Tâm điểm
Nguyễn Văn Đáng

Phạt nặng việc dùng công nghệ chọn giới tính thai nhi: Cần nhưng chưa đủ

Trong dự thảo Luật dân số đang được lấy ý kiến, Bộ Y tế đã đề xuất quy định cấm lựa chọn giới tính thai nhi, và tăng chế tài xử phạt với các hành vi lạm dụng công nghệ để lựa chọn giới tính của một con người từ khi còn trong bào thai.

Theo thống kê của ngành Y tế, tính từ năm 2006 đến nay, tình trạng chênh lệch giới tính khi sinh ở nước ta đang diễn biến đáng lo ngại. Tính đến năm 2023, sự chênh lệch giới tính khi sinh vẫn ở mức cao, với 112 bé trai trên 100 bé gái (trong khi mức sinh tự nhiên thường là khoảng 105/100).

Nghị định 117/2020 về xử phạt hành chính trong lĩnh vực y tế quy định tổ chức, cá nhân bị phạt tiền 15-20 triệu đồng nếu chỉ định hoặc hướng dẫn sử dụng thuốc, áp dụng phương pháp để có được giới tính thai nhi theo ý muốn. Cơ sở y tế, nhân viên y tế vi phạm quy định trên có thể bị đình chỉ hoạt động, tước quyền sử dụng giấy phép hành nghề đến 3 tháng.

Có thể thấy chế tài nêu trên là khá nhẹ nhàng, vì vậy đề xuất tăng mức xử phạt của Bộ Y tế là cần thiết.

Phạt nặng việc dùng công nghệ chọn giới tính thai nhi: Cần nhưng chưa đủ - 1

Nụ cười rạng rỡ của người mẹ khi thiên thần nhí của mình chào đời khỏe mạnh trong thời khắc đặc biệt (0h ngày 1/1/2024) tại Bệnh viện Từ Dũ, TPHCM (Ảnh: MT).

Hiện nay, với sự tiến bộ của các công nghệ hiện đại, việc xác định giới tính thai nhi có thể thực hiện từ sớm và nhờ đó, nhiều gia đình có thể lựa chọn giới tính để quyết định sự phát triển của thai nhi, có sinh hay không. Mặc dù lạm dụng công nghệ hiện đại có thể không phải là yếu tố duy nhất nhưng chúng ta đang phải chứng kiến thực tế đáng quan ngại, đó là xu hướng chênh lệch giới tính khi sinh.

Đặt trong bối cảnh một xã hội đang phát triển như nước ta hiện nay, sở thích con trai hơn con gái không chỉ bắt nguồn từ truyền thống văn hóa Á Đông với tâm lý "trọng nam khinh nữ', hay nhu cầu tất yếu của các gia đình trong xã hội nông nghiệp, cần người có sức khỏe để lao động và đàn ông để nối dõi tông đường.

Thực tế thì nhiều đặc điểm của nền kinh tế nước ta hiện nay vẫn đang phát huy những lợi thế của nam giới, đó là chưa hoàn thành quá trình công nghiệp hóa, các lĩnh vực kinh tế và các thành phần kinh tế chưa phát triển đa dạng khiến nhu cầu lao động còn hạn chế, thị trường lao động trong bối cảnh chuyển đổi và hội nhập quốc tế cũng ngày càng cạnh tranh hơn….

Kể cả các gia đình không còn sản xuất nông nghiệp thì trong bối cảnh hiện nay, một người con trai vẫn ít nhiều có lợi thế hơn con gái trong quá trình học tập, tìm việc làm và phát triển sự nghiệp.

Không riêng Việt Nam mà ở các quốc gia đang phát triển, những lĩnh vực cần nhiều lao động và cho thu nhập cao như xây dựng, công nghệ, kinh doanh… đều có thiên hướng phù hợp hơn với nam giới.

Trong khi đó, những công việc vốn phù hợp và thu hút nhiều lao động nữ như giáo dục, y tế thì ngày càng cạnh tranh hơn. Các ngành sản xuất vốn cần nhiều lao động nữ như dệt may, lắp ráp điện tử… lại có thu nhập thấp, dễ bị sa thải khi ở độ tuổi ngoài 40, và xu hướng sẽ giảm dần cùng tiến trình hiện đại hóa nền kinh tế.

Với những công việc lãnh đạo và quản lý, cả khu vực công và tư, có thể thấy nhiều gương mặt phụ nữ thành công, tuy nhiên nếu nhìn vào số liệu thống kê thì nam giới vẫn đang chiếm ưu thế. Đơn cử với khối doanh nghiệp trong nước, tỷ lệ phụ nữ làm chủ hiện nay chỉ chiếm khoảng 20%.

Như vậy, chúng ta cần hiểu rằng tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh ở nước ta hiện nay là hệ quả từ tổng hòa các điều kiện kinh tế, giá trị văn hóa truyền thống, quan niệm và thói quen tâm lý, cũng như trình độ phát triển kinh tế - xã hội. Vì thế, những nỗ lực loại bỏ các hành động "trọng nam hơn nữ" trong thời gian tới vẫn sẽ còn rất gian nan.

Dĩ nhiên là gian nan nhưng không thể không làm!

Về kinh tế, nếu chỉ vì những lợi thế cá nhân mà quyết định lựa chọn giới tính khi sinh thì trước hết có thể ảnh hưởng đến sự cân bằng tự nhiên của nguồn lực lao động. Về lâu dài, sự lệch lạc về cơ cấu giới của lực lượng lao động sẽ dẫn đến những hệ lụy bất ổn cho sự tăng trưởng kinh tế.

Xét về mặt xã hội, nếu không kiểm soát việc lựa chọn giới tính thai nhi, sự chênh lệch giới tính giữa nam và nữ ở nước ta sẽ có thể tiếp tục gia tăng. Theo một nghiên cứu của Ngân hàng thế giới, công bố tháng 4/2022, Việt Nam có thể phải đối diện với nguy cơ dư thừa nam giới vào giữa thế kỷ 21.

Sau ba thập kỷ nữa, Việt Nam sẽ có khoảng 2,3 đến 4,3 triệu nam giới gặp khó khăn nếu muốn kết hôn với phụ nữ ở trong nước.

Nếu các tính toán nêu trên trở thành hiện thực thì tình trạng mất cân bằng giới tính sẽ dẫn đến nhiều hậu quả xã hội, như nguy cơ khó kết hôn của nam giới trong tương lai, sự mất cân bằng về cơ cấu xã hội, tiềm ẩn căng thẳng xã hội, và sâu xa hơn là ảnh hưởng tiêu cực đến vị thế xã hội của phụ nữ.

Xét về mặt đạo đức, việc lựa chọn giới tính khi sinh là một biểu hiện không tôn trọng cơ hội được phát triển để trở thành một con người của những sinh linh bé nhỏ. Chỉ vì những quan niệm, sở thích, hay nhu cầu của bố, mẹ mà có hành động phân biệt, kỳ thị giới tính thai nhi, thậm chí tước bỏ cơ hội phát triển của những bào thai. Đây là những hành vi rất khó được ủng hộ, xét về đạo đức của con người.

Chúng ta đang hướng đến một xã hội hiện đại, văn minh và nhân văn thì sẽ không thể chấp nhận các hình thức phân biệt, kỳ thị, trong đó có sự phân biệt giới tính. Dẫu mới chỉ là những bào thai thì những sinh linh đó cũng cần phải được tôn trọng và bảo vệ cơ hội được sống, và được phát triển thành con người. Nói cách khác, chúng ta cần thực hiện bình đẳng xã hội ngay từ khi trong bào thai.

Do đó, từ tất cả các góc nhìn đạo đức, phát triển xã hội và tăng trưởng kinh tế thì các phản ứng chính sách nhằm ngăn chặn mọi biểu hiện lựa chọn giới tính khi sinh là cần thiết. Giảm thiểu, tiến tới loại bỏ hành vi phi nhân tính (lựa chọn giới tính khi sinh) sẽ góp phần hoàn thiện quan niệm về con người, vun đắp các giá trị xã hội tốt đẹp, hướng đến sự phát triển bền vững cho cả cộng đồng xã hội.

Tuy nhiên, chúng ta cũng cần tư duy duy lý để nhận ra rằng nếu muốn, các gia đình và các cơ sở dịch vụ vẫn có thể tìm ra những cách thức để tránh sự trừng phạt của pháp luật, cũng như các phản ứng của cộng đồng xã hội. Cũng có nghĩa, cho dù luật pháp có nghiêm khắc đến đâu cũng sẽ là chưa đủ để ngăn chặn các hành vi lạm dụng công nghệ để xác định và lựa chọn giới tính của thai nhi.

Cùng với các quy định pháp luật nhằm nghiêm cấm và trừng phạt tài chính với hành vi lạm dụng công nghệ để lựa chọn giới tính thai nhi thì mỗi cơ quan, đơn vị cũng cần bổ sung các hình thức phản đối mạnh mẽ để tạo thành sức mạnh tổng hợp nhằm đẩy lùi những toan tính không phù hợp với đạo đức của con người.

Theo đó, nếu cá nhân bị phát hiện có hành vi lựa chọn giới tính thai nhi, các chủ thể sử dụng lao động có thể xem xét từng hoàn cảnh để áp dụng các biện pháp như hạ bậc lương, tước bỏ quyền tiếp cận cơ hội thăng tiến, thậm chí cho nghỉ việc nếu phát hiện những động cơ không chính đáng, thiếu đạo đức.

Về lâu dài, chúng ta cũng cần nhận thức rằng giáo dục và tạo cơ hội phát triển cho phụ nữ mới là những định hướng giải pháp hữu hiệu nhất để có thể thiết lập vững chắc những quan niệm mới, tư duy mới về sự bình đẳng giữa con người với con người, kể cả khi mỗi người vẫn còn ở trong bào thai.

Tác giả: Ông Nguyễn Văn Đáng có bằng tiến sĩ Quản trị công và chính sách từ trường Quản lý nhà nước Mark O. Hatfield, Đại học Portland State, Mỹ. Hiện ông công tác tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!