Tâm điểm
Lưu Đình Long

Quà cảm ơn hay tiền hối lộ?

Tiền hối lộ và quà cảm ơn là hai thứ khác nhau. Điều tưởng như đơn giản này, nhưng thật kỳ lạ là nhiều bị cáo trong phiên tòa xét xử đại án "chuyến bay giải cứu" - những quan chức từng giữ vị trí quan trọng, lại tỏ ra không biết hoặc sau khi "vào lò" mới biết theo như lời nói trước tòa của họ.

Có vị cựu thứ trưởng khai rằng không làm lĩnh vực quản lý kinh tế nên không phân biệt được ranh giới giữa nhận "cảm ơn" với hành vi phạm tội. Khi làm việc với cơ quan điều tra, được giải thích và được "đọc hai quyển luật" thì ông mới nhận ra sai phạm của mình (?).

Sự "ngơ ngác" trước tòa của những bị cáo vốn học hành đầy đủ, công tác trong cơ quan nhà nước hàng chục năm, nắm vững pháp luật hơn ai hết, không khỏi khiến nhiều người dân theo dõi phiên tòa lắc đầu ngán ngẩm và thêm bức xúc.

Ngán ngẩm vì bị cáo không phân biệt được ranh giới giữa quà cảm ơn và tiền hối lộ, thậm chí cho rằng nhận tiền sau khi chuyến bay hoàn thành nên đã nhận thức đó là quà cảm ơn. Kết luận điều tra và cáo trạng chứng minh điều ngược lại. Và bất cứ người dân nào với nhận thức pháp luật thông thường cũng hiểu rằng không thể có quà cảm ơn lên đến hàng trăm triệu đồng, hàng tỷ đồng và đưa nhiều lần. Đặc biệt đây là hành vi đưa và nhận tiền trong bối cảnh "xin - cho" cấp phép "chuyến bay giải cứu" - một chủ trương đúng đắn, nhân văn cần được tổ chức thực hiện minh bạch, kịp thời.

Quà cảm ơn hay tiền hối lộ? - 1

Phiên tòa xét xử đại án "chuyến bay giải cứu" ngày 13/7 (Ảnh: Hải Nam).

Ngay cả với quà tặng thì Luật Phòng, chống tham nhũng quy định rõ ràng: Cơ quan, tổ chức, đơn vị, người có chức vụ, quyền hạn không được trực tiếp hoặc gián tiếp nhận quà tặng dưới mọi hình thức của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan đến công việc do mình giải quyết hoặc thuộc phạm vi quản lý của mình.

Từ những lý lẽ đó, có thể thấy rằng nhiều người dân vốn đã bức xúc trước việc bị cáo nhận tiền hối lộ trong bối cảnh dịch bệnh, trong khi đồng bào khổ sở nơi xứ người, thì càng thêm bức xúc bởi những lời khai như nêu trên.

Tôi vẫn nhớ thời điểm cam go ấy của dịch bệnh. TPHCM bị phong tỏa. Những ngày cao điểm không thấy một bóng người trên những con đường vốn đông đúc, chỉ có những chiếc xe cứu thương hay xe của lực lượng chức năng làm nhiệm vụ lăn bánh.

Khi các nhân viên y tế, những người lính… lăn xả chống dịch nơi tuyến đầu. Khi những em bé dành tiền ăn sáng, các cụ già dành tiền lương hưu, tiền tiết kiệm, những phụ nữ tiết kiệm chi tiêu, những công chức, viên chức, công nhân tiết kiệm ngày lương để ủng hộ Quỹ vaccine phòng Covid-19. Tất cả đều chung một mục đích đưa đất nước thoát khỏi đại dịch, để cuộc sống sớm trở lại bình thường, thì các bị cáo đang tâm thực hiện hành vi phạm tội, trục lợi cá nhân, rồi lý giải rằng… nhận thức đó là quà cảm ơn.

Phiên tòa đang diễn ra, chúng ta không đi sâu vào các tình tiết pháp lý ở đây vì điều đó sẽ được các bên liên quan cũng như Hội đồng xét xử đưa ra quan điểm. Nhưng có những điều cần minh định.

Thứ nhất, tiền hối lộ không phải và không thể là quà cảm ơn. Trong thực tế, quà cảm ơn ở mức độ nhất định và trong hoàn cảnh cụ thể nào đó là văn hóa của người Việt, nhưng rõ ràng không phải với vụ việc "chuyến bay giải cứu" cả về pháp luật và đạo lý như đã phân tích ở trên.

Ở đây cũng phải nhấn mạnh thêm rằng, cảm ơn và xin lỗi là hai lời nói mà có lẽ bất cứ ai cũng được dạy dỗ từ khi còn bé. Lời cảm ơn giúp người ta ấm lòng vì cảm nhận việc mình làm mang tới giá trị cho ai đó; lời xin lỗi khiến người ta nhẹ lòng vì biết được người nói đã nhận thức sai lầm của họ.

Cảm ơn và xin lỗi là văn hóa giúp con người lớn lên, trưởng thành, thực sự là con người. Văn hóa tốt đẹp này từ khi nào bị biến tướng thành "văn hóa phong bì", thành "quà cảm ơn"? Xin đừng đánh tráo khái niệm! Hãy thành thật và thẳng thắn với nhau rằng văn hóa cảm ơn có ranh giới rất rõ ràng với hành vi đưa và nhận hối lộ. Ai đó nhắm mắt làm liều và làm ngơ thì mới xóa nhòa ranh giới này.

Thứ hai, cán bộ Nhà nước phải là những người hiểu biết pháp luật, nhất là với những nguyên tắc cơ bản trong thi hành công vụ, trong phòng chống tham nhũng. Bởi vậy một người từng giữ chức vụ quan trọng lại nói rằng phải đọc hai quyển sách luật thì mới biết vi phạm là điều rất… khó nghe.

Bạn có tin điều đó hay không? Tôi thì không thể nào tin được.

Luật cán bộ, công chức quy định 5 nguyên tắc cơ bản trong thi hành công vụ mà bất cứ ai tham gia phục vụ trong hệ thống chính trị cũng phải thuộc lòng, đó là tuân thủ Hiến pháp và pháp luật; đó là bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân; đó là công khai, minh bạch, đúng thẩm quyền và có sự kiểm tra, giám sát…

Một người bao nhiêu năm làm cán bộ, một ngày nói rằng không phân biệt được quà cảm ơn và tiền hối lộ thì những nguyên tắc cơ bản đó để ở đâu khi thi hành công vụ?

Thiết nghĩ, mỗi phiên tòa cụ thể cùng với sự trừng phạt của pháp luật thì còn có ý nghĩa là sự răn đe, là bài học cho tất cả những ai cần tu dưỡng, rèn luyện mỗi ngày. Quy định với người cán bộ, công chức là rất rõ ràng, bởi vậy không thể mơ hồ và càng không thể đánh tráo khái niệm.

Tôi tin rằng pháp luật và "luật nhân quả" không bỏ sót bất kỳ ai; dù phạm tội chưa bị pháp luật sờ gáy thì vẫn phải trả giá tương xứng với hành vi đã làm (thậm chí cả ý đã khởi, lời đã nói) vào một lúc nào đó. Bởi vậy mới có câu "lưới trời lồng lộng, tuy thưa mà khó lọt".

Tác giả: Ông Lưu Đình Long là nhà báo, cư sĩ, từng làm công tác tòa soạn tại báo Giác Ngộ; tác giả của các đầu sách: Lắng nghe hơi thở, Tâm kinh mình thuyết cho mình, Như mây thong dong, Như gió an lành, Bình an mà sống, Sống tích cực, thương chân thành.

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!