấp tại từng khu phố - ấp được giảm từ 13 người xuống còn 3 người là Bí thư chi bộ, Trưởng khu phố - ấp và Trưởng ban công tác mặt trận.

Sau khi sắp xếp lại, số người hoạt động hưởng phụ cấp tại khu phố - ấp sẽ giảm từ hơn 64.000 người, còn hơn 26.000 người. Đồng thời, tổng kinh phí chi cho các khu phố - ấp sau khi sắp xếp là hơn 482 tỷ đồng/năm, giảm 44 tỷ so với việc duy trì tổ dân phố - tổ nhân dân.

Giảm đột ngột quá lớn sẽ tạo những lúng túng bước đầu

Ban Cán sự Đảng UBND TPHCM nhận định, việc sắp xếp lại tổ chức, mô hình hoạt động sẽ giúp địa phương đảm bảo đúng quy định của Trung ương, tinh gọn bộ máy, tinh giản nhân sự và giảm quy mô số hộ của khu phố - ấp cũ. Mặt khác, tên gọi khu phố - ấp phù hợp lịch sử địa phương, giữ gìn bản sắc và không phải điều chỉnh các tổ chức chính trị - xã hội dưới phường, xã, thị trấn.

Sau khi sắp xếp, các khu phố - ấp có thể sử dụng trụ sở đã có hoặc mượn trụ sở của các trường học, cơ quan trú đóng trên địa bàn. Vấn đề này có thể vận dụng linh hoạt theo đặc điểm từng nơi nhằm tạo điều kiện thuận lợi về địa điểm sinh hoạt.

Vì sao TPHCM bỏ tổ dân phố, tổ nhân dân, giảm 38.000 người? - 3

Việc không còn tổ dân phố - tổ nhân dân được dự báo sẽ có những khó khăn bước đầu (Ảnh minh họa: Phương Nhi).

Tuy nhiên, TPHCM cũng nhìn trước những khó khăn, bất cập có thể phát sinh trong quá trình thực hiện. Việc triển khai mô hình mới sẽ khiến số lượng người tham gia điều hành khu phố - ấp, tổ trưởng, tổ phó tổ dân phố - tổ nhân dân giảm đột ngột quá lớn, tạo những lúng túng bước đầu.

Khi không còn tổ chức tổ dân phố - tổ nhân dân ở bên dưới, mỗi khu phố - ấp chỉ còn 5 chức danh hoạt động không chuyên trách sẽ tạo áp lực tương đối cao với 450 hộ dân/khu phố và 350 hộ/ấp. Do đó, người làm nhiệm vụ ở khu phố - ấp cần là thành viên có tâm huyết, có khả năng thích ứng với cường độ công việc và có khả năng sử dụng công nghệ thông tin.

Trước những thuận lợi và khó khăn nêu trên, Ban Cán sự Đảng UBND TPHCM xác định, các nội dung sắp xếp lại mô hình khu phố - ấp, không còn tổ dân phố - tổ nhân dân sẽ hoàn thành trong năm 2025.